Thái độ cần thiết trong thực tế lâm sàng.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm thần học (Trang 137)

I. Vấn đề thực thể và chức năng.

2. Thái độ cần thiết trong thực tế lâm sàng.

Vấn đề thực thể và chứng năng, hàng ngày, hàng giờ, được đặt ra cho mọi thầy thuốc thực hành, nhưng không phải lúc nào cũng được giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, lẫn lộn giữa thực thể và chức năng là một sai lầm mà bất cứ thầy thuốc nào cũng dễ phạm phải.

Để hạn chế sai lầm, trong thực tiễn lâm sàng, thầy thuốc phải cực kỳ chú ý đến có yêu cầu này:

a) Phải đặt vấn đề thực thể và chức năng trước mọi bệnh cảnh phức tạp:

Quá thiên về thực thể, không để ý đến nhân tố chức năng, nhiều khi không làm được chẩn đoán đúng, và kéo dài vô ích thời gian bị bệnh. Rất nhiều bệnh nhân đáng lẽ chỉ cần điều trị một thời gian rất ngắn mà đành phải mang bệnh trong nhiều năm.

Ngược lại, quá chú trọng đến chức năng, không theo dõi đầy đủ mặt thực thể, có thể làm chẩn đoán sai lầm, gây ra những hậu quả rất tai hại. Cũng khá nhiều bệnh nhân có tổn thương thực thể trầm trọng, nhưng chỉ phát hiện được sau khi mổ tử thi, còn lúc sống thì mang chẩn đoán là bệnh tâm căn, hoặc bệnh chức năng.

b) Phải luôn luôn nghĩ rằng ở một bệnh nhân có thể đồng thời có một bệnh thực thể kết hợp với một bệnh chức năng.

Ở thế kỷ trước, nhiều bệnh thực thể được mang chẩn đoán là bệnh chức năng hysteria. Vì vậy các tác giả cố tìm ra những tiêu chuẩn chặt chẽ để phân biệt giữa một bệnh thực thể với một bệnh chức năng tương ứng. Sự phân biệt rất cần thiết nhưng quá chặt chẽ này dần dần trở nên máy móc, lại gây nhiều khó khăn cũng như sai lầm trong chẩn đoán. Thí dụ thầy thuốc phải chẩn đoán đó là cơn động kinh hoặc là cơn hysteria, chứ không thể chẩn đoán là một bệnh nhân vừa có cơn động kinh vừa có cơn hysteria xen kẽ vào. Nhưng thực tế lại có như vậy. Sự kết hợp giữa bệnh thực thể và bệnh chức năng là một sự kiện phức tạp, nhưng có thực, cần phải lưu ý.

c) Phải luôn luôn nhớ rằng với thời gian, từ chức năng có thể chuyển sang thực thể.

Liệt chức năng lâu ngày có thể chuyển sang teo cơ và cứng khớp. Nôn và đau vùng thượng vị lúc đầu mang tính chất chức năng rõ ràng, nhưng kéo dài nhiều năm gây ra loét dạ dày thực sự. Loạn thần phản ứng kéo dài có thể đưa bệnh nhân vào bệnh cảnh giống tâm thần phân liệt và trí tuệ sa sút không chữa khỏi. Vì vậy không nên coi nhẹ bệnh chức năng, cho rằng muốn chữa lúc nào cũng được, mà phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

d) Cũng phải nhớ rằng cùng một nguyên nhân có thể gây nên một bệnh cảnh thực thể song song với một bệnh cảnh chức năng:

Bản quyền phần gõ này thuộc về YB7 09-15

Một chấn thương sọ não có thể gây ra những triệu chứng thần kinh khu trú, theo vị trí tổn thương ở não. Nhưng bản thân chấn thương sọ não ấy cũng là một sang chấn tâm có thể gây ra bệnh tâm căn. Vì vậy trong một số bệnh cảnh có thể có những triệu chứng chức năng xen lẫn vào những triệu chứng thực thể. Có phân biệt được hai loại triệu chứng này thì mới có thể áp dụng phương pháp điều trị có hiệu lực cho từng loại được.

e) Mọi thầy thuốc cần phải biết sử dụng liệu pháp tâm lý để loại trừ các triệu chứng năng làm cho bệnh cảnh đơn thuần hơn, chẩn đoán đúng hơn và điều trị thích hợp hơn:

Trong thực tế lâm sàng, có nhiều trường hợp rất khó phân biệt giữa chức năng và thực thể. Vì vậy cần phải dùng kết quả điều trị để xác định chẩn đoán. Bằng liệu pháp tâm lý tích cực và đúng đắn, có thể làm mất những triệu chứng chức năng và bệnh thực thể sẽ thấy dễ hơn. Và nếu chỉ là bệnh chức năng đơn thuần, bệnh có thể khỏi hẳn, chẩn đoán hoàn toàn xác định.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm thần học (Trang 137)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w