Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây
dựng Đảng” [11, tr.239]. Trong đó, cán bộ chủ chốt là lực lượng nòng cốt, là nhân tố quan trọng nhất trong bộ máy tổ chức Đảng và Nhà nước. Cán bộ chủ chốt là những người đứng đầu một ngành, một địa phương, một đơn vị công tác, sản xuất kinh doanh, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị ở đó, phân công nhiệm vụ, chỉ đạo cán bộ công chức của mình hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Cán bộ chủ chốt giỏi thì đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ được sử dụng phát huy được mọi khả năng. Cán bộ chủ chốt giỏi thì tổ chức sẽ mạnh, nâng cao được hiệu quả, chất lượng công tác. Cùng một tổ chức bộ máy tương tự, cùng một cơ chế chính sách giống nhau, nhưng có địa phương kinh tế - xã hội phát triển nhanh, mọi nhiệm vụ đều thực hiện và hoàn thành xuất sắc; có địa phương kinh tế - xã hội trì trệ, mọi nhiệm vụ bê trễ. Có những ngành, địa phương sản xuất đình đốn, kinh doanh thua lỗ, đời sống cán bộ nhân dân hết sức khó khăn, thế nhưng chỉ cần thay cán bộ đứng đầu, tình hình mọi mặt được cải thiện.
Điều đó nói lên là vai trò quyết định của cán bộ chủ chốt. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có đầy đủ phẩm chất và tài năng ở các cấp, các ngành đóng vai trò quan trọng trong xây dựng bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước ta. Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có nghĩa là phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ của cấp mình, đơn vị mình, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý. Đồng thời với việc chuẩn bị đường lối, nghị quyết cũng như chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, đơn vịphải chuẩn bị chiến lược cán bộ tương ứng, trong đócần chú trọng đến cán bộ chủ chốt. Nội dung quan trọng là xây dựng được quy hoạch cán bộ và chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, giáo dục cán bộ. Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, phải nắm vững tiêu chuẩn cán bộ, nhất là tiêu chuẩn đối với cán bộ chủ chốt của các cơ quan đơn vị, giải quyết mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu cán bộ. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác cán bộ, phải tăng cường đoàn kết, tập hợp rộng rãi
các loại cán bộ, trọng dụng mọi nhân tài cho đất nước. Cần thu hút những người có đủ đức, đủ tài, đủ năng lực trình độ vào đội ngũ cán bộ chủ chốt, kể cả những người chưa phải là đảng viên.
Bên cạnh đó, đánh giá đúng và biết sử dụng cán bộ chủ chốt phù hợp với năng lực cá nhân của cán bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đơn vị. Đánh giá đúng thì mới sử dụng cán bộ đúng chỗ, đúng việc. Đánh giá cán bộ là hiểu cán bộ trong sự vận động phát triển, từ hiện tượng tìm ra bản chất, từ biểu hiện bề ngoài tìm ra thực chất bên trong, tìm hiểu về quá khứ và hiện tại thấy hướng phát triển tương lai. Khi đánh giá đúng cán bộ thì cần mạnh dạn sử dụng đề bạt, cất nhắc và giao nhiệm vụ đúng lúc; không chờ đợi, không để chậm trễ mất thời cơ của cán bộ.
Chính sách cán bộ phải nhất quán, thực sự dân chủ, công bằng. Mọi cán bộ đều được đối xử như nhau, đều được tạo điều kiện để phát huy năng lực sở trường của bản thân. Đồng thời tất cả cán bộ đều được hưởng những chính sách về bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, đề bạt cất nhắc, đãi ngộ... một cách công bằng, hợp lý.
Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng bộ máy tổ chức của Đảng và Nhà nước ta. Đó là cơ sở vững chắc để công tác cán bộ của Đảng ngày càng được tăng cường, phát triển và có hiệu quả, góp phần quyết định vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và trong đó có đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ năng lực và phẩm chất, đáp ứng yêu cầu của phát triển của đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế.