Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một kiểu tổ chức kinh tế vừa dựa theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối.
Cơ chế thị trường ở nước ta là cơ chế thị trường chịu sự điều tiết của Nhà nước, trên cơ sở sự vận động khách quan của các quy luật trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ có các điều chỉnh cần thiết nhằm hạn chế những khuyết tật của cơ chế thị trường như phân hóa giàu nghèo, khủng hoảng, lạm phát,...; tạo ra những tiền đề để huy động mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển nền kinh tế phát triển theo định hướng XHCN, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhà nước thực
hiện định hướng sự phát triển kinh tế; có hệ thống chính sách nhất quán để tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho hoạt động kinh tế; hạn chế, khắc phục những mặt tiêu cực của cơ chế thị trường. Nhà nước thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và chức năng chủ sở hữu tài sản công, không can thiệp vào chức năng quản trị kinh doanh để các doanh nghiệp có quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Nhà nước sử dụng các biện pháp kinh tế là chính để điều tiết nền kinh tế, chứ không phải là mệnh lệnh.
Để thực hiện tốt những nhiệm vụ đặt ra, trách nhiệm nặng nề đó đặt lên vai đội ngũ cán bộ chủ chốt về kinh tế. Do vậy cần phải xây dựng đội ngũ công chức quản lý kinh tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở các cấp, các ngành, ở cả trung ương và địa phương. Đó là: có bản lĩnh chính trị vững vàng để phát triển nền kinh tế thị trường song vẫn giữ vững định hướng XHCN; có trình độ chuyên môn sâu và hiểu biết về nền kinh tế thị trường với sự năng động, sáng tạo, quyết đoán trong xử lý công việc; thường xuyên, tích cực học tập, tìm hiểu kiến thức mới để kịp thời nắm bắt văn minh của thời đại; giữ vững đạo đức cách mạng, đấu tranh chống những tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường.