Để đánh giá cán bộ đúng người, đúng việc, đúng năng lực phải xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cán bộ và đồng thời phải xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) đã ban hành tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn riêng đối với cán bộ thuộc 4 lĩnh vực công tác là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân; cán bộ lãnh đạo lực lượng vũ trang; cán bộ khoa học, chuyên gia; cán bộ quản lý kinh doanh.
Tuy nhiên, đó vẫn là những tiêu chuẩn chung của các cán bộ chủ chốt trong mỗi lĩnh vực công tác, những tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ ở từng cấp, từng ngành thì hiện nay vẫn chưa xây dựng. Mặt khác, để đánh giá đúng chất lượng cán bộ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương cần phải có bộ khung tiêu chuẩn và khung tiêu chí đánh giá đối với các chức danh cán bộ ở từng cấp ủy quản lý (cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện quản lý), trên cơ sở đó, các cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng tiêu chuẩn cụ thể các chức danh cán bộ thuộc cấp mình và cấp dưới quản lý làm cơ sở để đánh giá đúng cán bộ.
Trong công tác đánh giá cán bộ cần phải xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ, coi trọng đánh giá của cấp trưởng đối với cấp phó; coi trọng đánh giá của người đứng đầu đối với thủ
trưởng các đơn vị trực thuộc. Đồng thời với việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ cũng cần nghiên cứu, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các khâu khác của công tác cán bộ, trong quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ… Có làm như vậy thì chất lượng công tác đánh giá cán bộ mới được nâng cao và đi vào chiều sâu.
Để đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, nhất là đối với cán bộ trẻ, cán bộ dự nguồn quy hoạch các chức danh, một trong những tiêu chí đặt ra là cần phải thực hiện thi, sát hạch hàng năm đối với cán bộ. Thực hiện cơ chế thi sát hạch định kỳ cũng sẽ thúc đẩy việc tự học tập, tự nâng cao trình độ của cán bộ, đồng thời cũng góp phần đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, đưa việc tự học tập, tự nâng cao trìnhđộ trở thành nhu cầu thiết thân của mỗi cán bộ, công chức; góp phần khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp, tuyệt đối hoá bằng cấp của cả người dạy, người học và của cơ quan làm công tác cán bộ, cơ quan sử dụng cán bộ... Tuy nhiên, để tiêu chí thi, sát hạch hàng năm đối với cán bộ trở thành một tiêu chí chất lượng đòi hỏi phải nghiên cứu, ban hành cơ chế thi, sát hạch hằng năm và xây dựng phương thức đánh giá cán bộ trong mối quan hệ biện chứng giữa kết quả thi, sát hạch với thành tích công tác và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.