Các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Hòa Bình

Một phần của tài liệu Đội ngũ cán bộ chủ chốt về kinh tế cấp tỉnh ở Hoà Bình thời kỳ hội nhập quốc tế (Trang 98 - 100)

* Tài nguyên đất:

Diện tích đất tự nhiên của tỉnh Hoà Bình tính đến 1/1/2009 là 4.595,2 km2, với 3 nhóm chính: Nhóm Feralit phát triển trên đá trầm tích và biến chất kết cấu hạt thô trên các loại đá chủ yếu là sa thạch Pocfirit Spilit; nhóm đất phát triển trên đá trầm tích và biến chất có kết cấu hạt mịn trên các loại đá phiến thạch sét, diệp thạch; nhóm Feralit phát triển trên đá vôi và biến chất của đá vôi. Xét một cách tổng thể, nguồn đất của Hoà Bình cóđộ màu mỡ cao thích hợp với nhiều loại cây trồng với hàng trăm ngàn ha đất gồm các lô đất liền khoảnh có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau nhất là trồng rừng, trồng cây công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản và phát triển công nghiệp. Ngoài ra, phần đất trống, đồi núi trọc khó phát triển

nông nghiệp và trồng rừng là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và mở rộng các khu công nghiệp.

* Tài nguyên nước

Tỉnh Hoà Bình có mạng lưới sông, suối phân bổ khắp trên tất cả các huyện, thành phố. Nguồn cung cấp nước lớn nhất của Hoà Bình là sông Đà chảy qua các huyện, thành phố: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, thành phố Hoà Bình và huyện Kỳ Sơn với tổng chiều dài 151 km. Hồ Hoà Bình với diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 ngoài nhiệm vụ cung cấpnước cho Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình còn có nhiệm vụ chính là điều tiết và cung cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

* Tài nguyên rừng

Diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình hiện nay có 251.315 ha, chiếm 54,7% diện tích tự nhiên; trong đó đất rừng tự nhiên 151.949 ha, đất rừng trồng 98.250 ha. Rừng Hòa Bình có nhiều loại gỗ, tre, bương, luồng; cây dược liệu quý như dứa dại, xạ đen, củ bình vôi... Ngoài các khu rừng phòng hộ, phần lớn diện tích rừng trồng thuộc các dự án trồng rừng kinh tế hiện nay đã đến kỳ khai thác và tiếp tục được trồng mới mở rộng diện tích, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy khai thác, chế biến gỗ quy mô lớn.

Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, bao gồm: khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (chung với Thanh Hoá), khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn, vườn quốc gia Cúc Phương (chung với Ninh Bình và Thanh Hoá), vườn quốc gia Ba Vì (chung với Hà Nội) và khu bảo tồn đất ngập nước lòng hồ Hoà Bình. Khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nói trên sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Hòa Bình trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

* Tài nguyên khoáng sản

Hoà Bình có nhiều loại khoáng sản, một số khoáng sản đã được tổ chức khai thác như: Amiăng, than, nước khoáng, đá vôi... Đáng lưu ý nhất là đá, nước khoáng, đất sét có trữ lượng lớn.

Thế mạnh về khoáng sản của tỉnh là đá gồm có các loại như: đá gabrodiaba trữ lượng 2,2 triệu m3, đá granit trữ lượng 8,1 triệu m3, đá vôi: trên 15 tỷ m3,... để sản xuất vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng, nước khoáng khai thác với quy mô công nghiệp. Ngoài ra còn có nhiều mỏ khoáng sản đa kim: Đồng, chì, kẽm, thuỷ ngân, antimon, pyrit, photphorit,... có trữ lượngở các mức độ khác nhau.

Từ những phân tích trên có thể thấy, Hoà Bình là tỉnh miền núi, có địa hình núi cao, chia cắt phức tạp, độ dốc lớn và theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, trong đó gần nửa diện tích toàn tỉnh là vùng núi cao khoảng 600 - 700m. Điều kiện địa hình khó khăn, hiểm trở là khó khăn lớn cho công tác quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, các khu công nghiệp quy mô lớn, phát triển hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội của tỉnh; ảnh hưởng lớn đến việc cải thiện và nâng cao sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh; gây khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Bất lợi này là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu” chất xám và nguồn vốn; nhiều trường hợp người dân địa phương đã đầu tư sản xuất kinh doanh ở tỉnh khác, hàng năm một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học đã không trở về địa phương công tác. Bài toán thu hút nhân tài, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt về kinh tế phải xây dựng cơ chế, chính sách kinh tế hiệu quả, có tầm tư duy chiến lược nhằm khắc phục bất lợi thế trên.

Một phần của tài liệu Đội ngũ cán bộ chủ chốt về kinh tế cấp tỉnh ở Hoà Bình thời kỳ hội nhập quốc tế (Trang 98 - 100)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(181 trang)