Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc

Một phần của tài liệu Đội ngũ cán bộ chủ chốt về kinh tế cấp tỉnh ở Hoà Bình thời kỳ hội nhập quốc tế (Trang 88 - 90)

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Hướng dẫn số 47-HD/BTCTW, ngày 24-5-2005 của Ban Tổ chức Trung ương về quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời chỉ đạo đảng bộ các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị uỷ trực thuộc xây dựng các chức danh lãnhđạo chủ chốt của địa phương, đơn vị.

Tính đến cuối năm 2008, tổng biên chế hành chính sự nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc (không kể cấp xã) là 17.256 người, tăng 40,48% so với năm 1998. Trong đó: sự nghiệp giáo dục đào tạo 12.567 người, tăng 26,14%; y tế 2.176 người, tăng 119,35%; văn hoá, khoa học và sự nghiệp khác 834 người, tăng 109,02%. Về trình độ chuyên môn, sau đại học 417 người (chiếm 2,42%), tăng 176,15% so với năm 1998; đại học, cao đẳng 11.900 người (68,96%), tăng 137,42%; trung cấp 3.980 người (23,06%), giảm 29,62%; số còn lại 964 người (5,58%), giảm 34%. Về lý luận chính trị: trình độ cao cấp trở lên 369 người ( chiếm 2,14%), tăng 329% so với năm 1998; trung cấp 1.209 người (7%), tăng 201,49%. Về ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh): trình độ cử nhân trở lên 487 người (chiếm 2,82%), tăng 122,37% so với năm 1998; trình độ cơ sở 3.515 người (20,36%), tăng 116,98%. Về độ tuổi: từ duới 30 tuổi có 5.557 người (chiếm 32,20%), tăng 44,68% so với năm 1998; từ 30 tuổi đến 50 tuổi có 10.261 người (59,47%), tăng 37,56%. Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có 7.406 người (chiếm 42,92%), tăng 102,24% so với năm 1998; Cán bộ, công chức, viên chức là nữ có 10.955 người (63,48%), tăng 38,62%;

trong cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc ít người có 180 người (1,04%), tăng 50%.

Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các nghị quyết về việc phát triển nguồn nhân lực; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành quy định về một số chính sách phát triển đội ngũ trong cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, nhằm xây dựng đội ngũ trong cán bộ, công chức, viên chức cơ bản đủ về số lượng, 100% đạt chuẩn và một bộ phận có trình độ trên chuẩn; đào tạo nâng cao cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và chuyên môn giỏi thuộc các lĩnh vực mà tỉnh có nhu cầu; đào tạo bổ sung nguồn trong cán bộ, công chức, viên chức cho một số ngành còn thiếu; đào tạo năng khiếu đặc biệt trong một số lĩnh vực như: thể dục thể thao, văn hóa, nghệ thuật đã thể hiện quyết tâm đổi mới đội ngũ trong cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức được đổi mới trên các mặt: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đánh giá, sắp xếp, bố trí. Việc thi tuyển, xét tuyển về cơ bản đã được thực hiện dân chủ, công khai, có nền nếp. Với phương châm coi trọng chất lượng tuyển dụng đầu vào, tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đang công tác, chủ động thực hiện tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trình độ, sức khoẻ, nên đội ngũ cán bộ, công chức đã có những chuyển biến tích cực. Trình độ mọi mặt, kỹ năng giải quyết công việc của cán bộ, công chức được nâng lên; số lượng cán bộ, công chức có trình độ đại học, sau đại học tăng nhanh; công chức giữ vị trí ở các ngạch cao như chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính ngày càng nhiều; số cán bộ, công chức có trình độ trung cấp trở xuống giảm đáng kể. Việc thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức được quan tâm, góp phần chuẩn hoá và nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực nói chung trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập. Năng lực và trìnhđộ đội ngũ cán bộ, công chức chưa ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Cán bộ, công chức nói chung còn thiếu kiến thức quản lý nhà nước, chưa nắm chắc pháp luật, còn yếu về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng hành chính. Phong cách, lề lối làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức còn trì trệ, chậm đổi mới. Văn hoá công sở, thái độ ứng xử của không ít cán bộ, công chức chưa đạt yêu cầu. Một bộ phận cán bộ, công chức sa sút về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm, còn gây phiền hà cho nhân dân, thậm chí còn vi phạm pháp luật. Cơ cấu ngạch cán bộ, công chức chủ yếu hình thành tự phát, chưa gắn với nhu cầu vị trí việc làm, yêu cầu nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức; cơ cấu trìnhđộ của đội ngũ cán bộ, công chức thiếu cân đối, bất hợp lý, chưa được xác định rõ ràng.

Một phần của tài liệu Đội ngũ cán bộ chủ chốt về kinh tế cấp tỉnh ở Hoà Bình thời kỳ hội nhập quốc tế (Trang 88 - 90)