QUAN HỆ INDONESIA-HÀ LAN SAU HIỆP ƯỚC THE HAGUE

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 84 - 89)

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA INDONESIA DƯỚI THỜI CẦM QUYỀN CỦA SUKARNO

III. 2. QUAN HỆ INDONESIA-HÀ LAN SAU HIỆP ƯỚC THE HAGUE

III.2.1. Quan hệ Indonesia - Hà Lan sau Hiệp ước The Hague

Ba ngày sau khi Hiến pháp được thông qua (14.8.1950), một nhà nước đơn nhất có tên gọi là Cộng hòa Indonesia được chính thức thiết lập trên toàn thể quần đảo. Như vậy là cơ cấu liên bang mà Hà Lan đã cố công nặn ra và áp đặt lên phái đoàn Indonesia ở Hội nghị The Hague đã sớm tiêu vong.

Số phận của Liên hiệp Hà Lan – Indonesia cũng không khả quan hơn do cuộc đàm phán về Tây Irian diễn ra trong mùa thu 1950 đã không mang lại kết quả cụ thể nào, nhất là sau khi Quốc hội Hà Lan ngày 19.2.1952 thông qua phần tu chính Hiến pháp đề cập đến việc thu nạp Tây Irian vào lãnh thổ Hà Lan.

Các mối liên hệ gắn kết Indonesia vào Hà Lan tàn lụi dần. Ngày 21.4.1953, đại diện hai nước kí nghị định thư chấm dứt hoạt động của phái bộ quân sự Hà Lan ở Indonesia.

Ngày 10.8.1954, đại diện hai nước kí nghị định thư thỏa thuận xóa bỏ Liên hiệp Hà Lan – Indonesia về nguyên tắc và chấm dứt các hiệp định về đối ngoại, văn hóa và hợp tác quân sự. Hà Lan chỉ còn giữ lại được các hiệp định về kinh tế và tài chính. Ngày 13.2.1956, sau khi Hội nghị bàn về việc xóa bỏ Liên hiệp Hà Lan – Indonesia sa vào tình trạng bế tắc(46), chính phủ Indonesia ra quyết định đơn phương hủy bỏ Liên hiệp Hà Lan – Indonesia, bất chấp những lời phản đối mạnh mẽ của chính phủ Hà Lan. Ngày 21.4.1956, Quốc hội Indonesia thông qua đạo luật hủy bỏ toàn bộ các thỏa thuận đã đạt được với Hà Lan tại Hội nghị Bàn tròn. Đạo luật nhấn mạnh quan hệ giữa Indonesia và Hà Lan là quan hệ

thông thường giữa các nước có chủ quyền đầy đủ trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Đạo luật

46() Hội nghị diễn ra từ ngày 10.12.1955 ở The Hague. Ngày 13.12, Hội nghị quyết định chuyển đến Geneva, nơi có bầu không khí trung lập rõ rệt hơn. Thông cáo chung được công bố ngày 11.2.1956, cho thấy hai bên không đạt được thỏa thuận về các thủ tục giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh.

nêu rõ rằng “các quyền, các ưu đãi, các giấy phép và phương cách hoạt động của các công ty Hà Lan đang kinh doanh ở Indonesia sẽ được tôn trọng nếu chúng không vi phạm những quyền lợi của một quốc gia đang trong thời kì tái thiết”. Quá trình tiêu vong của dự án thành lập Liên hiệp Hà Lan-Indonesia coi như kết thúc vào ngày 4.5.1956, khi trụ sở của cao ủy Hà Lan ở Indonesia chuyển thành đại sứ quán.

III.2.2. Indonesia và Hà Lan tranh chấp Tây Irian.

Tây Irian (Irian Jaya) với diện tích là 422.000km2 và dân số vào khoảng 2 triệu là phần phía tây của đảo Tân Guinea có tổng diện tích là 785.000 km2. Năm 1828, lúc bị người Hà Lan xâm chiếm, Tây Irian đang thuộc chủ quyền của sultan Tidore trong quần đảo Maluku. Tuy nhiên, người Hà Lan đã không công nhận điều này. Sau khi chiếm đóng Indonesia, người Nhật đã biên chế Tây Irian vào quần đảo Maluku. Sau Chiến tranh Thái Bình Dương, chính sách của Hà Lan đối với Tây Irian được nhận ra rõ hơn, khi nước này tham gia cùng với Australia, New Zealand, Hoa Kì, Pháp và Anh thành lập Uûy hội Nam Thái Bình Dương vào ngày 6.2.1947. Phạm vi địa lí của ủy hội này được xác định bao gồm những lãnh thổ không tự trị trong vùng Thái Bình Dương của các nước kí kết nằm “hoàn toàn hay một phần phía nam đường xích đạo và tính từ phía đông, bao gồm cả Tân Guinea thuộc Hà Lan”.

– Quyền lợi của Hà Lan và Indonesia trong vấn đề Tây Irian.

Giá trị của Tây Irian không chỉ là những nguồn tài nguyên phong phú mà phần lớn còn chưa được thăm dò, mà còn được tìm thấy trong vị thế địa-chính trị: Hà Lan chỉ có thể duy trì được vị thế cường quốc ở Thái Bình Dương chừng nào còn giữ được một lãnh thổ trong vùng này. Cũng giống như nỗ lực đối phó với phong trào giải phóng dân tộc ở Indonesia trong những năm 1945 – 1949, Hà Lan chủ trương giữ lại Tây Irian theo cách công nhận quyền tự trị của người bản xứ Papua trong khuôn khổ Liên hiệp Hà Lan.

Về phần mình, Indonesia đưa ra luận cứ pháp lí cho yêu sách đối với Tây Irian trên cơ sở vùng đất này là một phần của Đông Ấn thuộc Hà Lan. Do vậy, khi chuyển giao chủ quyền, Hà Lan không được, Jakarta lập luận, giữ lại bất kỳ phần lãnh thổ nào nằm trong phạm vi đế quốc Hà Lan trên quần đảo. Một lí do khác thôi thúc Indonesia quyết đòi cho được Tây Irian: Jakarta lo sợ Tây Irian sẽ bị các thế lực thù địch với chính sách xây dựng nhà nước đơn nhất sử dụng làm bàn đạp cho các hoạt động phá hoại nhằm vào Java. Một loạt các va chạm diễn ra trong quá trình chuyển giao chủ quyền càng làm cho Jakarta hồ nghi thiện ý của Hà Lan. Cá nhân Sukarno có ý sử dụng cuộc đấu tranh đòi Tây Irian như là ngọn cờ tập hợp người dân chung quanh ông hầu tiếp thêm sức mạnh cho kế hoạch xây dựng chế độ “dân chủ có dẫn dắt”, thay cho chế độ đại nghị mà ông đánh giá là không phù hợp với đất nước Indonesia.

– Lập trường của các nước tại Đại Hội Đồng LHQ.

Ngày 17.8.1954, Chính phủ Jakarta đã đưa vấn đề Tây Irian vào chương trình nghị sự của kì họp thứ IX của Đại Hội Đồng LHQ, sau khi Hà Lan từ chối thương thảo về vấn đề này tại Hội nghị diễn ra vào mùa hè năm 1954, dù hai bên đã đạt được sự đồng ý về

nguyên tắc xóa bỏ Liên hiệp Hà Lan – Indonesia. Trong quá trình thảo luận, một số nước đã thay đổi lập trường của mình về quan hệ Indonesia – Hà Lan, trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp của Australia. Trước đây, nước này luôn bày tỏ thái độ ủng hộ tích cực dành cho cuộc kháng chiến chống Hà Lan của xứ láng giềng phía bắc. Nhưng giờ đây, Australia chọn đứng hẳn về phía Hà Lan trong vấn đề Tây Irian. Kinh nghiệm rút ra từ cuộc tiến công của Nhật trong Chiến tranh Thái Bình Dương ở Đông Nam Á và Tây Nam Thái Bình Dương cho thấy đảo Tân Guinea giữ vai trò có ý nghĩa sống còn đối với an ninh của Australia. Đã vậy, không ít nhân vật có thẩm quyền ở Jakarta đôi lúc bày tỏ quan điểm không chính thức rằng phần phía đông của đảo có tên gọi là New Guinea and Papua đang thuộc quyền ủy trị của Australia nên được sáp nhập luôn vào Tây Irian. Điều này chỉ càng làm tăng thêm nỗi bất an của Canberra. Australia rút ra kết luận là một Tây Guinea thuộc Hà Lan thân hữu thì có lợi cho an ninh của Australia hơn là một Tây Irian thuộc Indonesia trung lập có xu hướng bài phương Tây. Cùng chia sẻ quan điểm của Australia về vấn đề an ninh của châu Đại Dương, New Zealand đã bày tỏ thái độ ủng hộ người láng giềng khổng lồ. Có nhiều quyền lợi trên bán đảo Malaya và bắc đảo Borneo, Anh không ngần ngại đứng về phía hai thành viên Thịnh Vượng Chung. Đều là các đồng minh của Hà Lan, Pháp và Bỉ tất nhiên không hành động khác Anh. Riêng Hoa Kì phân vân giữa một bên là đồng minh Hà Lan trong NATO và bên kia là Indonesia, biểu trưng của chủ nghĩa dân tộc châu Á, đã chọn lập trường trung lập. Trừ một số ít trường hợp, đại bộ phận các thành viên châu Á và châu Phi đều ủng hộ lập trường của Indonesia.

Khi được mang ra bỏ phiếu ở phiên họp toàn thể ngày 10.12.1954 của ĐHĐ LHQ khĩa IX, dự thảo nghị quyết kêu gọi hai nước Indonesia và Hà Lan ngồi vào bàn thương thuyết để tìm một giải pháp hòa bình cho số phận của Tây Irian đã không hội đủ hai phần ba soá phieáu caàn thieát.

Trong lần bỏ phiếu diễn ra ở phiên họp toàn thể ngày 16.12.1955, ĐHĐ LHQ khóa X đã thông qua nghị quyết bày tỏ hi vọng cuộc đàm phán giữa Hà Lan và Indonesia sẽ có kết quả và vấn đề sẽ được giải quyết một cách hòa bình.

Khi cuộc thương lượng không mang lại kết quả mong muốn, đã xuất hiện đề nghị thành lập một Ủy ban Thiện chí gồm ba thành viên có nhiệm vụ giúp đưa cuộc đàm phán giữa Indonesia và Hà Lan đến một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn không hội đủ tỉ lệ hai phần ba khi được mang ra bỏ phiếu ngày 28.2.1957 tại ĐHĐ LHQ.

– Do sự thúc ép của tình hình đối nội, chính phủ Indonesia quyết tâm giải quyết vaán

đề Tây Irian.

Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra giữa lúc sinh hoạt chính trị ở Indonesia đang trong thời kì căng thẳng. Vì nhiều lí do khác nhau, chế độ dân chủ đại nghị được mang ra thực hiện từ năm 1950 đã tạo ra một tình thế, mà một số chính khách Indonesia đánh giá là “bất ổn”.

Tháng 2.1957, Sukarno đưa ra đề xuất sau: “Chế độ dân chủ tự do không phù hợp với Indonesia và cần được thay bằng chế độ “dân chủ có dẫn dắt” [57, tr.147].

Ngày 14.3.1957, giữa lúc các cuộc nổi loạn vũ trang lan rộng trên các đảo Sumatra và Sulawesi, tổng thống Sukarno ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước và ra tuyên bố:

Toàn bộ chính quyền được chuyển giao cho tôi trong tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh quân lực Indonesia” [57, tr.148 – 149].

Được thực hiện theo cách tập trung quyền lực vào tay tổng thống, chế độ dân chủ có dẫn dắt tất không làm vừa lòng nhiều chính đảng. Để tập hợp sự ủng hộ của quần chúng trong điều kiện chưa tìm ra phương sách xây dựng kinh tế thật hữu hiệu, Sukarno đã tìm đến vấn đề Tây Irian vốn dễ tạo ra sự đồng thuận hơn trong các tầng lớp nhân dân.

Thực vậy, giành lại Tây Irian từ tay người Hà Lan đã trở thành chủ đề mà các chính khách Indonesia, cả tả lẫn hữu, đều tận lực khai thác từ đầu thập niên 1950, mỗi khi họ cần tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng. Sukarno không phải là trường hợp ngoại lệ. Ông đã không ít lần lên tiếng nhắc nhở người dân và các nhà hoạt động chính trị nên chú mục vào vấn đề Tây Irian, thay vì lao vào cuộc đấu tranh phe phái.

Lần gần đây nhất là trong cuộc mítting diễn ra ngày 18.11.1957 ở Jakarta, Sukarno đã đọc trước toàn thể ngoại giao đoàn một bài diễn văn với những lời lẽ gay gắt nhắm vào Hà Lan. Tổng thống giải thích tình trạng đói nghèo của nhân dân Indonesia bằng sự việc là người Hà Lan vẫn còn sở hữu các đồn điền, hầm mỏ, công nghiệp khai thác dầu, giao thông, hoạt động thương thuyền. Ông tuyên bố: “Chỉ khi nào chúng ta xua họ đi hết, đất nước mới bắt đầu thịnh vượng”.

Chính giữa lúc bầu không khí chống Hà Lan đang sôi sục ở Indonesia thì ĐHĐ LHQ đã không thể đưa vấn đề Tây Irian vào chương trình nghị sự của khóa XII, vì cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 29.11.1957 không hội đủ tỉ lệ hai phần ba cần thiết. Lần này, chính phủ Indonesia phản ứng rất quyết liệt. Ngày 5.12.1957, lệnh quốc hữu hóa tài sản của kiều dân Hà Lan ở Indonesia được ban hành ; 46.000 người Hà Lan bị trục xuất khỏi Indonesia. Sau diễn biến này, “giải phóng Tây Irian” trở thành chủ đề hàng đầu trong sinh hoạt chính trị quốc nội và thường xuyên được nhắc đến trong hoạt động đối ngoại của chính phủ Jakarta.

Trong bài diễn văn đọc nhân ngày Cách mạng tháng 8 (17.8) năm 1960, Sukarno loan báo quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hà Lan, đồng thời đưa ra lời cảnh báo:

Indonesia sẽ không cầu xin nữa, mà tự chọn con đường mới để giải quyết vấn đề Tây Irian”. Đó sẽ là con đường nào ? Câu trả lời được đưa ra tại khóa họp XV của ĐHĐ LHQ:

Chúng tôi không có sự chọn lựa nào ngoài cách giải quyết vấn đề này bằng con đường của mình – con đường giải phẫu để thanh toán khối u ung thư của chủ nghĩa đế quốc ở khu vực trái đất nơi có nước Indonesia” [57, tr.179].

– Indonesia và Hà Lan đối đầu quân sự quanh vấn đề Tây Irian.

Trong quãng thời gian trên, Hà Lan tìm cách tăng cường vị thế quân sự của họ ở Tây Irian. Được chính phủ Eisenhower ủng hộ, Hà Lan khởi công xây dựng các công trình phòng thủ trên phần lãnh thổ Tây Irian. Tháng 5.1960, Hà Lan phái tàu sân bay Karel

Doorman đến Đông Nam Á. Xem đây là sự thách đố trực tiếp, Jakarta ra lời kêu gọi tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng quy mô toàn diện. Để có phương tiện thực hiện lời kêu gọi này, quân đội cần được trang bị các loại vũ khí nặng như chiến hạm, tăng và chiến đấu cơ. Bị Hoa Kì ngưng cung cấp vũ khí từ năm 1958, Indonesia đã quay sang Liên Xô.

Không bỏ lỡ cơ hội, Moskva đã đáp ứng ngay yêu cầu của Jakarta. Tháng 5.1958, những phi cơ quân sự xô viết đầu tiên đáp xuống lãnh thổ Indonesia. Mối quan hệ quân sự giữa hai nước tiếp tục tiến triển trong những năm sau đó. Ngày 8.1.1961, bộ trưởng Quốc phòng và An ninh Indonesia là tướng Nasution đã kí với Liên Xô một thỏa ước về việc Liên Xô bán vũ khí cho Indonesia. Nội trong năm 1961, Indonesia đã mua của Liên Xô một khối lượng vũ khí trị giá đến 1 tỉ USD [18,tr.208]. Theo lời tướng Nasution, sự giúp đỡ của Liên Xô đã cho phép chấm dứt ưu thế quân sự của Hà Lan trong khu vực Tây Irian [57,tr.183]. Thêm một thắng lợi ngoại giao khác đến với Indonesia trong tháng 4.1961:

Hoa Kì từ chối ủng hộ một hội đồng được Hà Lan dựng lên ở Hollandia (thủ phủ Tây Irian) với nhiệm vụ dọn đường để Tây Irian tiến đến độc lập.

Sự thay đổi lập trường của Hoa Kì có lí do riêng của nó: sau khi lên cầm quyền (1.1961), tổng thống Kennedy muốn dọn đường cho sự xâm nhập của tư bản Mĩ vào đời sống kinh tế Indonesia và qua đó tạo dựng ảnh hưởng lên sinh hoạt chính trị nước này hầu có thể tác động lên chính phủ Sukarno và gây dựng những nhóm thân Mĩ trong giới thượng lưu của đất nước lớn nhất vùng Đông Nam Á này.

Về phần mình, Sukarno tăng cường sức ép quân sự và chính trị lên Hà Lan. Trong bài diễn văn đọc ngày 17.8.1961, ông nói rằng Indonesia chỉ thương thuyết với Hà Lan trên cơ sở Tây Irian sẽ được hoàn trả cho nước ông. Ông tuyên bố: “Nếu Hà Lan không trao trả Tây Irian cho chúng ta, chúng ta sẽ thử thách sức lực của họ” và nhấn mạnh rằng ông

không nói đùa, và sẵn sàng gây chiến bất cứ lúc nào”. Sukarno ra lệnh đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến.

Cảm thấy bị cô lập, Hà Lan một mặt khẳng định sẽ không thương lượng với Indonesia về tương lai của Tây Irian, chừng nào các điều kiện của Indonesia còn đi ngược lại quyền tự quyết của người bản xứ Papua. Mặt khác, Hà Lan chuyển hướng vận động sang LHQ, mời tổ chức này cùng tham gia công tác huấn luyện người Papua để họ tự cai quản. Cả cuộc vận động vừa nêu lẫn nghị quyết đòi Hà Lan chuyển giao chủ quyền Tây Irian cho Indonesia đều không được ĐHĐ LHQ thông qua trong tháng 11.1961.

Sau diễn biến trên, Sukarno chuyển sang phương thức quân sự. Ngày 19.12.1961 tại Jogjakarta, ông tuyên bố “ba mệnh lệnh của nhân dân”: phải chặn đứng âm mưu của Hà Lan dựng một nhà nước bù nhìn ở Tây Irian ; lá cờ đỏ và trắng của Indonesia phải được bay trên lãnh thổ này; và nhân dân Indonesia tự đặt trong tư thế sẵn sàng thực hiện lệnh tổng động viên. Một bộ tư lệnh quân sự đặc biệt được thiết lập ở Macassar với nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị giải phóng Tây Irian.

– Vai trò trung gian của LHQ và Hoa Kì.

Trước tình hình diễn biến ngày càng nghiêm trọng, ngày 17.1.1962, tổng thư kí LHQ

U Thant đã yêu cầu Indonesia và Hà Lan giải quyết hòa bình vấn đề Tây Irian. Ngày hôm sau, thủ tướng Hà Lan Jan De Quay yêu cầu LHQ phái quan sát viên đến điều tra tình hình ở Tây bộ Tân Guinea. Động thái này cho thấy Hà Lan chấp nhận khả năng chuyển giao cuộc tranh chấp sang cho LHQ giải quyết. Nhưng Sukarno không thay đổi lập trường: ông vẫn duy trì lệnh chuẩn bị một giải pháp quân sự. Lập trường của Jakarta nhận được sự ủng hộ tích cực của Moskva. Ngày 9.2.1962, chính phủ xô viết đã ra một tuyên bố đặc biệt về vấn đề Tây Irian. Tuyên bố nhấn mạnh rằng Liên Xô đã và đang ủng hộ đòi hỏi hợp pháp của nhân dân và chính phủ Indonesia liên quan đến sự thống nhất ngay lập tức Tây Irian với Indonesia và thủ tiêu sự thống trị của thực dân Hà Lan ở vùng đất tranh chấp [57, tr.183].

Đến đây, Washington một lần nữa lại ra mặt can thiệp, hẳn là để chặn đứng khả năng Liên Xô sẽ khai thác cuộc xung đột Indonesia – Hà Lan hầu tạo ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Ngay trong tháng 3, nhà ngoại giao Mĩ Ellsworth Bunker đưa ra một kế hoạch mang tính thỏa hiệp. Kế hoạch này dự kiến Hà Lan sẽ giao Tây Irian cho LHQ trông coi trong một thời gian mang tính chuyển tiếp ; sau đó xứ này sẽ được chuyển cho Indonesia cai quản thêm một khoảng thời gian nữa. Cuối cùng, người Papua sẽ bỏ phiếu quyết định số phận của họ.

Cần lưu ý ngay ở đây rằng từ ngày 23.3.1962, Indonesia đã đưa một số đơn vị nhỏ hải quân và dù với quân số khoảng 2000 đến Tây Irian để thực hiện các hoạt động du kích.

Jakarta xem đây như là biện pháp gây sức ép buộc Hà Lan chấp thuận đề xuất của Hoa Kì.

Cuộc đàm phán diễn ra ở Washington với sự tham dự của đại sứ Hà Lan Van Roijen và đại sứ Indonesia ở Liên Xô Adam Malik. Đến tháng 7, Hà Lan chấp nhận về nguyên tắc kế hoạch của Hoa Kì. Indonesia cử trưởng đoàn mới là bộ trưởng Ngoại giao Subandrio với nhiệm vụ chính là tìm cách rút ngắn thời gian quá độ vốn được dự kiến là 7 năm. Jakarta quyết định hỗ trợ cho sứ mệnh đàm phán của Subandrio bằng một kế hoạch tấn công quân sự quy mô lớn gồm 75.000 quân, nếu Hà Lan từ chối rút ngắn thời gian quá độ [18.tr.209].

Thêm vào đó là sức ép từ phía Hoa Kì. Các nhà nghiên cứu xôviết viết: “Trong tiến trình đàm phán giữa Indonesia và Hà Lan, Bunker, dù đóng vai trò trung gian, vẫn gây sức ép nhất định lên phái đoàn Hà Lan để buộc họ nhượng bộ Indonesia trong vấn đề rút ngắn thời gian chuyển tiếp đến tháng 5.1963” [57,tr.184].

Ngày 15.8.1962, Hà Lan và Indonesia kí hiệp ước, theo đó Hà Lan sẽ chuyển giao chủ quyền Tây Irian cho LHQ vào ngày 1.10.1962 và thời kì chuyển tiếp sẽ kéo dài đến 30.4.1963; Indonesia sẽ tiếp thu quyền quản lý vào ngày hôm sau và sẽ tổ chức trưng cầu dân ý trong năm 1969 xem người dân bản địa có muốn sống dưới sự cai trị của Jakarta.

Dựa vào kết quả của cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong tháng 7 và tháng 8.1969, ngày 17.9.1969, chính phủ Jakarta đã quyết định sáp nhập Tây Irian vào lãnh thổ Indonesia thành tỉnh thứ 26.

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(434 trang)
w