VI.1. VIỆC THỰC THI ĐIỀU 7 TRONG TUYÊN BỐ CUỐI CÙNG CỦA HỘI NGHỊ GENEVA (1954 – 1959)
VI.1.3. Chính phủ Hoa Kì ủng hộ Chính phủ Sài Gòn khước từ thi hành Điều 7 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva (1955 – 1956)
Sau khi Pháp hoàn tất việc rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam ngày 16.5.1955, công việc quan trọng kế tiếp của Chính phủ VNDCCH liên quan đến Hiệp định Geneva là đấu tranh đòi Chính phủ Sài Gòn thi hành Điều 7 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva. Hai tháng trước đó, Hội nghị lần thứ 7 mở rộng BCHTƯ đảng lao động Việt Nam
diễn ra từ ngày 3 đến ngày 12.3.1955 ở Hà Nội đã nhận định: “Kẻ thù cụ thể trước mắt của toàn dân ta hiện nay là đế quốc Mĩ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm, đế quốc Mĩ là kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất” [Văn kiện Đảng, t.16, tr.208]. Hội nghị xác định công tác số một là “Tiếp tục đấu tranh để thi hành hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình và tiến đến thực hiện thống nhất nước nhà bằng tổng tuyển cử tự do” [Văn kiện Đảng, t.16, tr.209].
Đây là công tác đã được nêu ra trong nghị quyết được BCT Đảng Lao động thông qua sau cuộc họp kéo dài từ ngày 5 đến ngày 7.9.1954. Nghị quyết vạch rõ 5 đặc điểm mới của cách mạng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đặc điểm quan trọng nhất là đất nước tạm thời bị chia làm hai miền, có hai chế độ xã hội khác nhau và sự xuất hiện của kẻ thù mới là đế quốc Mĩ. Nghị quyết xác định “nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam trong giai đoạn hiện tại là: lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ (tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do đi lại...), cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập”. Nghị quyết đồng thời nêu rõ:” Cần phải tăng cường lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực. Phải làm cho mọi mặt biên chế, trang bị, huấn luyện, chế độ,kỉ luật…của Quân đội nhân dân đều được nâng cao lên một bước dài” [Văn kiện Đảng, t.15, tr.308,307].
Ngày 6.6.1955, chính phủ VNDCCH tuyên bố “sẵn sàng mở hội nghị hiệp thương với những nhà đương cục có thẩm quyền ở miền Nam bắt đầu từ ngày 20.7.1955 để bàn về vấn đề tổ chức tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc vào tháng 7.1956” [65, I, tr.222]. Nội dung của tuyên bố này được lặp lại trong công hàm chính thức đề ngày 19.7.1955 của chủ tịch kiêm thủ tướng VNDCCH gửi quốc trưởng và thủ tướng Quốc gia Việt Nam.
Trước đó ba ngày, Chính quyền Ngô Đình Diệm ra tuyên bố: “Chúng tôi không gạt bỏ nguyên tắc tuyển cử, mà coi như một phương tiện dân chủ hòa bình thích đáng để thực hiện nền thống nhất”, nhưng đồng thời nói rõ: “Chúng tôi không kí Hiệp định Geneva.
Chúng tôi không hề bị ràng buộc bởi Hiệp định được kí bất chấp ý nguyện của nhân dân Việt Nam đó... Không thể có chuyện chúng tôi xem xét bất kì đề nghị nào từ phía Việt Minh, nếu không có bằng chứng cho thấy họ đặt quyền lợi của cộng đồng dân tộc lên trên quyền lợi của cộng sản...” [17, tr.188]. Ngày 9.8.1955, Chính phủ Sài Gòn đã ra tuyên bố chính thức nhắc lại nội dung của lời tuyên bố ngày 16.7.1955, đồng thời bác bỏ đề nghị được nêu ra trong công hàm đề ngày 19.7.1955 của Chính phủ VNDCCH. Chính phủ Sài Gòn còn thêm rằng những điều kiện cho cuộc bầu cử tự do như một thiết chế hòa bình và dân chủ, các quyền dân chủ của công dân... chưa có ở miền Bắc [34, tr.451; 37, tr.104-105].
Nhìn chung, thái độ tiêu cực của Chính phủ Ngô Đình Diệm đối với Điều 7 đã nhận được sự hậu thuẫn của Washington.
Ngay ngày 7.7.1954, giữa lúc Hội nghị Geneva còn đang diễn ra, bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kì J. Foster Dulles đã gửi cho thứ trưởng Walter Bedell Smith, người thay ông cầm đầu phái đoàn Hoa Kì ở Hội nghị, một công điện mật nêu rõ:
“Do chắc chắn rằng tuyển cử hẳn sẽ có nghĩa là Việt Nam thống nhất dưới quyền của
Hồ Chí Minh, chúng ta càng phải cố làm sao cho tuyển cử sẽ chỉ diễn ra sau thỏa thuận ngừng bắn càng lâu càng tốt và trong những điều kiện không có cảnh đe dọa để những phần tử dân chủ có được cơ may lớn nhất” [71, tr. 22].
Gần một năm sau, khi trả lời một câu hỏi liên quan đến cuộc bầu cử được nêu ra tại cuộc họp báo diễn ra ngày 28.6.1955, Dulles đã nói rằng “tất nhiên là cả Chính phủ Hoa Kì lẫn Chính phủ Việt Nam đều không phải là bên có kí vào Hiệp định đình chiến Geneva. Chúng tôi không kí Hiệp định, và chính phủ Sài Gòn cũng không kí, mà còn phản đối. Mặt khác, Chính phủ Hoa Kì tin vào sự thống nhất của các quốc gia từng được thống nhất trong lịch sử... Chúng tôi chẳng sợ bầu cử, miễn là bầu cử được tổ chức trong những điều kiện tự do thực sự mà Hiệp định đình chiến Geneva đã nêu ra” [17, tr.188].
Tại cuộc họp diễn ra ngày 30.8.1955, Dulles lưu ý rằng Hoa Kì không phản đối bầu cử tự do, nhưng đồng ý với chính phủ Sài Gòn rằng lúc này điều kiện cho bầu cử chưa chín muoài [22, tr.215].
Như vậy, lí do chính mà cả Washington lẫn Sài Gòn đưa ra để khước từ việc thực hiện Điều 7 không hẳn là do cả hai đã không kí vào Hiệp định Geneva, mà chủ yếu là do cả hai không yên tâm trước kết quả của cuộc bầu cử.
Đây cũng chính là điều đã khiến Eisenhower băn khoăn không ít ngay trong lúc cuộc chiến còn đang tiếp diễn: "Không một người nào có hiểu biết về Đông Dương mà tôi có dịp nói chuyện hay trao đổi thư từ lại không đồng ý rằng nếu cuộc bầu cử diễn ra vào lúc cuộc chiến đang tiếp diễn, thì sẽ có đến 80 phần trăm người dân bỏ phiếu chọn Hồ Chí Minh-cộng sản làm nhà lãnh đạo của họ, thay vì bầu cho Quốc trưởng Bảo Đại” [26, tr.372].
Lập trường của VNCH và Hoa Kì về vấn đề bầu cử vẫn không thay đổi trong năm 1956. Ngày 8.5.1956, hai đồng chủ tịch Hội nghị Geneva là Liên Xô và Anh đã gửi thư yêu cầu hai chính phủ VNDCCH và VNCH “mở các cuộc tham vấn về việc tổ chức bầu cử toàn quốc ở Việt Nam và thời gian tổ chức bầu cử nhằm thống nhất Việt Nam”. Ngày 22.5, chính phủ Ngô Đình Diệm đã viết thư phúc đáp. Sau khi nhắc lại rằng VNCH cũng mong muốn tái thống nhất “bằng mọi phương tiện hòa bình, đặc biệt là thông qua bầu cử tự do và dân chủ, khi mọi điều kiện cho quyền tự do bầu cử đã được đảm bảo”, chính phủ Sài Gòn cho rằng “các hoạt động thu xếp trước bầu cử và cho cuộc bầu cử vẫn chưa thể thực hiện vào lúc này do không có tự do ở miền Bắc Việt Nam” [32, tr. 302, 303].
Về phần mình, ngày 1.6, chính phủ Hoa Kì đã, thông qua đại diện là phụ tá ngoại trưởng Walter S. Robertson, õ khẳng định rằng “chúng tôi hoàn toàn ủng hộ lập trường của tổng thống Diệm, khi ông cho rằng nếu bầu cử được tổ chức, thì điều kiện đầu tiên phải là loại trừ sự đe dọa hay cưỡng bách cử tri” [32, tr. 302].
Cho đến cuối năm 1958, chính phủ VNDCCH đã tiếp tục, bằng các phương tiện ngoại giao, cuộc đấu tranh đòi chính phủ VNCH thực thi Điều 7, nhưng đều vấp phải thái
độ cự tuyệt của Sài Gòn.