Lập trường của Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Campuchia: không có vấn đề Campuchia

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 253 - 256)

Trong lúc đó, chính phủ Việt Nam và chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia luôn một mực khẳng định Hội đồng Nhân dân Cách mạng Campuchia là người đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Campuchia; rằng tình hình hiện thời ở Campuchia là “không thể đảo ngược” và "không có vấn đề Campuchia”, nghĩa là không có chuyện Việt Nam can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia, và do vậy đe dọa đến an ninh của các nước láng giềng (Thông cáo chung được Heng Samrin và Trường Chinh kí ngày 25.8.1979). Thay vào đó, Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Dương lần thứ nhất đã ra Thông cáo chung ngày 5.2.1980 bày tỏ sự mong muốn “sẵn sàng thảo luận và kí hiệp ước song phương với các nước ASEAN về không tấn công, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, từ khước cho phép bất kì nước nào khác sử dụng lãnh thổ của một trong các nước làm căn cứ chống lại nước kia, sẵn sàng tiến hành thương thảo với các chính phủ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Miến Điện nhằm xây dựng một Đông Nam Á hòa bình, độc lập, tự do, trung lập và thịnh vượng, giải quyết mọi vấn đề tranh chấp giữa các nước bằng con đường đàm phán hòa bình và những phương

cách hòa bình khác” [Nhân dân, Hà Nội, 8.2.1980].

Để trả lời quan điểm của ASEAN và Thái Lan được nêu ra trong Thông cáo chung 12 điểm, ngày 26.8.1980, bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam công bố bị vong lục phân tích các nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng ở Đông Nam Á và đề ra các con đường bình thường hóa bầu không khí chính trị trong vùng. Văn kiện khẳng định: “Rõ ràng là không có mối đe dọa đến Thái Lan từ phía Việt Nam, mà chỉ có vấn đề Trung Quốc đã thông đồng với chủ nghĩa đế quốc Mỹ chống lại nhân dân Đông Dương. Như vậy, “chìa khóa để giải quyết cái gọi là vấn đề Campuchia là Trung Quốc phải chấm dứt chính sách thù địch chống lại nhân dân Đông Dương”, đó cũng là con đường “dẫn đến một nền hòa bình lâu dài và ổn định ở Đông Nam Á”.

Bị vong lục đồng thời nhắc lại những đề nghị cụ thể nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa các nước Đông Dương và các nước ASEAN đã được nêu ra tại Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao Đông Dương lần thứ nhất (2.1980) và được khẳng định lại ở Hội nghị lần thứ hai (7.1980).

Kết quả của Kì họp thứ XXXV của ĐHĐ LHQ diễn ra trong tháng 11.1980 cho thấy các nước ASEAN không quan tâm đến quan điểm và các đề nghị của Việt Nam. Với sự ủng hộ trực tiếp của Trung Quốc và Hoa Kì, các nước ASEAN đã vận động thành công để LHQ kéo dài thêm một năm nữa quyền đại diện của lực lượng Pol Pot tại tổ chức này và thông qua Nghị quyết 35/6 “Về tình hình ở Campuchia” kêu gọi triệu tập vào năm tới một hội nghị quốc tế để thảo luận vấn đề Campuchia nhằm đưa ra một giải pháp chính trị sẽ bao gồm những điểm sau: rút quân nước ngoài trong một quãng thời gian nhất định dưới sự giám sát của LHQ; kiểm tra việc tôn trọng các quyền cơ bản của con người ở Campuchia; không can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia dưới sự giám sát của LHQ; tiến hành bầu cử tự do dưới sự kiểm soát của LHQ; đảm bảo chủ quyền và nền độc lập của Campuchia; không để cho nền độc lập và chủ quyền của Campuchia trở thành mối đe dọa đối với những nước láng giềng [Indochina Issues, No 21/1981, p.4].

Tiếp theo đó, Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 các nước ASEAN họp trong hai ngày 17 và 18.6.1981 tại Manila đã đưa ra một kế hoạch ba điểm mà về sau sẽ được đưa vào nghị quyết của “Hội nghị quốc tế về Campuchia”. Nội dung của kế hoạch là như sau: phái lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đến Campuchia;

thành lập cơ quan của LHQ chuyên lo về vấn đề Campuchia; rút quân đội nước ngoài ra khỏi Campuchia càng sớm càng tốt dưới sự kiểm soát của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ; giải giáp tất cả các bên Campuchia ngay sau khi toàn bộ lực lượng nước ngoài rút khỏi Campuchia.

Nghị quyết 35/6 ngay lập tức bị Việt Nam và CHND Campuchia đánh giá là hành động vi phạm thô bạo chủ quyền Campuchia và can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ các nước Đông Dương.

Để trả lời đề xuất của Nghị quyết 35/6 về việc triệu tập một hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia, Hội nghị lần thứ ba bộ trưởng Ngoại giao các nước Đông Dương ngày

28.2.1981 đã đề xuất sáng kiến triệu tập vào tháng 3 tới hội nghị vùng giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN nhằm “thảo luận những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của hai bên vì hòa bình, ổn định và cộng tác ở Đông Nam Á (...). Sau khi hai bên đã ký hiệp ước về hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á, một hội nghị quốc tế sẽ được triệu tập để thừa nhận và đảm bảo hiệp ước này”.

Việt Nam đồng thời đưa ra lời hứa sẽ rút một phần quân khỏi Campuchia để đổi lấy việc “Thái Lan từ chối cho phép tàn quân Pol Pot và những lực lượng Khmer phản động khác sử dụng lãnh thổ của mình làm căn cứ chống CHND Campuchia, ngừng cung cấp vũ khí và lương thực cho chúng, giải giáp chúng và tập trung chúng vào các trại cách xa vùng biên giới”.

Hội nghị quy cho Trung Quốc chịu trách nhiệm về tình hình căng thẳng trong vùng và khẳng định: “Điều kiện cơ bản để tái lập hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á là Trung Quốc chấm dứt chính sách thù địch chống ba nước Đông Dương và cả chính sách can thiệp vào công việc của các nước khác trong vùng” [Nhân dân, Hà Nội, 29.2.1981].

Cho đến giữa năm 1983, quan điểm của các nước Đông Dương và ASEAN quanh tình hình ở Campuchia là không thay đổi.

Phát xuất từ quan điểm cho rằng các sự biến tháng 1.1979 ở Campuchia là hệ quả của những mối quan hệ giữa CHXHCN Việt Nam, Campuchia dân chủ và CHND Trung Hoa, chính phủ Việt Nam không ngừng nhấn mạnh rằng chúng không ù liên quan gì đến các nước ASEAN. Việt Nam kiên trì nhắc lại rằng tình hình ở Campuchia là không thể đảo ngược và bác bỏ thẳng thừng mọi đề nghị đưa vấn đề Campuchia ra thương thuyết, vì theo Việt Nam, trên thực tế không có vấn đề này. Vấn đề cần phải thảo luận chính là

vấn đề hòa bình, an ninh và hợp tác ở Đông Nam Á”.

Nhằm trấn an các nước ASEAN, chính phủ Việt Nam tuyên bốõ không nuôi một ý đồ xâm lược bành trướng nào chống lại Thái Lan và biện minh cho sự hiện diện của quân đội Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia bằng mối hiểm họa bá quyền và bành trướng của Trung Quốc đối với nền an ninh quốc gia của Việt Nam và Campuchia. Theo ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam, Bắc Kinh thông đồng với chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ thù chung của tất cả các dân tộc Đông Nam Á, là nguồn bất ổn định chính trong vùng. Từ đó, vấn đề cấp bách mà các nước ASEAN cần dồn mọi nỗ lực để giải quyết là chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, sự hiện diện của quân đội Việt Nam trên lãnh thổ Campuchia là sự cần thiết bất đắc dĩ và chỉ liên quan đến mối quan hệ giữa các nước Đông Dương và Trung Quốc. Vậy, các nước ASEAN cần thừa nhận tình thế không thể đảo ngược ở Campuchia, có thái độ đáp ứng tích cực đối với những đề nghị mang tính chất xây dựng của Việt Nam về việc bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng. Ngoài ra, Việt Nam muốn giải quyết mọi vấn đề hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á mà không có sự tham dự của Mỹ và Trung Quốc, và không chịu sự đỡ đầu của tổ chức LHQ.

Cần lưu ý ngay ở đây rằng Việt Nam luôn cự tuyệt vai trò của LHQ trong tiến trình tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Campuchia. Từ ngày 13 đến ngày 15.7.1981, ở New York đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Campuchia với sự tham dự của đại diện 80 nước. Hội nghị đã ra nghị quyết đòi ngừng bắn và giải giáp tất cả các bên xung đột ở Campuchia, rút quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Campuchia, thành lập ủy ban quản lý Campuchia và tiến hành bầu cử tự do dưới sự giám sát của LHQ. Campuchia và Việt Nam đãû phản ứng quyết liệt trước các đòi hỏi này. Trong tuyên bố đề ngày 18.7.1981, bộ Ngoại giao CHND Campuchia khẳng định “không có vấn đề Campuchia”, do vậy không cần một nghị quyết về Campuchia. Tuyên bố nhấn mạnh: “Không bên nào, không tổ chức nào, và hơn thế nữa, không một nhóm phản quốc nào có quyền đại diện cho nhân dân Campuchia. Mục đích thực sự của hội nghị là tạo điều kiện thuận lợi cho bọn Pol Pot quay lại cầm quyền ở Campuchia” [Nhân dân, Hà Nội, 19.7.1981]. Về phần mình, ngày 20.7, bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố đánh giá hội nghị là âm mưu phá hoại sự hồi sinh của Campuchia, mở đường cho bè lũ Pol Pot và những kẻ phản động Khmer khác quay lại xứ sở này. Những người đề xướng hội nghị đã dựng lên cái gọi là vấn đề Campuchia nhằm mục đích che lấp sự kiện là chính sách xâm lược và can thiệp của bọn bành trướng Trung Quốc đang cấu kết với đế quốc Mỹ là mối đe dọa chung duy nhất đến hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á. Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ toàn bộ nghị quyết của Hội nghị và xem đây là văn kiện bất hợp pháp [Nhân dân, Hà Nội, 21.7.1981].

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 253 - 256)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(434 trang)
w