Hoa Kì gây sức ép lên chính sách trung lập của Sihanouk

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 97 - 100)

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI TRUNG LẬP CUÛA CHÍNH PHUÛ SIHANOUK (1954 – 1970)

IV.1. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI TRUNG LẬP CỦA SIHANOUK (1954 – 1970)

IV.1.2. Hoa Kì gây sức ép lên chính sách trung lập của Sihanouk

Trong bối cảnh chung của toàn vùng Đông Nam Á (Mĩ tăng cường chính sách can thiệp vào Đông Nam Á, Trung Quốc tìm cách giành lại vị thế ở Đông Nam Á đã bị các cường quốc thách thức trong hơn một thế kỉ, các nước láng giềng lớn nhất của Campuchia là VNDCCH, VNCH và Thái Lan đều đã chọn đứng về phía một trong hai phe đối nghịch:

hoặc XHCN, hoặc TBCN) và trong những điều kiện riêng của Campuchia (nội lực còn quá yếu nên rất cần những khoản ngoại viện không nhỏ để tái thiết và phát triển đất nước), theo đuổi một đường lối trung lập không phải là việc làm dễ dàng với chính phủ Sihanouk.

Trở ngại lớn nhất phát xuất từ phía Hoa Kì, nước đầu tiên tỏ ý muốn viện trợ cho Campuchia.

Người Mĩ đã sớm gắn bó chính sách đối với Việt Nam với chính sách đối với Campuchia.

Một số diễn biến cho thấy rõ mối liên kết này: ngày 7.2.1950, Hoa Kì cùng lúc công nhận Vương quốc Campuchia và Quốc gia Việt Nam ; Campuchia trở thành một thành phần trong Thỏa thuận

tương trợ quốc phòng ở Đông Dương được kí ngày 23.12.1950 ; ngày 8.9.1951, Thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa hai nước được kí cùng lúc với một thỏa thuận tương tự giữa Hoa Kì và Quốc gia Việt Nam. Một thời gian ngắn sau khi Hiệp định Geneva được kí, Hoa Kì loan báo mọi viện trợ dành cho Việt Nam và Campuchia sẽ được trao trục tiếp cho các chính phủ bản xứ, thay vì qua tay Pháp, kể từ ngày 1.1.1955.

Ngày 16.5.1955, Hoa Kì và Campuchia đạt được thỏa thuận về viện trợ quân sự trực tiếp của Hoa Kì cho Campuchia. Một nhóm cố vấn quân sự Hoa Kì gồm 30 nhân viên sẽ được phái đến Campuchia, với nhiệm vụ đánh giá nhu cầu của Quân đội Campuchia và đảm bảo việc sử dụng đúng đắn viện trợ.

Có thể xem đây là một diễn biến đánh dấu sự chuyển hướng của chính phủ Campuchia khỏi chính sách đối ngoại trung lập ?

Ngày 29.5, khi nhận thấy dư luận trong nước tỏ ra lo lắng về việc chính phủ ký hiệp ước nhận viện trợ quân sự của Mĩ (16.5.1955), chính phủ Phnompenh đã ra tuyên bố nhấn mạnh: “Chính phủ Vương quốc từ nay về sau sẽ tuân thủ nghiêm ngặt những điều khoản của Hiệp định Geneva và lời tuyên bố mà Sihanouk đã nhân danh chính phủ đưa ra tại hội nghị các nước Á-Phi ; chính phủ một lần nữa khẳng quyết sự tán đồng lời tuyên bố mà ông đã đưa ra về chính sách trung lập của Campuchia…. Hiệp ước ký với Mĩ cĩ mục đích nhận viện trợ quân sự trực tiếp từ phía Mĩ. Đây không phải là hiệp ước về việc thiết lập căn cứ quân sự, cũng hoàn toàn không không phải là hiệp ước liên minh quân sự, cũng không phải là việc các huấn luyện viên quân sự Mĩ vào Campuchia”.

Vừa muốn nhận viện trợ quân sự của Mĩ, lại vừa muốn duy trì vị thế trung lập, đường lối đối ngoại này của Campuchia không làm người Mĩ hài lòng.

Điều IV của Hiệp ước thành lập SEATO và những diễn biến ngoại giao trong vùng trong các năm 1954 – 1955 cho thấy Washington quyết không để miền Nam Việt Nam “rơi vào tay cộng sản”. Quyết tâm chủ quan này sẽ khó trở thành hiện thực, nếu Washington không đảm bảo được thái độ thiện ý của Campuchia, nước mà toàn bộ phía đông vừa giáp ranh với Nam Việt Nam, vừa dễ dàng được vượt qua. Người Mĩ đã không ngần ngại bộc bạch điều mà họ mong muốn nhận lại từ Sihanouk, như là sự bù đắp cho các khoản viện trợ mà họ sẽ dành cho Campuchia. Ngày 28.2.1955, bộ trưởng Ngoại giao Mĩ Foster Dulles có nói với Sihanouk rằng SEATO sẽ mang đến cho đất nước ông sự bảo vệ thực sự chống lại mối đe dọa xâm lược từ phía cộng sản [32, tr.390].

Cuối năm 1955, Allen Dulles, giám đốc CIA, trong lúc viếng thăm Campuchia đã ra sức thuyết phục Sihanouk rằng đất nước ông đang là nạn nhân của “mối nguy cơ xâm lược từ phía cộng sản” và cách duy nhất để cứu chế độ quân chủ, đất nước Campuchia và cả cá nhân ông là chấp nhận sự che chở của SEATO [81, tr.53]. Câu trả lời được Sihanouk công bố tại kì họp thứ hai của Đại hội nhân dân toàn quốc diễn ra trong các ngày 30 – 31.12.1955. Ông tuyên bố con đường trung lập mà nước ông đã chọn có nghĩa là khước từ cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ trên lãnh thổ Campuchia, không gia nhập các khối

quân sự, “mong muốn ủng hộ quan hệ hữu nghị với tất cả các nước nào tôn trọng chủ quyền của Campuchia”. Ủng hộ quan điểm của người lãnh đạo đất nước, các đại biểu tham dự Đại hội đã thông qua nghị quyết cho phép “chính phủ có thể nhận viện trợ của bất kỳ quốc gia nào, với điều kiện viện trợ này không gây phương hại đến chủ quyền của đất nước”[82,tr.86].

Ngày 18.2.1956, trong lúc đang ở thăm Trung Quốc, Sihanouk đã đưa ra tại một cuộc họp báo lời tuyên bố rõ ràng hơn về đường lối trung lập của Campuchia: “Campuchia là nước trung lập. Chính nhân dân đã yêu cầu tôi theo đuổi đường lối trung lập, dù trong bất kỳ tình huống nào. Các nước thành viên SEATO tuyên bố với chúng tôi rằng họ sẽ tự động bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi bác bỏ kiểu bảo vệ như vậy, vì nó không hứa hẹn điều gì với chúng tôi, ngoài sự ô nhục” [32, tr.390; 82, tr.94]. Bất chấp các động thái nêu trên của Sihanouk, người Mĩ vẫn không giảm sức ép của mình. Thái độ này của Washington chỉ càng đẩy Sihanouk về hướng đối nghịch.

Trong một cuộc họp báo diễn ra tại Siem Reap đầu tháng 4, Sihanouk nhấn mạnh rằng nếu Hoa Kì tiếp tục chính sách gây sức ép lên Campuchia, thì nhân dân xứ chùa tháp sẽ thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các nước XHCN [5, tr.61]. Đây không phải là lời tuyeân boá suoâng.

Đại hội nhân dân toàn quốc lần thứ III (21 – 22.4.1956) không chỉ hoàn toàn tán thành chính sách trung lập và không cộng tác với SEATO, mà còn bày tỏ sự mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô và các nước XHCN, và tiếp nhận viện trợ từ bất kỳ quốc gia nào, miễn là chủ quyền đất nước không bị xâm phạm.

Hai ngày sau sự kiện trên, tại Bắc Kinh đã diễn ra lễ kí kết hiệp định thương mại và chi trả giữa CHND Trung Hoa và Campuchia, theo đó tổng giá trị trao đổi hai chiều giữa hai nước sẽ là 14 triệu USD. Tháng 6, hiệp định về viện trợ mà CHND Trung Hoa dành cho Campuchia có trị giá là 22,4 triệu USD. Đây là hiệp định đầu tiên thuộc loại này mà Trung Quốc kí với một nước không XHCN.

Mùa hè năm 1956, Sihanouk đã viếng thăm một số nước XHCN: Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan và Nam Tư. Kết quả rõ rệt nhất của chuyến viếng thăm này là tháng 5.1956, Campuchia đã lập quan hệ ngoại giao với các nước vừa nêu.

Quan niệm về vai trò của SEATO ở Đông Nam Á giống như vai trò của NATO ở châu Âu, người đứng đầu bộ Ngoại giao của Hoa Kì tất không hài lòng với đường lối bất hợp tác với SEATO mà Sihanouk đang theo đuổi, và cho rằng nỗ lực của ông này nhằm xúc tiến quan hệ về nhiều mặt với các nước XHCN sẽ mở đường cho kẻ thù của Mĩ tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Chịu tác động của Foster Dulles, tháng 9.1956, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kì đã xác lập chính sách của Hoa Kì đối với Campuchia là “bảo vệ nền độc lập của Campuchia và đảo ngược chiều hướng trung lập thân cộng sản, khuyến khích những cá nhân và những nhĩm trong nước đang chống lại việc thương lượng với khối

cộng sản và đang hoạt động cho việc mở rộng cơ sở của quyền lực chính trị ở Campuchia” [79, tr.32].

Không chỉ Mĩ, mà một số thế lực hữu khuynh trong nước cũng tỏ phản ứng bất lợi trước việc Sihanouk mở rộng quan hệ với cộng đồng các nước XHCN. Phản ánh tâm trạng của các thế lực này, Khim Tit, thủ tướng của chính phủ Sang Kum thứ tư, tuyên bố: “Tôi xin nhắc rằng nếu không có viện trợ Mĩ, chúng ta sẽ chết chắc, vì chi trong nước vượt trên 3 tỉ riel, còn thu chỉ đạt 1,7 tỉ. Chi phí cho quân đội vượt trên 2 tỉ riel, trong lúc ngân sách chúng ta chỉ đảm bảo có 284 triệu, toàn bộ còn lại được viện trợ Mĩ bù đắp” [5, tr.62].

Lời báo động trên không làm Sihanouk chuyển hướng đường lối đối ngoại. Trong Hồi kí, ông đưa ra một đánh giá trái ngược hẳn về vai trò của viện trợ Mĩ: “Chỉ trong vòng hai năm và chỉ bằng một cách là vận hành, điều khiển đồng đô la, Mĩ đã thành công trong việc tạo ra một lực lượng nội ứng ngay trong lòng đất nước chúng tôi, một đạo quân thứ năm về chính trị nhằm hủy hoại nền trung lập và buộc chúng tôi chấp nhận cái ô bảo hộ của SEATO”. Ông viết tiếp: “Đến cuối năm 1956, bùng nổ cuộc khủng hoảng nội các, mà nguyên nhân là sự phẫn nộ trước tệ tham nhũng tràn lan khắp mọi nơi mà không bị trừng phạt cùng với tệ buôn bán ngoại tệ và chợ đen, chính phủ bị đổ, mặc dù tôi cố gắng cứu vãn. Tôi có bằng chứng để nói rằng sứ quán Mĩ và bọn giàu có nhất trong giới tư sản mại bản đã gây ra cuộc khủng hoảng này. Ngay sau khi chính phủ sụp đổ, đã có nhiều tin đồn về cuộc đảo chính sẽ xảy ra, nhưng lúc đó Mĩ chưa tìm được một tên tay sai thật đắc lực để thực hiện mưu đồ này”[81, tr.61].

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 97 - 100)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(434 trang)
w