Phản ứng của Thái Lan và ASEAN: từ trung lập chuyển sang đối đầu

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 250 - 253)

Là láng giềng của các nước Đông Dương và Trung Quốc, Thái Lan rất lo lắng trước cuộc xung đột bùng phát giữa Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc. Tuy nhiên, phản ứng

ban đầu của thủ tướng Kriangsak Chomanan nhìn chung là kiềm chế. Khi thăm chính thức Hoa Kì vào trung tuần tháng 2.1979, thủ tướng Thái Lan một mặt khẳng định nước ông sẽ giữ vững lập trường trung lập trong cuộc xung đột trên bán đảo Đông Dương, mặt khác mong muốn các bên xung đột tìm ra một giải pháp hòa bình [Izvestia, Moskva, 17.02.1979].

Bên cạnh đó, Kriangsak Chomanan không bỏ qua khả năng tình hình trên bán đảo Đông Dương sẽ trở nên xấu hơn và tạo thành mối đe doạ trực tiếp lên an ninh Thái Lan. Do vậy, thủ tướng Thái Lan mong muốn Hoa Kì gấp rút bán vũ khí và chuyển gấp cho Thái Lan hầu nước này có thể đối phó với tình huống xấu nhất . Về phần mình, tổng thống Hoa Kì Carter cam kết chuyển cho Thái Lan số vũ khí tồn kho từ hồi chiến tranh Việt Nam trị giá khoảng 11 triệu USD và hứa chuyển giao nhanh máy bay chiến đấu F5 và các loại vũ khí tối tân khác.

Lập trường của Thái Lan có ảnh hưởng quyết định đến quan điểm của ASEAN.

Trong dự thảo nghị quyết được đưa ra HĐBA xem xét ngày 4.3.1979, ASEAN yêu cầu rút hết quân đội nước ngoài khỏi bán đảo Đông Dương và kêu gọi các bên xung đột dừng các hoạt động thù địch.

Mặt khác, có nhiều dấu hiệu cho thấy các giới chức quân sự Thái Lan tỏ ra không đồng tình với đường lối trung lập của chính phủ Bangkok. Họ đã để cho các đơn vị còn sót lại của quân đội Campuchia dân chủ chạy sang lánh nạn và thậm chí lập căn cứ trong phần lãnh thổ giáp ranh với Campuchia, ngầm cho phép Trung Quốc mượn lãnh thổ Thái Lan để tiếp tục viện trợ các loại vũ khí và đạn dược cho tàn quân Pol Pot [64, tr.101-102].

Thông cáo chung của Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 12 các nước ASEAN diễn ra trong các ngày 28 – 30.6.1979 ở Bali (Indonesia) đã thể hiện quan điểm của giới quân sự hơn là của chính phủ Thái Lan. Thông cáo chung tố giác Việt Nam can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia, ủng hộ quyền tự quyết của nhân dân nước này và kêu gọi rút toàn bộ quân đội nước ngoài khỏi lãnh thổ Campuchia. Các nước ASEAN xem sự hiện diện của quân đội Việt Nam sát biên giới Campuchia-Thái Lan chứa đựng nguy cơ xung đột sẽ lan rộng. Các nước khẳng định lại sự ủng hộ dành cho Thái Lan và nhấn mạnh rằng bất kì sự leo thang quân sự nào ở Campuchia hay bất kì sự thâm nhập nào vào lãnh thổ Thái Lan đều sẽ bị xem là hành động trực tiếp đe dọa đến an ninh các nước ASEAN. Hội nghị đồng thời kêu gọi Việt Nam rút quân khỏi biên giới Campuchia-Thái Lan như một sự bày tỏ thái độ tích cực đối với Thái Lan và các nước thành viên ASEAN khác [Joint Cummunique of the Twelfth ASEAN Ministerial Meeting Bali , 28 – 30 June 1979, http://www.aseansec. org/].

Thái độ cứng rắn trên không nhất thiết đồng nghĩa với việc các nước ASEAN muốn đối đầu với Việt Nam. Tại cuộc gặp gỡ diễn ra vào giữa tháng 12.1979 tại Kuala-Lumpur, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN kêu gọi một “giải pháp chính trị ở Campuchia” và bày tỏ thái độ sẵn sàng đàm phán trực tiếp với Việt Nam để tìm ra một giải pháp như vừa nêu. Một bằng cớ khác là ngày 17.1.1980, chính phủ Thái Lan cho phép xuất sang Việt

Nam 3 vạn tấn gạo trị giá gần 6 triệu USD và ngày 23.1, cho Việt Nam vay 100 triệu bath. Các diễn biến này cho thấy Chomanan muốn để ngỏ khả năng đàm phán với Việt Nam.

Tuy nhiên, chỉ hơn tháng sau đó, trên chính trường Thái Lan đã diễn ra một sự kiện sẽ tác động quyết định đến lập trường của nước này đối với vấn đề Campuchia. Ngày 22.2.1980, thủ tướng Kriangsak Chomanan bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự và được thay bằng tướng Prem Tinsulanond, tư lệnh lục quân.

Như các sự kiện về sau cho thấy, cuộc đảo chính trên đã đánh dấu một bước ngoặt trong đường lối của chính phủ Thái Lan đối với các nước Đông Dương. Khác với Chomanan, người vẫn luôn giữ một thái độ hòa dịu đối với các diễn biến ở Campuchia bất chấp sức ép của Mỹ và Trung Quốc, vị thủ tướng mới đã nhanh chóng để lộ lập trường cứng rắn của mình trong quan hệ với các nước Đông Dương, trước hết là trong vấn đề người tị nạn Campuchia.

Cho rằng người tị nạn là một gánh nặng quá mức chịu đựng cho ngân sách của Thái Lan, từ đầu tháng 3.1980, quân đội Thái Lan đã tìm cách xua họ trở về nước. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, theo lời tố cáo của chính phủ Phnompenh, quân đội Thái Lan đã nhân cơ hội này giúp đỡ tàn quân Pol Pot lẻn trở lại đất Campuchia dưới lốt những người tị nạn hồi hương. Đó là chưa kể không ít lần các đơn vị Thái Lan đã vi phạm lãnh thổ của Campuchia. Theo đánh giá của Hà Nội và Phnompenh, hành động trên của Bangkok là nằm trong âm mưu chung của Mỹ và Trung Quốc muốn lợi dụng mùa mưa để giành những thắng lợi quân sự nhằm biện minh cho vị thế hợp pháp của lực lượng Pol Pot ở LHQ. Phản ứng mạnh bạo của Hà Nội trong các ngày 23 và 24.6 tức thời đã gây ra các phản ứng gay gắt từ phía các nước ASEAN. Hội nghị cấp bộ trưởng Ngoại giao của tổ chức này diễn ra trong các ngày 25 và 26.6 ở Kuala-Lumpur đã kết thúc bằng việc kí kết một bản thông cáo chung. Bằng những lời lẽ gay gắt, văn kiện đã cáo giác quân lính Việt Nam vượt qua biên giới Campuchia-Thái Lan và do vậy đã xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan. Hội nghị khẳng định tiếp tục công nhận chính phủ Campuchia Dân chủ và cho rằng không có lí do nào để biện minh cho hành động lật đổ chính phủ này. Do vậy, hội nghị xem việc dựng lên chính thể CHND Campuchia là hành động đi ngược lại các nguyên tắc trong Hiến chương LHQ. Hội nghị đồng thời nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Việt Nam để tìm một giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc xung đột ở Campuchia.

Đối với Campuchia, hội nghị công bố dự án thành lập trên phần lãnh thổ Thái Lan giáp ranh với Campuchia “khu vực hòa bình và an ninh”, với sự có mặt của quân lính Thái Lan và các trại tị nạn người Campuchia, còn trên phần lãnh thổ của Campuchia giáp ranh với Thái Lan thành lập “khu phi quân sự”. Những người dự hội nghị đòi hỏi rút quân đội nước ngoài ra khỏi Campuchia càng sớm càng tốt và giải giáp tất cả các bên Campuchia xung đột càng sớm càng tốt sau khi quân nước ngoài rút đi. Họ bác bỏ đề nghị của các nước Đông Dương về việc triệu tập hội nghị vùng với lí do là không chỉ có các nước trong vùng có dính líu đến cuộc xung đột ở Campuchia. Đồng thời họ nhất quyết đòi

các nước Đông Dương tham dự hội nghị quốc tế về Campuchia sẽ được triệu tập ở New York, theo nghị quyết của Đại Hội Đồng LHQ.

Các sự biến cuối tháng 6 đã gây ra những hậu quả hết sức tiêu cực lên quan hệ giữa hai khối nước, mà trước hết là giữa Thái Lan và Việt Nam. Kể từ đây, chính phủ Bangkok chuyển từ đường lối đối thoại sang chính sách đối đầu trong quan hệ với Việt Nam và Campuchia, và ngày càng dấn sâu vào liên minh với Bắc Kinh và Washington.

Về chuyện trên, tờ báo Pháp Echo đã nhận xét: “Cho đến ngày 23.6, Trung Quốc và Hoa Kì thông đồng với nhau... Sau ngày 24 và 25.6, sự thông đồng này biến thành một liên minh thực sự. Hiện giờ Bắc Kinh và Washington tuyên bố sẵn sàng thực hiện những cam kết của mình với Thái Lan. Nói tóm lại, tiến hành can thiệp quân sự...”

[Dẫn lại theo Izvestia, Moskva, 01.08.1980].

Những thay đổi trong quan hệ giữa hai khối nước được bộc lộ đầy đủ vào các quan điểm mới của ASEAN đối với chế độ Heng Samrin, và được nêu lên trong Thông cáo chung 12 điểm của Hội nghị Ban thường trực ASEAN diễn ra đầu tháng 8 tại Manila.

Trước hết, văn kiện khẳng định rằng nguyên nhân chính của tình hình xung đột và căng thẳng hiện nay ở Đông Nam Á là việc Việt Nam tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ Campuchia. Xuất phát từ đó, hội nghị đã đưa ra yêu sách đòi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia và trả cho nhân dân nước này quyền tự quyết. Thái Lan đưa ra đề nghị xây dựng một khu vực an toàn hay một vùng hòa bình phi quân sự cho những người tị nạn Campuchia ngay trên lãnh thổ Campuchia và đặt nó dưới sự giám sát của LHQ. Bên cạnh đó, chính phủ Bangkok bác bỏ thẳng thừng mọi khả năng tiến hành đàm phán, dù trực tiếp hay gián tiếp, với chính phủ Phnompenh vì làm như vậy có nghĩa là chính phủ Thái Lan mặc nhiên thừa nhận chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia.

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 250 - 253)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(434 trang)
w