Địa vị quốc tế của Nhật ngày càng tăng (từ giữa thập niên 70 trở về sau)

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 368 - 371)

III. HÒA ƯỚC VỚI NHẬT BẢN VÀ QUAN HỆ NHẬT- MĨ

3. Địa vị quốc tế của Nhật ngày càng tăng (từ giữa thập niên 70 trở về sau)

Cuộc khủng hoảng năng lượng và nguyên liệu diễn ra giữa thập niên 70 đã tác động xấu đến nền công nghiệp Nhật, nhưng không trầm trọng hơn những nước khác nhờ chính phủ đã áp dụng những biện pháp ngăn chặn lạm phát kịp thời.

Trong hàng ngũ những người công nghiệp phát triển − OCDE, Nhật Bản là nước có tỷ lệ tăng trưởng bền vững và cao nhất trong suốt thập niên 80. Chỉ trong năm 1986, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa mới ở dưới mức 3% (so với 5,7% năm 1988, 4,9% năm 1989, 4,7% năm 1990).

Kết số dương trong cán cân thương mại tăng không ngừng để đạt mức 96 tỉ USD trong năm 1987 (so với 56 tỉ trong năm 1985), tuy sau đó có giảm từ từ (95 tỉ năm 1988, 77 tỉ năm 1989 và 58 tỉ năm 1990). Đáng nói là kết số dư của các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn tăng rất nhanh: từ 20 tỉ USD năm 1980 tăng vọt lên 60 tỉ trong năm 1987 (Ngoài Nhật, chỉ thêm CHLB Đức trong G7 là có kết số dư tương tự), Nhờ vậy, trong nửa sau thập niên 80, Nhật vượt qua Liên Xô để trở thành cường quốc kinh tế thứ hai và cường quốc tài chính số một của thế giới: từ năm 1985 đến năm 1989, Nhật là nước chủ nợ lớn nhất thế giới.

Sức mạnh kinh tế đã tác động mạnh đến đường hướng ngoại giao của Nhật. Cho đến

nửa sau thập niên 70, Tokyo vẫn phải bằng lòng với vị thế núp bóng Hoa Kì trong các hoạt động đối ngoại. Không nói gì đến những nơi khác, ngay trong vùng châu Á - Thái Bình Dương, tiếng nói của Tokyo, ngoại trừ trong vấn đề Triều Tiên, vẫn còn rất khiêm tốn.

Để được nhìn nhận bằng một con mắt khác, giới cầm quyền ở Tokyo trước hết cần tỏ cho thấy rằng Nhật không phải là không cần thiết cho nhiều nước. Từ cuối thập niên 70, Nhật bắt đầu tăng dần, một phần vì sức ép của Hoa Kì, viện trợ quốc tế để đến năm 1989 trở thành nước cung cấp viện trợ lớn nhất thế giới (10 tỉ, so với Mĩ − 9 tỉ). Một phần viện trợ được trao cho những quốc gia như Pakistan, Ai Cập và Thổ, tuy có ít quan hệ với Nhật, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối ngoại của phương Tây (đặc biệt là của Mĩ). Tuy nhiên, phần lớn được hướng vào vùng châu Á - Thái Bình Dương, nơi được Nhật chú ý đầu tư nhiều. Đến đầu thập niên 80, Nhật đã dành cho mình một vị thế hàng đầu trong nền kinh tế một số nước trong vùng châu Á - Thái Bình Dương và rất đáng kể ở Bắc Mĩ và Tây Âu (đặc biệt là Anh). Vị thế này còn được củng cố bởi hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính của Nhật. Năm 1988, bảy trong số mười ngân hàng lớn nhất thế giới là của người Nhật và năm 1990, Nhật trở thành trung tâm tài chính lớn hàng thứ hai thế giới (ngang hàng với Đức và vượt Anh).

Sức mạnh kinh tế và tài chính không ngừng lớn mạnh nói trên đã nâng cao vị thế của Tokyo trên trường quốc tế. Năm 1975, Nhật trở thành thành viên của nhóm G7 (bao gồm Hoa Kì, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Italia và Canada) được thành lập theo yêu cầu của Pháp để bàn thảo những vấn đề lớn đương thời của thế giới. Chính do sức ép của Nhật mà trong những năm 1990 − 1991, G7 tỏ thái độ lạnh nhạt đối với việc viện trợ kinh tế cho Liên Xô. Riêng trong vùng châu Á - Thái Bình Dương, tiếng nói của Nhật ngày càng có sức nặng hơn. Năm 1992, Nhật là nước tài trợ nhiều nhất cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Campuchia với sự có mặt của 2.000 nhân viên quân sự. Đây là lần đầu tiên từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật đưa quân ra nước ngoài. Nhật cũng là nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam nhằm trợ giúp cho chương trình cải cách kinh tế của nước này. Ảnh hưởng của Nhật còn được thể hiện qua sự mong muốn của các nước trong vùng học tập con đường phát triển kinh tế của nó.

Biểu tượng tập trung hơn cả cho vị thế lớn mạnh của Nhật trên trường quốc tế là cuộc vận động giành chiếc ghế thường trực trong HĐBA LHQ.

b. Những vấn đề trong quan hệ kinh tế Mĩ – Nhật.

Trong quan hệ Mĩ − Nhật từ giữa thập niên 60 xuất hiện những vấn đề lớn liên quan đến các hoạt động trao đổi mậu dịch. Năm 1978, khi được yêu cầu xác định rõ những vấn đề nghiêm trọng nhất phát sinh trong quan hệ giữa hai nước, đại sứ Mĩ tại Tokyo đã trả lời ngay: “Mậu dịch, mậu dịch và mậu dịch”[Dẫn lại theo 58, tr.361].

Sự tăng trưởng nhanh đến chóng mặt của nền kinh tế Nhật trong thập niên 60 đã tạo điều kiện để các công ti độc quyền nước này mở cuộc tiến công mãnh liệt vào thị trường Hoa Kì. Năm 1965 là mốc đánh dấu sự chuyển đổi vị trí trong cán cân mậu dịch giữa hai

nước: từ chỗ là nước vẫn có kết số dương, Hoa Kì bắt đầu phải đối phó với tình trạng thâm hụt thường xuyên. Trong khoảng thời gian 1966 −1970, sai ngạch nghiêng về phía có lợi cho Nhật là 1,9 tỉ dollars, trong 5 năm tiếp theo (1971 − 1975) con số này đã lên đến 5,3 tỉ để rồi đạt đến con số không ngờ − 32 tỉ − trong 5 năm sau đó, từ 1976 đến 1980. Là bạn hàng lớn nhất của Nhật, Hoa Kì nhập đến gần 1/4 tổng giá trị hàng xuất khẩu của Nhật;

còn trong hoạt động ngoại thương của Hoa Kì, Nhật chiếm vị trí thứ hai, sau Canada.

Năm 1981, tổng giá trị hàng xuất khẩu của Hoa Kì sang Nhật là 25,3 tỉ, trong đó 23% thuộc về lương thực (quá nửa là bắp), 20,4% − nguyên liệu (chủ yếu là gỗ), 10,4% − nhiên liệu, 10,9% − hóa chất, chỉ 22,2% là sản phẩm cơ khí. Là người cung cấp cho Nhật hàng năm từ 60 - 70 % nhu cầu lương thực trong nước, Mĩ nắm trong tay những phương tiện gây sức ép mạnh mẽ lên chính sách đối ngoại của Nhật. Ngoài ra, phân nửa lượng dầu, toàn bộ chất uran, và một lượng đáng kể các kim loại hiếm mà Nhật phải nhập từ bên ngoài đều phải thông qua trung gian các công ti độc quyền do tư bản Mĩ kiểm soát.

Trong các cuộc đàm phán mậu dịch - kinh tế giữa hai nước, các đại diện của Hoa Kì nhấn mạnh đến yêu cầu Nhật nên tiến hành một số biện pháp, mà theo trông đợi của các nhà kinh tế học Mĩ, có thể giúp giảm thiểu tình trạng bất quân bình trong cán cân mậu dịch giữa hai nước. Biện pháp quan trọng nhất mà, theo ý Hoa Kì, Tokyo nên thực hiện là chính sách phát triển nền kinh tế nội địa và chú ý giải quyết các vấn đề xã hội. Điều này hẳn sẽ đưa nền công nghiệp Nhật ra khỏi phương hướng lấy xuất khẩu làm trọng tâm. Washington cũng yêu cầu Nhật có biện pháp giảm lượng dự trữ vàng và ngoại tệ, mà giá trị của chúng đã tăng từ 12,8 tỉ lên đến 26,5 tỉ chỉ trong vòng 7 năm (từ 1975 đến 1982).

Kết quả của những cuộc đàm phán lê thê và gay go, kể cả một số cuộc gặp gỡ ở cấp cao nhất, là Hoa Kì đã đạt được một số nhân nhượng từ phía Nhật theo hướng tăng cường nhập từ Hoa Kì những mặt hàng như lương thực, vòng bi... Lợi dụng giá dollar giảm so với giá yen, Hoa Kì đã giảm việc nhập một số mặt hàng từ Nhật, như tivi màu, ôtô, thép...

Năm 1978, bộ Ngoại thương và Công nghiệp Nhật đã thông qua, dưới sức ép của Hoa Kì, các biện pháp giảm 7% lượng ôtô xuất sang Mĩ so với năm trước.

Tuy nhiên, tình trạng mất quân bình buôn bán giữa hai nước vẫn không được cải thiện. Năm 1982, việc buôn bán với nước ngoài mang lại cho Nhật con số thặng dư là 7 tỉ dollars, 1983 − 24 tỉ và 1984 − 37 tỉ, hầu hết là phát xuất từ Hoa Kì. Tình hình này đã tạo ra nhiều chỉ trích đến nỗi Nhật đã không ít lần đưa ra một số biện pháp cả gói để khuyến khích khâu nhập khẩu (tháng 4.1984, tháng 3, tháng 4, tháng 7 và tháng 10.1985). Tuy nhiên, có người cho rằng sự dư thừa trong cán cân ngoại thương giữa Nhật và nước ngoài là do đồng yên được định giá quá thấp, trong lúc đồng dollar lại được định giá quá cao. Tháng 9.1985, các bộ trưởng Tài chính và giám đốc các ngân hàng trung tâm của những nước có đồng tiền đứng đầu thế giới (dollar Mĩ, yen Nhật, mark Đức, pound Anh và franc Pháp) đã gặp nhau ở New York và kí Thỏa ước Plaza để sửa chữa tình trạng vừa kể bằng cách can thiệp vào thị trường. Có lẽ họ đã thành công phần nào: tháng 5.1986, đồng dollar đã sụt giá từ 240 xuống còn 160 yen và tiếp tục sụt từ từ cho đến năm 1989. Diễn biến này đã

khuyến khích Nhật tăng cường đầu tư ra nước ngoài và làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Nhật sang các nước phương Tây trong những năm 1986 − 1989. Nhưng ngay trong năm 1989, con số thâm hụt trong buôn bán của Hoa Kì với Nhật lại tăng lên đến 49 tỉ.

Những cuộc tranh cãi giữa đôi bên lại bùng nổ.

Giới chức chính thức Washington lại nhiều lần cảnh báo rằng Chính phủ và Quốc hội Mĩ có thể sử dụng các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt nhất để bảo vệ thị trường trong nước khỏi sự xâm nhập của hàng hóa Nhật, để giảm con số thâm hụt trong buôn bán giữa hai nước. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa đi đến chỗ gây căng thẳng trong quan hệ mậu dịch giữa hai nước, vì tầm quan trọng của Nhật trong hoạt động ngoại thương và vì vị thế của Nhật trong bậc thang ưu tiên của chính sách đối ngoại Hoa Kì. Năm 1979, một thượng nghị sĩ Mĩ đã viết rằng “những vấn đề kinh tế tồn tại giữa Nhật và Hoa Kì là đối tượng mà cả hai nước đều rất quan tâm. Nhưng không nên để nó phá hoại mối quan hệ giữa Hoa Kì và Nhật trong lĩnh vực an ninh. Hoa Kì cũng như Nhật cần quan tâm sao cho tiến trình giải quyết những vấn đề thương mại không gây ra những thiệt hại vô phương cứu chữa cho quan hệ hai nước trong lĩnh vực an ninh” [Dẫn lại theo 58, tr.364].

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 368 - 371)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(434 trang)
w