Tình hình chính trị ở Lào từ sau Hiệp định Geneva đến tháng 7.1959

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 112 - 116)

VÀ CUỘC NỘI CHIẾN Ở LÀO (1954 – 1975)

V.1. CUỘC KHỦNG HOẢNG CHÍNH TRỊ-QUÂN SỰ Ở LÀO (1959-1962)

V.1.1. Tình hình chính trị ở Lào từ sau Hiệp định Geneva đến tháng 7.1959

Theo Điều 13 của Hiệp định Geneva về Lào, các lực lượng vũ trang VNDCCH và Pháp có mặt trên lãnh thổ Lào phải rút hết về nước trong vòng 120 ngày sau khi Hiệp định có hiệu lực. Ngày 15.11.1954, VNDCCH đã hoàn thành cam kết của mình. Bốn ngày sau, Pháp cũng hoàn tất việc rút quân, sau khi đã để lại 1.500 nhân viên quân sự theo sự cho pheựp cuỷa Hieọp ủũnh.

Theo Điều 14, các đơn vị chiến đấu Pathet Lào sẽ, “trong khi chờ đợi một giải pháp chính trị”, được tập kết trong hai tỉnh Phong Saly và Sam Neua cũng trong vòng 120 ngày.

Một số biến cố đã gây khó khăn cho tiến trình thực thi điều khoản vừa nêu.

Được thành lập ngay trong tháng 9.1954, SEATO đã đặt Lào trong “quỹ đạo bảo vệ” của mình và như vậy đã đi ngược lại tinh thần của Điều 4 và Điều 5 trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva. Cũng trong tháng 9.1954, bộ trưởng Quốc phòng Kou Voravong (một nhân vật tích cực ủng hộ Hiệp định Geneva) của chính phủ Vương quốc Lào bị ám sát chết. Diễn biến này đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng: ngày 23.11.1954, hoàng thân Souvanna Phouma từ chức thủ tướng. Về sau, tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Geneva diễn ra ngày 14.6.1961, Souvanna Phouma đã nhắc lại diễn biến này như sau: “Ngay sau khi Hiệp định Geneva được kí kết, chính phủ do tôi đứng đầu đã bước vào đàm phán với Pathet Lào nhằm tái hòa nhập các chiến binh của tổ chức yêu nước này vào cộng đồng dân tộc, nhưng sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của chúng tôi đã buộc tôi phải từ chức” [Dẫn lại theo 2, tr.26]. Người thay là Katay Don Sasorith, một người tích cực ủng hộ SEATO và có xu hướng thân Hoa Kì và Thái Lan. Sự thay đổi chính phủ ở Lào được nối tiếp bằng sự khởi sự hoạt động kể từ ngày 1.1.1955 của Phái bộ công tác của Hoa Kì (USOM) ở Vientiane.

Trong bối cảnh trên, cuộc đàm phán giữa chính phủ Vương quốc Lào và Neo Lao Itsala diễn ra trong tháng 1.1955 đã sớm sa vào chỗ bế tắc. Trong lúc chính phủ Katay nhấn mạnh đến chuyện tái hợp hai tỉnh Phongsaly và Sam Neua đang do Pathet Lào kiểm soát và tránh né mọi bàn thảo về các vấn đề chính trị, thì đại diện Neo Lao Itsala lại đặt chuyện tái hợp phụ thuộc vào giải pháp chính trị. Các đơn vị quân đội Vientiane tăng cường các hoạt động quân sự trong hai tỉnh nhằm gây sức ép lên Neo Lao Itsala. Diễn biến này cho thấy chính phủ Katay nghiêng về một giải pháp quân sự. Tháng 3.1955, chính phủ Washington quyết định viện trợ cho Vientiane 40 triệu USD, trong đó phần dành cho quân

sự chiếm tỉ lệ lên đến 80%. Lào trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới được Mĩ tài trợ 100% ngân sách quân sự. Rất dễ hiểu rằng trong điều kiện này, quân đội Vương quốc trở thành công cụ chính cho sự can thiệp của Mĩ vào công việc nội bộ của Lào. Tháng 4.1955, Katay đơn phương đình chỉ cuộc đàm phán với Lao Itsala. Một số đơn vị của quân đội Vương quốc Lào đã đụng độ với các đơn vị Pathet Lào trong hai tỉnh Sam Neua và Phong Saly. Bất chấp sự chi viện của Mĩ, quân đội Vientiane vẫn không giành được ưu thế trên chiến trường.

Ngày 25.12.1955, chính phủ Katay đã tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội riêng rẽ trong 10 tỉnh thuộc quyền kiểm soát của mình. Kết quả không được như Katay mong muốn và hơn thế nữa, Quốc hội mới được bầu ra đã từ chối không tái bổ nhiệm ông vào chức thủ tướng. Sau 5 tuần khủng hoảng nội các, ngày 22.3.1956, một chính phủ mới được thành lập do Souvanna Phouma lãnh đạo. Chính phủ này ra tuyên bố đặt “thành ưu tiên hàng đầu việc giải quyết vấn đề Pathet Lào... nhằm đạt được hòa giải thông qua chủ nghĩa yêu nước và lòng trung thành” [Dẫn lại theo 2, tr.131].

Khởi sự trở lại từ mùa xuân 1956, rồi diễn ra một cách chậm chạp, cuộc đàm phán giữa chính phủ Vientiane và Neo Lao Haksat(54) chấm dứt trong tháng 11.1957, sau khi hai bên đã kí trước sau cả thảy 10 văn kiện được gọi chung là Các Thỏa ước Vientiane.

Mười văn kiện đó là:

- Tuyên bố chung của phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào và phái đoàn Pathet Lào được Hoàng thân Souvanna Phouma và Hoàng thân Souphanouvong kí ngày 5.8.1956;

- Tuyên bố chung cuối cùng của phái đoàn Chính phủ Vương quốc Lào và phái đoàn Pathet Lào được hai hoàng thân kí ngày 10.8.1956;

- Thỏa thuận về các biện pháp cần thi hành nhằm thực hiện ngừng bắn được phái đoàn các bên trong Ủy ban quân sự liên hợp kí ngày 31.10.1956;

- Thỏa thuận về Ủy ban chính trị liên hợp về Vấn đề hòa bình và trung lập kí ngày 2.11.1956 ;

- Thỏa thuận được kí ngày 24.12.1956 giữa phái đoàn chính trị Chính phủ Vương quốc và phái đoàn chính trị Pathet Lào liên quan đến các biện pháp đảm bảo các quyền công dân, không phân biệt và không trả thù đối với các thành viên của Pathet Lào và các cựu kháng chiến, và những biện pháp tái hòa nhập các cán bộ Pathet Lào và cựu kháng chiến vào các cơ quan hành chính và kỹ thuật ở mọi cấp của Vương quốc ;

- Tuyên bố chung được kí ngày 28.12.1956 giữa Hoàng thân Souvanna Phouma, thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào và Hoàng thân Souphanouvong, đại diện Pathet Lào ;

- Thỏa thuận được kí ngày 21.2.1957 giữa phái đoàn chính trị Chính phủ Vương quốc và phái đoàn chính trị Pathet Lào về luật bầu cử ;

- Thông cáo chung của Hoàng thân Souvanna Phouma, thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào và Hoàng thân Souphanouvong, đại diện các đơn vị chiến đấu Pathet Lào kí ngày 2.11.1957;

54()Ngày 6.1.1956, Neo Lao Itsala được đổi thành Neo Lao Haksat (Mặt trận yêu nước Lào).

- Thỏa thuận về công tác tái lập chính quyền Vương quốc trong các tỉnh Sam Neua và Phong Saly được Phái đoàn chính trị Chính phủ Vương quốc và Phái đoàn chính trị các đơn vị chiến đấu Pathet Lào kí ngày 2.11.1957;

- Thỏa thuận quân sự về công tác hòa nhập các đơn vị chiến đấu Pathet Lào và Quân đội Vương quốc được các đại diện của Ủy ban quân sự liên hợp kí ngày 2.11.1957.

Các văn kiện được kí kết có những nội dung chính sau: đình chỉ xung đột, thành lập chính phủ liên hợp có đại biểu của Mặt trận yêu nước Lào tham gia, thừa nhận các đề nghị sửa đổi Luật bầu cử Quốc hội mà Mặt trận yêu nước Lào đã nêu ra và tiến hành tuyển cử bổ sung có Mặt trận yêu nước Lào tham gia, ghi nhận chính sách hoà bình trung lập, thông qua đạo luật về quyền tự do dân chủ của nhân dân, không đề ra các biện pháp phân biệt đối xử hay trả thù những người từng tham gia lực lượng Pathet Lào, có những biện pháp thu nạp các cán bộ Pathet Lào vào bộ máy hành chính và kĩ thuật của Vương quốc Lào ở mọi cấp…. Hai thỏa thuận quan trọng nhất là: thứ nhất, tái lập quyền lực của chính quyền Vương quốc ở hai tỉnh đang do Pathet Lào kiểm soát theo công thức: tỉnh Sam Neua sẽ có tỉnh trưởng là người của chính quyền Vientiane, phó tỉnh trưởng là người của Pathet Lào, còn tỉnh Phong Saly sẽ có tỉnh trưởng là người của Pathet Lào, còn phó tỉnh trưởng là người của chính quyền Vientiane. Thứ hai, hòa nhập 1500 quân của các đơn vị chiến đấu Pathet Lào vào quân đội Vương quốc Lào, số còn lại (trên 4000) sẽ phục viên.

Trong suốt thời gian cuộc đàm phán giữa hai bên Lào diễn ra ở Vientiane, chính quyền Mĩ đã không ít lần biểu lộ thái độ không tán thành nỗ lực hướng đến hòa giải dân tộc và xác lập một đường lối đối ngoại trung lập mà chính phủ Phouma theo đuổi. Khoảng hai năm sau khi các Thỏa ước Vientiane đạt được, phụ tá bộ trưởng Ngoại giao đặc trách các vấn đề Viễn Đông là Walter S. Robertson đã công khai thừa nhận rằng “chúng tôi đã làm mọi chuyện có thể được để ngăn noù [việc thành lập chính phủ liên hiệp] diễn ra” [Dẫn lại theo 2, tr.134], còn đại sứ Mĩ ở Lào là J. Graham Parsons đã tuyên bố trước Hạ viện:

Tôi đã đấu tranh suốt 16 tháng để ngăn chặn sự hòa hợp” [Dẫn lại theo 2, tr.148].

Washington còn phối hợp với London và Paris cùng ra các công hàm ngoại giao có nội dung tương tự vào ngày 16.4.1957 nhằm bày tỏ thái độ không đồng tình với các thỏa ước mà chính phủ Vientiane đã kí với Pathet Lào. Sau khi nhận xét rằng Pathet Lào “đã tìm cách áp đặt các điều kiện không dính dáng đến chuyện họ công nhận quyền lực của chính phủ Vương quốc và công tác tái hòa nhập họ vào cộng đồng dân tộc”, các công hàm nhấn mạnh rằng những điều kiện đó đi ngược lại cả Hiệp định Geneva lẫn nghị quyết ngày 7.1.1956 của Ủy hội Kiểm soát quốc tế về công tác tái lập chính quyền Vương quốc ở các tỉnh phía bắc. Các công hàm đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng Chính phủ Vương quốc Lào

sẽ tiếp tục với quyết tâm không để tương lai chính trị của Vương quốc Lào bị các nhóm li khai đứng ngoài khuôn khổ Hiến pháp áp đặt” [Dẫn lại theo 2, tr.135]. Sự lo lắng của ba nước phương Tây có lí do riêng của nó: tháng 3.1957, Souphanouvong đã lên tiếng đòi hỏi chính phủ liên hiệp cần được sự công nhận của VNDCCH, CHND Trung Hoa và Liên Xô và đặt ra yêu cầu kêu gọi Trung Quốc viện trợ kinh tế cho Lào.

Sự việc ba cường quốc phương Tây có nhiều ảnh hưởng ở Lào công bố các công

hàm trên đã tạo một áp lực đè nặng lên nỗ lực hướng đến hòa giải dân tộc của Chính phủ Souvanna Phouma và đã đẩy chính phủ này rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng:

ngày 31.5.1957, Souvanna Phouma từ chức thủ tướng, cuộc đàm phán cũng vì vậy mà bị gián đoạn. Ngày 9.8, sau ba nỗ lực lập nội các mới không thành của Katay, Phoui Sananikone và Bong Souvannavong, hoàng thân Souvanna Phouma cuối cùng lại được mời ra đứng đầu chính phủ.

Ngày 19.11.1957, một ngày sau khi các tỉnh Sam Neua và Phongsaly chính thức trở về dưới quyền lực của nhà vua, chính phủ liên hiệp với Souvanna Phouma làm thủ tướng ra mắt quốc dân. Trong thành phần chính phủ này có mặt hai đại biểu Pathet Lào:

Souphanouvong ở chức bộ trưởng bộ Kế hoạch, Xây dựng và Đô thị và Phumi Vongvichít ở chức bộ trưởng bộ Văn hóa và Nghệ thuật.

Cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội diễn ra ngày 4.5.1958 đã mang lại 13 trong số 21 ghế được tranh cho Neo Lao Haksat và đảng Hoà bình và Trung lập (đảng này liên minh với Neo Lao Haksat).

Tuy Neo Lao Haksat và đồng minh chỉ kiểm soát 13 trong tổng số 59 ghế ở Quốc hội, kết quả cuộc bầu cử bổ sung vẫn khiến người Mĩ lo lắng. Đánh giá đây là “thắng lợi của cộng sản”, ngày 30.6.1958, Washington đã tìm cách gây khó khăn cho chính phủ liên hiệp bằng cách ủng hộ cánh hữu ở Lào thành lập Ủy ban Bảo vệ quyền lợi quốc gia (CDNI) với đại tá Phoumi Nosavan làm chủ tịch, và cắt viện trợ. Đây là một đòn nặng nề giáng vào nền kinh tế rất yếu của Lào. Ngày 23.7, thủ tướng Souvanna Phouma phải từ chức. Ngày 16.8, Phoui Sananikone, một người cổ vũ đường lối trung lập thân phương Tây và bài xích sự tham gia của Pathet Lào trong chính phủ, đã thành lập chính phủ mới, trong đó có 4 thành viên là người của CDNI, trong lúc hai thành viên Pathet Lào bị loại.

Được sự hỗ trợ đắc lực từ phía Hoa Kì, chính phủ Phoui Sananikone ngày càng nghiêng sang hữu và bắt đầu ra mặt trấn áp Neo Lao Haksat. Tháng 1.1959, đại tá Phoumi Nosavan và hai sĩ quan khác được đưa vào nội các. Cũng trong tháng này, Phoui Sananikone được phép cai trị trong một năm mà không cần đến Quốc hội. Tháng sau, ông ra tuyên bố từ bỏ thi hành các điều khoản trong Hiệp định Geneva hạn chế số viện trợ quân sự Lào được nhận từ nước ngoài. Quyết định này rõ ràng đã mở cửa cho viện trợ quân sự từ Mĩ.

Tháng 4, Phoui Sananikone bắt đầu mở các cuộc tiến công vũ trang đồng loạt vào Neo Lao Haksat. Cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự khởi phát. Ngày 18.5.1959, ông ra tối hậu thư buộc hai tiểu đoàn Pathet Lào phải gia nhập Quân đội Vương quốc ngay lập tức. Nửa quân số tiểu đoàn 1 đang đóng ở Luang Prabang đã quy hàng, nhưng tiểu đoàn 2 đóng ở Cánh đồng Chum (Xieng Khouang) và số quân còn lại của tiểu đoàn 1 đã kịp thời rút sang lãnh thổ VNDCCH.

Trước diễn biến trên, tháng 6.1959, BCHTƯ đảng Nhân dân Lào họp Hội nghị Trung ương lần thứ nhất nhận định tình hình và đề ra chủ trương chuyển hướng đấu tranh

thành đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phát động nhân dân cả nước nổi dậy chống đế quốc Mĩ và tay sai. Một số cán bộ chính trị và một số đơn vị quân tình nguyện VNDCCH được phái sang Lào để “sát cánh cùng quân dân Lào chống kẻ thù chung”.

Không thành công với biện pháp quân sự, ngày 27.7, chính phủ Phoui Sananikone ra lệnh bắt giam 16 nhà lãnh đạo và cán bộ cao cấp của Neo Lao Haksat, trong đó có Souphanouvong, Nuhak, Phoumi Vongvichit, đang có mặt ở Vientiane(55). Cũng trong tháng 7, lực lượng vũ trang Pathet Lào mở những cuộc hành quân phản kích vào Quân đội Vientiane. Chiến tranh tái phát trên lãnh thổ Lào.

Một phần của tài liệu tài liệu lịch sử quan hệ quốc tế đông á và đông nam á (Trang 112 - 116)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(434 trang)
w