IV. QUAN HỆ TRUNG - NHẬT VÀ QUAN HỆ NHẬT - XÔ
1. Quan hệ Trung - Nhật
a. Khái quát quan hệ Trung - Nhật từ 1951 đến 1972
Khi chọn phương sách kí Hòa ước với Đài Loan, Chính phủ Tokyo coi như thừa nhận Đài Loan là chính phủ hợp pháp duy nhất của nhân dân Trung Hoa và cũng tức là đã đóng chặt mọi con đường dẫn đến quan hệ chính thức giữa Tokyo và Bắc Kinh. Giới cầm quyền Bắc Kinh đã phản ứng rất gay gắt trước sự biến này, vì theo họ, nó cho thấy Chính quyền Nhật thời hậu chiến vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách thù địch chống Trung Quốc, và lần này không chỉ một mình, mà còn cấu kết chặt chẽ với đế quốc Mĩ. Âm mưu tái vũ trang và khả năng hồi sinh của chủ nghĩa quân phiệt Nhật với sự trợ giúp đắc lực của Hoa Kì là những đề tài thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc. Chiến tranh Triều Tiên (1950 −1953) và vị thế của Nhật trong cuộc xung đột này như là kho hậu cần và nguồn cung ứng một phần quan trọng các khí tài chiến tranh cho quân đội Mĩ đã đẩy Trung Quốc đến chỗ coi Nhật như là kẻ thù của mình. Hậu quả là trong suốt thập niên 50, quan hệ giữa hai nước hầu như không tồn tại.
Tình hình trên khó kéo dài lâu hơn, vì một nước vừa đông dân nhất trong vùng, vừa giàu tài nguyên ở sát cạnh một nước vừa nghèo tài nguyên, vừa đang dồn sức phát triển một nền kinh tế hướng ra xuất khẩu tất không thể không cần lẫn nhau, dù hoàn toàn xung khắc trong nhiều mặt. Đầu thập niên 60, Trung Quốc bị sa vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội rất nghiêm trọng, hậu quả phát sinh từ những cuộc thử nghiệm phiêu lưu “công xã nhân dân” và “đại nhảy vọt”. Bị Liên Xô cắt viện trợ, trong hoàn cảnh như vậy, giới lãnh đạo Bắc Kinh tất phải tìm đến những quan hệ khác. Một trong những nơi họ hướng đến là Nhật, cường quốc kinh tế lớn nhất trong vùng Đông Á.
Lên cầm quyền từ năm 1960, thủ tướng Nhật Hayato Ikeda đã khởi sự, dưới sức ép của các nhà công nghiệp trong nước đang mong mỏi tìm kiếm một thị trường mới cho nền kinh tế đang bước vào một thời kì tăng trưởng mạnh mẽ khác, xem xét lại các quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tháng 11.1962, đại diện Nhật và Trung Quốc kí Giác thư Thương mại đưa giá trị hàng hóa trao đổi giữa hai nước lên 100 triệu USD từ năm 1963 đến 1967(175). Trong thực tế, mức tăng trưởng trao đổi mậu dịch giữa hai nước diễn ra với nhịp độ nhanh hơn nhiều: 200 triệu (1966), 820 triệu (1970) và 900 triệu (1971) [30, tr.144 – 145]. Bên cạnh đó, chính phủ còn cho phép các tổ chức xã hội và đoàn thể thường xuyên trao đổi quan hệ với nhau.
Nhưng những tiến triển trên không tác động đáng kể đến lập trường của Nhật đối với Trung Quốc. Ngày 1.3.1964, thủ tướng Ikeda đưa ra bốn điều kiện tiên quyết cho việc lập quan hệ chính thức và đầy đủ với CHND Trung Hoa: Bắc Kinh công nhận Hiệp ước An ninh hỗ tương Nhật - Mĩ; Trung Quốc tôn trọng Hòa ước Nhật - Đài Loan; Trung Quốc từ bỏ mọi yêu sách về tiền bồi thường chiến tranh đối với Nhật; Trung Quốc hứa không tiếân hành các hoạt động tuyên truyền cộng sản hay thực hiện hoạt động xâm lược gián tiếp chống Nhật[34, tr.196]. Lên cầm quyền trong thời gian sau đó trong năm 1964, thủ tướng Sato khẳng quyết: “Chừng nào tôi còn tại vị, quan hệ với Trung Quốc sẽ không thay đổi”
[30, tr.145].
Về phần mình, Trung Quốc cũng tỏ thái độ cứng rắn không kém, nhất là sau khi Cách mạng Văn hóa được phát động. Tháng 4.1970, Chu Ân Lai sang thăm CHDCND Triều Tiên và kí với giới lãnh đạo nước này một bản thông cáo chung có nội dung chống Nhật rõ ràng. Văn kiện khẳng định: “Đế quốc Mĩ là kẻ giật dây, còn Nhật là kẻ diễn tuồng”. Nhưng có một điều đáng chú ý: cũng trong tháng 4 đó, Chu Ân Lai tuyên bố rằng nước ông sẵn sàng kí một hiệp ước với Nhật, nếu nước này từ bỏ hòa ước đang có với Đài Loan; trong chuyện này, thậm chí Hiệp ước An ninh với Mĩ không bị coi là một trở ngại [30, tr.145−146].
Như vậy là Chính phủ Bắc Kinh đã vạch ra một con đường khá hấp dẫn cho việc cải thiện quan hệ Trung − Nhật. Đáng tiếc là mãi đến ngày 5.4.1971, Chính phủ Sato mới thông báo sự thay đổi trong lập trường của mình và tỏ ý sẵn sàng “cải thiện” quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Được đưa ra đúng vào thời điểm đang diễn ra những cuộc thăm dò ráo riết cho sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kì, lời tuyên bố của Chính phủ Nhật đã không còn thu hút sự chú ý của Bắc Kinh nữa.
b. Thông cáo chung Trung - Nhật (1972): sự điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại của Nhật.
Nhận thức rõ nguy cơ có thể bị đồng minh Hoa Kì bỏ rơi và trở nên chơ vơ trước Liên Xô và Trung Quốc, hiểu rằng đã bị “lỡ tàu” trong quan hệ với CHND Trung Hoa,
175(41) Năm 1961, giá trị trao đổi hai chiều giữa hai nước là 23,4 triệu USD [28, tr.418].
nước có vị trí địa lí ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nhật và có một tiềm năng kinh tế không phải nhỏ dù vẫn còn đang đắm chìm trong cảnh hỗn loạn phát sinh từ “Cách mạng Văn hóa”, Tokyo cố tìm cách lấy lại thời gian đã mất.
Ngay sau khi trở thành thủ tướng Nhật, tháng 7.1972, Tanaka đã bày tỏ ý muốn sang thăm Trung Quốc. Đang bị cô lập một cách nguy hiểm trên trường quốc tế và cả trong vùng Đông Á, Bắc Kinh vội vã tỏ ý tán đồng.
Kết quả của những cuộc đàm phán diễn ra ở Bắc Kinh từ ngày 25 đến ngày 29.9.1972 là bản Thông cáo chung, theo đó, Chính phủ Nhật nhìn nhận Chính phủ CHND Trung Hoa là “chính phủ duy nhất hợp pháp của Trung Quốc” và tuyên bố tôn trọng quan điểm của Bắc Kinh rằng “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể cắt lìa của CHND Trung Hoa”. Ngay trong ngày kí Thông cáo chung, Chính phủ Tanaka tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đài Loan. Nhật và Trung Quốc cũng tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai nước bằng một công thức khá kín đáo: chấm dứt “tình hình bất bình thường đã tồn tại cho đến nay”, và thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng ý tuân thủ năm nguyên tắc sống chung hòa bình, giải quyết những tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng sức mạnh. Hai nước thỏa thuận mở những cuộc đàm phán để kí
“một hiệp ước hòa bình và hữu nghị”. Cả hai thỏa thuận “không tìm cách giành bá quyền trong vùng châu Á và Thái Bình Dương và cùng chống lại mưu toan của bất kì nước nào hay nhóm nước nào lập bá quyền như vậy”. Đáng chú ý là Tuyên bố chung không nhắc gì đến Hòa ước Nhật - Đài Loan và cũng chẳng đề cập gì đến Hiệp ước An ninh Nhật - Mĩ. Tất nhiên, sự bỏ sót này không phải là chuyện ngẫu nhiên. Thủ tướng Tanaka tuyên bố trong một cuộc họp báo được tổ chức ngay sau chuyến đi thăm Trung Quốc: “Người Trung Quốc không tranh cãi về vấn đề Hiệp ước An ninh, điều đó được chứng minh ở chỗ trong Tuyên bố chung không đả động tới Hiệp ước này” [32, tr.144]. Về phần mình, Bắc Kinh đợi một thời gian sau mới đưa ra cách giải thích rõ ràng hơn. Tháng 1.1974, thủ tướng Đặng Tiểu Bình tuyên bố với một phái đoàn quan chức cao cấp Nhật: “Về nguyên tắc, Trung Quốc không công nhận Hiệp ước Nhật − Mĩ, nhưng vì có một sự đe dọa, chúng tôi nghĩ rằng khó tránh khỏi việc Nhật bảo vệ đất nước của mình bằng cách duy trì quan hệ với Mĩ” [16, tr.57].
c. Bình thường hóa quan hệ Trung − Nhật (từ 1973 về sau)
Năm 1973, Nhật và Trung Quốc trao đổi Đại sứ, năm 1974 hai nước kí Hiệp ước Thương mại. Như vậy, so với tiến độ phát triển của quan hệ Trung − Mĩ, quan hệ Trung − Nhật diễn tiến nhanh hơn. Nhưng hiện tượng này không có nghĩa là “nhân tố Mĩ”, vốn luôn giữ vai trò trung tâm trong quá trình hoạch định đường lối đối ngoại của Nhật từ năm 1951, đã đánh mất ý nghĩa của nó. Sau khi bình thường hóa quan hệ, Bắc Kinh và Tokyo đã bắt đầu tiến hành các cuộc thương thuyết chung quanh hiệp ước hòa bình và hữu nghị.
Công việc chuẩn bị diễn ra rất chậm chạp và thậm chí bị đình chỉ sau lần tiếp xúc vào tháng 9.1975, vì Hoa Kì chưa xác định rõ chính sách đối với Trung Quốc. Phải đợi đến nửa sau thập niên 70, khi Hoa Kì quyết định chọn “con bài Trung Quốc”, cuộc đàm phán giữa Nhật và Trung Quốc mới được tái tục từ ngày 21.7.1978 và diễn ra nhanh chóng để kết thúc bằng lễ kí Hiệp ước Hoà bình và Hữu nghị Trung − Nhật ngày 12.8.1978, giữa lúc
quan hệ trong vùng châu Á - Thái Bình Dương trở nên căng thẳng bởi tình trạng xấu đi không ngừng của tam giác Hà Nội - Bắc Kinh - Phnom Penh. Trong khoảng thời gian đó, giá trị hàng trao đổi giữa hai nước tăng đều đặn: năm 1973 tăng 1,8 lần; năm 1974 tăng 1,6 lần; năm 1975 − 1,2 lần; năm 1976 − 0,8 lần (nghĩa là giảm so với năm trước); năm 1977 − 1,1 lần và năm 1978 – 1,5 lần (đây là các mức tăng so với năm trước) [2, tr.236].
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức và việc kí Hiệp ước Hoà bình và Hữu nghị giữa Trung Quốc và Nhật được chính giới và học giả hai nước xem là những sự biến trọng đại, và càng có ý nghĩa hơn nữa đối với Nhật vì chúng mở ra một thời đại mới trong lịch sử nước này: đó là từ nay Tokyo sẽ có thể theo đuổi một lập trường độc lập hơn so với trước đây trong các vấn đề quốc tế, mà trước hết là trong quan hệ với các cường quốc trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh ở đây rằng Nhật vẫn luôn cố tuân thủ nguyên tắc “khoảng cách đều đặn” (“tokiori gaiko”) trong quan hệ với Bắc Kinh và Moskva. Mặc dù quan hệ Xô − Mĩ từ những năm cuối của thập niên 70 đã diễn tiến theo chiều hướng ngược lại với quan hệ Trung − Mĩ, Nhật cố gắng không để bị Trung Quốc lôi vào chiến dịch “chống bá quyền”, đúng như một điều khoản trong Hiệp ước Hữu nghị Trung − Nhật đã khẳng định rằng Hiệp ước “không gây phương hại đến vị thế độc lập của những nước đã kí trong mối quan hệ giữa những nước này với các nước thứ ba” [Dẫn lại theo 28, tr.420].