NĂM ĐẦU SAU CHIẾN TRANH VIỆT-MỸ – NGUỒN GỐC CỦA VẤN ĐỀ CAMPUCHIA (1975 – 1978)
IX.1. QUAN HỆ GIỮA ASEAN VÀ VIỆT NAM (1975 - 1978)
IX.1.1. Lập trường tương đồng của Việt Nam và ASEAN về một Đông Nam Á độc lập, hòa bình và trung lập (1975 – 1978).
Ngay sau thắng lợi của VNDCCH trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, trong dư luận Đông Nam Á đã phát sinh câu hỏi: Việt Nam sẽ theo đuổi chính sách nào đối với các nước ASEAN? Các nước ASEAN sẽ phản ứng ra sao trước tình hình mới vừa xuất hiện trong vuứng?
Ngày 15.5.1975, phát biểu tại cuộc mítting trọng thể mừng chiến thắng được tổ chức tại Hà Nội, bí thư thứ nhất BCHTƯ đảng Lao Động Việt Nam Lê Duẩn tuyên bố: "Chúng ta giữ vững lập trường: tăng cường đoàn kết và hữu nghị với tất cả các nước láng giềng ở
Đông Nam Á” [Nhân Dân, Hà Nội, 16.5.1975].
Cũng vào thời điểm trên, tại Kuala-Lumpur đã diễn ra hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong các ngày 13 – 15.5. Hội nghị đã bàn về toàn bộ những vấn đề đặt ra cho các nước ASEAN do sự thay đổi tình hình vừa xuất hiện trong vùng và đưa ra những khuyến nghị và biện pháp thực hiện chính sách của ASEAN và của các nước thành viên riêng lẻ sao cho phù hợp với cán cân lực lượng đã thay đổi. ASEAN cho rằng nền tảng trong quan hệ giữa các nước Đông Nam Á phải là các nguyên tắc chung sống hòa bình, cộng tác cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và công bằng. ASEAN cũng nhấn mạnh rằng sự khác biệt về chế độ xã hội và chính trị giữa các nước Đông Nam Á không được biến thành trở ngại trên con đường phát triển các quan hệ mang tính chất xây dựng và cùng có lợi giữa các nước. Trong bản thông cáo chung, các bộ trưởng tuyên bố nước họ quan tâm đến việc phát triển quan hệ với ba nước Đông Dương, thiết lập quan hệ hợp tác trong khu vực. Họ nhấn mạnh: “Chưa bao giờ trong lịch sử trước đây của mình, nhân dân Đông Nam Á lại có được một cơ hội thuận lợi như vậy để xây dựng một thế giới mới, thoát khỏi sự thống trị và ảnh hưởng của nước ngoài, một thế giới mà trong đó các nước trong vùng có thể phát triển quan hệ hợp tác với nhau vì lợi ích chung” [ Dẫn lại theo 61, tr.21].
Quyết tâm xây dựng quan hệ hợp tác vì lợi ích chung của các nước Đông Nam Á được các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á được thông qua ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đầu tiên diễn ra trên đảo Bali (Indonesia) trong các ngày 23 – 24.2.1976. Các nước kí kết xác định mục đích của Hiệp ước là “thúc đẩy nền hòa bình vĩnh viễn, sự thân thiện và hợp tác lâu bền giữa nhân dân các bên tham gia Hiệp ước, góp phần vào sự vững mạnh, tình đoàn kết và quan hệ chặt chẽ hơn nữa” và nói rõ sẽ để ngỏ Hiệp ước này cho sự tham gia của các nước Đông Nam Á khác.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau đây trong quan hệ với nhau:
“- Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc của tất cả các quốc gia;
- Quyền của các quốc gia được tồn tại mà không có sự can thiệp, lật đổ hoặc áp đặt của bên ngoài;
- Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
- Giải quyết bất đồng hoặc tranh chấp bằng biện pháp hòa bình;
- Từ bỏ việc đe dọa hoặc sử dụng bạo lực;
- Hợp tác với nhau một cách có hiệu quả”.
Phù hợp với các nguyên tắc trên, các nước kí kết “sẽ không tham gia, bằng bất kỳ cách nào và dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ hoạt động nào có thể đe dọa sự ổn định chính trị và kinh tế, chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của một bên khác tham gia Hiệp ước này” [11, tr.202, 203, 205].
Bản Thông cáo chung dành cho báo chí tuyên bố rằng các nước ASEAN xác định quyết tâm tiếp tục các nỗ lực đảm bảo hòa bình, ổn định và tiến bộ ở Đông Nam Á, bày tỏ
sự sẵn sàng “phát triển các quan hệ có ích và sự hợp tác cùng có lợi với các nước khác trong vùng” [Dẫn lại theo 76, tr.100], nghĩa là trước hết với các nước Đông Dương.
Về phần mình, ngày 5.7.1976, ngay sau khi Nhà nước CHXHCN Việt Nam được tuyên bố thành lập (2.7.1976), bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã thay mặt chính phủ Việt Nam công bố Chính sách 4 điểm đối với các nước Đông Nam Á:
“1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hòa bình;
2. Không để lãnh thổ nước mình cho bất cứ nước ngoài nào sử dụng làm căn cứ xâm lược và can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp vào nước kia và các nước khác trong khu vực;
3. Thiết lập quan hệ hữu nghị và láng giềng tốt, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Giải quyết những vấn đề tranh chấp giữa các nước trong khu vực thông qua thương lượng theo tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau;
4. Phát triển hợp tác giữa các nước trong khu vực vì sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh theo điều kiện riêng của mỗi nước vì lợi ích độc lập, hòa bình, trung lập thật sự ở các nước Đông Nam Á, góp phần vào sự nghiệp hòa bình trên thế giới” [Nhân dân, Hà Nội, 6.7.1976].
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Adam Malik đánh giá cao chính sách 4 điểm trên và coi nó như một đóng góp cho sự nghiệp đoàn kết các nước Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, vì độc lập và hòa bình trong vùng [Nhân dân, Hà Nội, 22.7.1976].
Hiệp ước Bali và Chính sách 4 điểm cho thấy sự tương đồng rõ rệt trong chính sách của Việt Nam và các nước ASEAN đối với vùng Đông Nam Á. Đây sẽ là cơ sở cho nỗ lực cải thiện quan hệ giữa các nước Đông Nam Á với nhau.
Trong vòng một tháng sau khi Chính sách 4 điểm được công bố, Việt Nam đã lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Philippines (12.7) và Thái Lan (6.8). Trước đó, Việt Nam đã lập quan hệ ngoại giao với Indonesia (1964), với Malaysia và Singapore cùng trong năm 1973. Như vậy, Việt Nam giờ đã có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước thành viên ASEAN.
IX.1.2. Quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN được cải thiện rõ rệt (1977 – 1978).
Sau diễn biến trên, quan hệ Việt Nam – ASEAN được cải thiện không ngừng. Biểu hiện đầu tiên là SEATO bị giải tán ngày 30.6.1977. Tháng 9.1978, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam là Phạm Văn Đồng đã thực hiện chuyến viếng thăm chính thức đến các nước ASEAN. Trong các cuộc đàm phán, các bên đã nhấn mạnh tính khẩn cấp của nhiệm vụ củng cố hòa bình và an ninh trong vùng. Đáng chú ý là trong lúc viếng thăm Thái Lan, Phạm Văn Đồng đã khẳng định là chính phủ Việt Nam không có ý định ủng hộ, gián tiếp hoặc trực tiếp, phong trào nổi dậy ở Thái Lan.
Dù còn không ít bất đồng trong quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN, thiết tưởng không phải là quá lạc quan, nếu báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam, có nhận xét rằng sau chuyến đi nói trên của Phạm Văn Đồng, “CHXHCN Việt Nam và năm nước Đông Nam Á đi đến kết luận rằng hiện nay đã hội đủ những điều kiện thuận lợi để thực hiện ước mơ của các dân tộc trong vùng về việc xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng” [Nhân dân, Hà Nội, 23.10.1978].
Tuy nhiên, tiến trình thành lập mối quan hệ hiển biết lẫn nhau giữa ASEAN và Việt Nam không hoàn toàn suôn sẻ, mọi chuyện không phải đã được giải quyết xong. Giữa các nước ASEAN với nhau đã xuất hiện không ít những bất đồng trong vấn đề xác lập một chính sách cụ thể đối với nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Khác với các đồng minh trong ASEAN, thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tuyên bố rằng chiến thắng của Cộng sản ở Đông Dương đã tạo ra “những viễn cảnh ảm đạm cho châu Á và chứa đầy đe dọa cho nền hòa bình trên toàn thế giới”[61, tr.21]. Chính phủ Singapore khẳng quyết rằng chính Việt Nam ngay trong giai đoạn này là “mối đe doạ chính” đối với sự ổn định trong vùng. Singapore né tránh việc cho phép Việt Nam lập sứ quán trên lãnh thổ của mình vì “lý do kỹ thuật”.
Giới cầm quyền Indonesia, nơi quân đội có ảnh hưởng rất lớn trong sinh hoạt chính trị, coi nước Việt Nam thống nhất với một quân đội hùng mạnh và dạn dày trong chiến đấu là một đối thủ tiềm tàng trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo trong vùng. Tờ Angkata Bersenjata của quân đội Indonesia khẳng định rằng đối với ASEAN, an ninh đã trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu [72a, tr.38]. Chính quan điểm này đã giải thích thái độ cẩn trọng của họ trong các vấn đề liên quan đến phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và kỹ thuật.
Về phần Thái Lan, giữa nước này và các nước Đông Dương còn tồn tại không ít vấn đề tranh chấp cần được giải quyết trên cơ sở song phương. Trong số đó có vấn đề người tị nạn Lào và Việt Nam, các tàu và máy bay mà chính quyền Sài Gòn trong cơn hấp hối đã chuyển sang đất Thái và những vấn đề liên quan đến biên giới với Lào và Campuchia.
Chính sách đối với Việt Nam của lực lượng cánh hữu lên cầm quyền sau cuộc đảo chính ngày 6.10.1976 luôn luôn bị giới quân sự-quân chủ chỉ trích kịch liệt.
Về phần mình, giới lãnh đạo Việt Nam, dựa vào những bài học vừa qua trong quá khứ (một vài nước ASEAN tham chiến ở Việt Nam bên cạnh Mỹ...) vẫn tiếp tục đối xử với tổ chức này bằng thái độ cảnh giác cố hữu. Họ thích phát triển các quan hệ song phương, hơn là đa phương với các nước thành viên của khối này. Biểu hiện rõ rệt của quan điểm này là Chính phủ Việt Nam đã từ khước tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác được ASEAN thông qua ngày 24.2.1976(115). Một số khía cạnh trong hoạt động của ASEAN như
115() Phải đến tháng 7.1992, sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết, Việt Nam mới gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác.
tiến hành tập trận chung với Mỹ ở Philippines và Thái Lan, một số nước khác ủng hộ việc Mĩ tiếp tục hiện diện quân sự û trong vùng... đã làm tăng thêm nỗi nghi ngại của Việt Nam đối với chính sách đối ngoại của các nước ASEAN. Đặc biệt gây lo lắng cho Hà Nội là quan điểm về “sức đề kháng của quốc gia và vùng”.
Trong bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa những người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN (1976), tổng thống Suharto của Indonesia đã nhấn mạnh:
“Trong mỗi nước, sức đề kháng của quốc gia có nghĩa là khả năng sống còn trong tiến trình của những thay đổi xã hội không tránh khỏi và duy trì được sự ổn định của mình trong tiến trình này. Về đối ngoại, đó là khả năng chống lại bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài. Hơn thế nữa, sức đề kháng dân tộc bao gồm cả việc củng cố toàn diện những nhân tố phát triển quan trọng nhất của quốc gia. Cụ thể là sức đề kháng trong các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, xã hội, văn hóa và quân sự” [72a, tr.39].
Ông có ý nói rằng quan điểm về sức đề kháng phải bao gồm mọi lĩnh vực của sinh hoạt xã hội-chính trị, kinh tế và hoạt động của Indonesia cũng như của những nước thành viên ASEAN khác. Chính trên cơ sở này mà hình thành sức đề kháng của vùng. Bản chất của khái niệm này nằm ngay trong lời phát biểu của cựu bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Safir khi nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN nhằm phát triển sức đề kháng của vùng. Ông gọi khái niệm này là chỗ dựa trong cuộc đấu tranh chống “các mưu toan của Cộng sản chiếm đoạt hay khuất phục Đông Nam Á” [72a, tr.40].
Quan điểm trên của ASEAN được đưa vào Điều 2 của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á, nêu rõ rằng “các bên ký kết sẽ cố gắng tăng cường sức đề kháng của mình... nhằm duy trì tính tự do dân tộc”, và Điều 12 viết rằng “các bên ký kết sẽ gắng sức cộng tác trong tất cả các lĩnh vực để tạo thuận lợi cho sức đề kháng của vùng, đặt cơ sở trên nguyên tắc tự tin, dựa vào sức mình, tôn trọng lẫn nhau, cộng tác và đoàn kết. Đây là nền tảng cho một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á mạnh và đầy sức sống” [11, tr.202].
Như vậy, dựa trên khái niệm “sức đề kháng quốc gia và vùng”, giới cầm quyền các nước ASEAN đi đến thỏa thuận hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm duy trì chế độ hiện tồn và nguyên trạng trong mỗi nước và trong cả vùng.
Những sắc thái khác nhau nói trên trong quan điểm của từng nước ASEAN nói riêng, của cả khối ASEAN nói chung đã ảnh hưởng đáng kể đến việc hình thành lập trường chung của ASEAN đối với Việt Nam sau khi nước này đưa quân vào Campuchia và duy trì sự hiện diện quân sự kéo dài ở đây.