được xây dựng ở cửa biển Thuận An, dùng để bảo vệ cho cửa ngõ phía đông của Kinh đô triều Nguyễn, vua Minh Mệnh đã dụ cho Bộ Công rằng:“Nếu ngu tối khước từ mọi sự hiểu biết rồi làm qua loa cho xong chuyện hoặc bớt xén để trong vòng 3 năm mà thành quách đổ sụp, nứt nẻ chỗ lồi chỗ lỏm thì Đỗ Hồng Quý, Trương Viết Soái và các viên quản vệ sẽ đều bị giao cho bộ Hình xét xử nghiêm khắc, đồng thời bắt bồi thường không khoan tha”9/.
Quan lại dưới triều Nguyễn lương bổng không nhiều nên để khuyến khích họ làm việc, nhà vua có nhiều biện pháp, trong đó có khoản tiền dành cho các quan địa phương gọi là tiền “dưỡng liêm” để khuyến khích họ làm việc và giữ đức thanh liêm.
Bài học về tính hiệu lực và hiệu quả trong việc tổ chức bộ máy hành chính mà triều Nguyễn, đặc biệt là từ thời Minh Mệnh nêu lên hiển nhiên là rất thiết thực đối với chúng ta ngày nay trong thời kỳ đổi mới đất nước và đang tiến hành cải cách hành chính. Nó là cơ sở để tạo động lực trong công việc, giúp cho bộ máy phát huy được sức mạnh tiềm tàng bên trong, vượt qua được những thách thức, khó khăn để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Bộ máy được tổ chức gọn nhẹ, không có sự chồng chéo nhiệm vụ, chức năng, nhiệm vụ đã giúp tiết kiệm được nguồn nhân lực, thúc đẩy được sự liên kết để làm tốt hơn các công việc được triều đình giao. Tôi rất tâm đắc với nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khi ông cho rằng:"Nhà Nguyễn có nhiều chính sách hay. Chính sách Đình Nghị: Đã đi họp là phải phát biểu. Ý kiến trong Đình Nghị phải được ghi chép. Nếu không phát biểu trong kỳ họp trước, kỳ sau sẽ không được đi họp nữa. Hay chủ trương Hầu trị: Người của địa phương không được đứng đầu trong địa phương. Phải đi nơi khác làm quan, khi đến địa phương khác, không được lấy vợ, mua đất ở đó. Giám khảo chấm thi không được tham gia khi có người nhà đi thi, hoặc phải trình báo… Đây là những chính sách mà ngày nay chúng ta cần học tập."10/