Vua Lê Thánh Tông, một vị vua anh minh đứng đầu thể chế quân chủ phong kiến triều Lê, trị vì đất nước suốt 38 năm (1460-1497), là người đã có nhiều chính sách cải cách nền hành chính quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc. Một trong những chính sách cải cách của vua Lê Thánh Tông là đã ban bố những quy định về chính sách Hồi tị đầu tiên ở Việt Nam nhằm cải cách hành chính và quan chế của triều đại.
Năm 1483, Lê Thánh Tông cho tập hợp, bổ sung và san định một bộ luật mới để áp dụng cho triều đại- bộ Quốc triều hình luật, thường được biết dưới tên gọi Luật Hồng Đức. Trong bộ Luật này, các quy định về hồi tị đã được đề cập như một nội dung quan trọng. Có thể nói, sau hơn 20 năm cầm quyền, cùng với những kinh nghiệm trị quốc, vua Lê Thánh Tông đã đặt ra chính sách Hồi tị và ban bố những chiếu, lệnh về hồi tị, đồng thời xây dựng nhiều chính sách cải cách hành chính ngày một hoàn thiện. Chính sách Hồi tị nhằm giúp cho cho công tác bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến đương thời hạn chế phần nào cấu kết bà con, bàn bè, thầy trò để mưu lợi. Các quy định trong chính sách hồi tị từ đó đã được nhà vua tiếp tục bổ sung và từng bước hoàn thiện trong những năm trị vì tiếp theo. Nội dung cơ bản của chính sách hồi tị có thể nổi trội lên các điều luật sau:
+ Không được bổ nhiệm một viên quan về cai trị ở Nha, Phủ, Huyện hoặc tỉnh về nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo, hoặc nơi ông ta xuất thân.
Trong Luật Hồng Đức đã có điều luật quy định rất cụ thể về việc bổ nhiệm Xã trưởng được quy định rõ ràng. Tháng 9, năm 1488 (năm Hồng Đức thứ 19), nhà vua xuống chiếu:
“Từ này, các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú bác, con cậu với nhau thì cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau”.11