Thời vua Thiệu Trị tiếp tục thực hiện các điều luật hồi tị như sau: Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan bức hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh.
Khi vua Tự Đức vừa lên ngôi 1848, có trường hợp Dương Duy Thanh cùng làm án sát tỉnh đốc học Hà Nội và Nguyễn Khắc Trạch người cùng 1 huyện lại là thông gia, nhà vua đã bắt buộc phải cho hồi tị. Triều đình cho đổi bổ Dương Duy Thanh làm đốc học Hải Dương. Ngoài ra, Dương Xuân là huấn đạo huyện Thọ Xương, vốn là cử nhân xét cùng Nguyễn Khắc Trạch trước có tình thầy trò, nay hiện làm chức nhà giáo tuy là khác nha song sau sẽ sung bổ chức tri huyện thì làm việc hành chính trị là cùng ở 1 hạt. Vậy nên triều đình cho Dương Xuân hồi tị nhưng cho đổi bổ làm huấn đạo huyện Văn Giang, Bắc Ninh.
Tự Đức năm thứ 10 (1857), quy định:
“Trong một tổng không được chọn một người trong cùng một xã cùng làm Chánh, Phó tổng; trong một tổng hay trong một xã không được chọn người có thân thuộc “cơ phục”29 cùng làm Chánh, Phó tổng. Lý trưởng cũng không được có liên hệ hôn nhân. Trước đây nếu có trường hợp như vậy thì sức cho bắt phải hồi tị thôi chức. Nay về sau nếu xem thường phạm tội này, viên Chánh, Phó tổng, Lý trưởng đó bị chiếu theo luật “vi chế”30 mà xét xử, viên phủ, huyện kiểm tra để cử bị luận vào tội “thất sát””31.
Triều Tự Đức cũng áp dụng nghiêm luật hồi tị vào việc thi cử. Nhân viên làm việc ở trường thi nếu có chú bác ruột, anh em chú bác đồng đường, và cháu gọi bằng chú bác, cháu gọi bằng cậu ứng thi thì cho được hồi tị. Luật hồi tị quy định rất rõ ràng và có hình phạt nhất định tùy theo điều khoản.