Một số nhận xét về cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh

Một phần của tài liệu KY-YEU-HOI-THAO-KHOA-HOC-12.10.2018 (Trang 48 - 50)

Nghiên cứu cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:

Thứ nhất, các cuộc cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh đều diễn ra trong bối cảnh đất nước sau một thời gian dài chiến tranh, khủng hoảng, bộ máy hành chính nhà nước yếu kém về nhiều mặt. Sau chiến tranh, bộ máy hành chính nhà nước thường do các quan võ nắm giữ, tổ chức lỏng lẻo, không thống nhất, hoạt động phân tán, kém hiệu quả. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, vua Minh mệnh đã kiên quyết thực hiện cải cách hành chính, coi đó là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển và thực hiện các cải cách khác.

Thứ hai, cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh là tương đối toàn diện và kết quả mang lại là rất đáng kể. Cải cách hành chính đã mang lại sự hưng thịnh cho đất nước, tình hình chính trị - xã hội được ổn định, kinh tế đất nước phát triển, dân trí được nâng cao, năng lực quốc phòng được tăng cường, chế độ quân chủ trung ương tập quyền được củng cố, bộ máy hành chính nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn trước.

Thứ ba, cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh đã xây dựng được chế độ quân chủ trung ương tập quyền, quyền lực trong nước thuộc về nhà vua. Vua có quyền tối cao trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Vua nắm trong tay quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp và cả quyền thống lĩnh quân đội. Vua là biểu tượng của uy quyền tối thượng và toàn năng đối với các thần dân, đồng thời như một người cha nghiêm khắc và nhân từ của dân chúng theo chủ nghĩa thân dân, dân bản kiểu gia trưởng. Nhà nước được tổ chức thành một hệ thống thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Thứ tư, vua Minh Mệnh đã chú trọng xây dựng bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, được tổ chức chặt chẽ thành một guồng máy vận hành thống nhất từ trung ương đến địa phương. Trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan được phân định cụ thể, không có hiện tượng dẫm đạp lên chức năng, nhiệm vụ của nhau, không có hiện tượng có tổ chức mà không có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng.

Thứ năm, để bộ máy hành chính nhà nước hoạt động có hiệu quả, vua Minh Mệnh rất quan tâm xây dựng đội ngũ quan lại hiền tài, trung thành với triều chính, coi đó là yếu tố quan trọng để cải cách hành chính thành công. Để có được đội ngũ quan lại như vậy, ông đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, như: chú trọng đào tạo bồi dưỡng quan lại; tuyển chọn, tiến cử người hiền tài vào các cơ quan nhà nước; xây dựng bộ máy kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật quan lại khách quan, công bằng; đấu tranh không khoan nhượng với tệ nạn bè phái, hối lộ, tham nhũng.

Một phần của tài liệu KY-YEU-HOI-THAO-KHOA-HOC-12.10.2018 (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(174 trang)