III/ DẤU ẤN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
85 Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 208, mặt khắc
Vua Minh Mệnh luôn đề cao vai trò của pháp luật, chú trọng xây dựng và thực hiện pháp luật. Nhà vua cho rằng: “Trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Đặt ra pháp luật là trên để răn dạy quan lại, dưới là để dân chúng trăm họ biết mà thực hiện. Mọi rối loạn đều bắt đầu từ sự rối loạn kỷ cương”. Hay như: “Pháp luật là cái cân công bằng của thiên hạ, ta là một người cầm cân, rất công bằng, chính đáng, nắm cả hai bên, so lấy đúng giữa, cốt sao trọng việc thi hành pháp luật vẫn có ý khoan hòa nhân hậu. Vậy nên đem lời dụ này thông cáo cho mọi người đều biết”(86).
Để giữ vững kỷ cương đất nước, vua Minh Mệnh còn ban hành nhiều sắc chỉ quy định về các việc kiện tụng, tuyển dụng, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật đội ngũ quan lại.
4. Tuyển chọn quan lại công khai, minh bạch
Vua Minh Mệnh cho rằng phương sách cơ bản nhất của trị nước là trọng dụng nhân tài, chọn được người tài mới giúp cho nước nhà yên bình, thịnh vượng. Ngoài hình thức chủ yếu là khoa cử, vua Minh Mệnh còn tuyển chọn quan lại bằng hình thức tiến cử công khai nhằm tìm ra những khả năng tiềm tàng, không để sót những người hiền tài trong dân chúng. Theo vua Minh Mệnh thì:“Kẻ hiền tài là đồ dùng của quốc gia, khi chưa gặp thời, náu hình ẩn dấu tông tích, thì vua chúa làm sao mà biết được, cho nên ngoài việc khoa cử ra còn cần có người đề cử, trẫm từ khi mới lên ngôi, gắng sức mưu đồ cho đất nước thịnh trị, rất muốn trong triều có nhiều kẻ sĩ đức hạnh tốt, mà không bỏ sót người hiền tài nào ở nơi thôn dã”(87).
Người được tuyển chọn phải trải qua một thời gian làm “thí quan”. Nếu làm tốt họ sẽ được bổ nhiệm làm chính quan, ngược lại nếu làm không tốt họ sẽ bị bãi miễn. Để tránh việc “tiến cử bừa” tham nhũng và tạo lập phe cánh, vua quy định, nếu quan lại nào tiến cử đúng người tài giỏi thì được triều đình khen thưởng, ngược lại sẽ chịu tội rất nặng.