Từ vua Gia Long đến vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã “ thực hiện công cuộc cải cách hành chính theo xu hướng đơn giản, hợp lý, hiệu quả, chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại có năng lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước.”(2). Tuy nhiên, những cải cách này cũng kèm theo không ít yếu kém, hạn chế. Nhìn lại những cải cách hành chính được thực hiện dưới triều Nguyễn cho thấy ít nhiều có những điểm tương đồng, đặc biệt là một số bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo cho công cuộc cải cách hành chính hiện nay ở nước ta.
- Bài học kinh nghiệm thứ nhất: Nhận thức về sự cần thiết cải cách của người lãnh đạo cao nhất.Triều đại nào cũng bắt đầu bằng cách thành lập theo một cách nào đó, tiếp đó là bằng thiết lập bộ máy cai trị và duy trì sự cai trị, điều hành đất nước sao cho tốt nhất. Gia Long lập ra triều Nguyễn và đến Minh Mạng thì ý tưởng cần phải thay đổi trong bộ máy hành chính, trong quan chế và đặc biệt là trong xác định các đơn vị hành chính địa phương càng trở lên cấp thiết. Mục tiêu cải cách là duy trì quyền lực tối thượng của vua, củng cố chính thể trung ương tập quyền. Quyền lực phải được phân bổ và kiểm soát ra sao nhằm bảo đảm quyền
lực của vua là hết sức quan trọng. Kế đến là bảo đảm tổ chức thống nhất bộ máy hành chính địa phương, không thể tiếp tục duy trì hai tên gọi khác nhau cho cùng một loại đơn vị hành chính như nhau là dinh và trấn… Chính Minh Mạng là vị vua nhận thức rõ sự cần thiết phải cải cách nhằm tạo ra những thay đổi cấn thiết trong quản lý và điều hành đất nước.
Nhìn lại gần 30 năm cải cách hành chính ở nước ta càng thấy rõ về cơ bản người đứng đầu Đảng và nhà nước luôn ý thức một cách sâu sắc sự cần thiết phải cải cách nền hành chính nhà nước, tinh gọn bộ máy và đặc biệt là xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
- Bài học kinh nghiệm thứ hai: Quyết tâm thực hiện cải cách của người lãnh đạo cao nhất. Nhận thức sự cần thiết cải cách chưa đủ, mà còn cần sự kiên quyết, quyết tâm biến các ý tưởng, kế hoạch cải cách thành hiện thực. Thực tiễn cải cách thời vua Minh Mạng cho thấy rõ điều đó. Bỏ trấn, dinh, bỏ các chức vụ đầy quyền lực như Tổng trấn trên thực tế là đụng chạm gay gắt về quyền lực và quyền lợi, nếu không kiên quyết thực hiện là rất khó thành công.
Bài học kinh nghiệm này hết sức có ý nghĩa cho thời nay. Ước mong cải cách, hoạch định kế họach, lộ trình cải cách… mọi thứ có đủ cả, nhưng nếu thiếu đi quyết tâm thực hiện của người lãnh đạo cao nhất thì kết quả đạt được cũng sẽ rất khiêm tốn, nếu không nói là không đạt.
- Bài học kinh nghiệm thứ ba: Xác định rõ và phù hợp mục tiêu của cải cách. Gia Long lên ngôi năm 1802 chính thức lập ra triều Nguyễn. Suốt cả một thời gian dài hàng chục năm, Triều Nguyễn luôn phải bận tâm với các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, luôn phải trấn áp các thế lực chống đối. Trong bối cảnh như vậy, duy trì và tăng cường quyền lực của vua, của chính quyền trung ương, nắm chắc chính quyền địa phương là mục tiêu tối quan trọng và cần thiết. Mọi cải cách trong hệ thống hành chính phải phục vụ cho mục tiêu này. Thông qua cải cách bộ máy trung ương tạo lập sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của nhà vua, thông
qua việc thiết lập các chức sắc ở địa phương phụ thuộc vào sự bổ nhiệm từ trung ương để bảo đảm quyền chỉ huy tối cao và tập trung của người lãnh đạo cao nhất.
Bài học kinh nghiệm này cũng có ý nghĩa cho công cuộc cải cách hành chính đương đại ở nước ta. Mục tiêu cải cách đã rõ và phù hợp chưa? Thông qua cải cách hướng tới một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Như vậy đã đủ và phù hợp với hệ thống chính trị kiểu riêng của nước ta hay chưa? Đây là những vấn đề cần tiếp tục làm rõ trong quá trình cải cách.
-Bài học kinh nghiệm thứ tư: Lựa chọn đúng trọng tâm của cải cách. Có thể thấy 2 trọng tâm cải cách triều nhà Nguyễn là cải cách tổ chức bộ máy và cải cách địa chính. Ở mảng quan chế cũng có làm khá nhiều việc, từ tuyển dụng vào bộ máy ban đầu chủ yếu qua khoa cử, thực hiện khảo khóa, thực hiện chế độ lương bổng, quy định về “hồi tị”… Tuy nhiên, những công việc, những hoạt động kiểu này không chứa đựng trong nó các giá trị cải cách mới, mà phần lớn là nhắc lại, làm lại những thứ các triều đại trước đó đã từng thực hiện ở mảng quan chế.
Việc xác định đúng trọng tâm cải cách là hết sức quan trọng. Hiện tại, theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, chúng ta có 3 trọng tâm cải cách, đó là cải cách thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và chất lượng dịch vụ công. Việc có 3 trọng tâm cải cách trên thực tế không hẳn đã rõ và phù hợp, cụ thể dễ nhận ra chính là ở trọng tâm thứ ba về chất lượng dịch vụ công và phần nào ở trọng tâm cải cách thứ hai liên quan tới con người trong bộ máy.
-Bài học kinh nghiệm thứ năm: Tăng cường kiểm tra, giám sát trong bộ máy hành chính từ trung ương tới địa phương. Đô sát viện được thành lập năm 1832 là cơ quan giám sát các cơ quan hành chính từ trung ương tới địa phương. Đô sát viện, Đại lý tự và Bộ Hình là 3 cơ quan trong tam pháp ty tạo thành hệ thống tư pháp thời Nguyễn. Vua Minh Mạng quy định nhiệm vụ của Đô sát viện
lúc thành lập là: Trong số quan chức lớn bé, có ai lấn vượt ban thứ; nói năng ồn ào, uy nghi không nghiêm túc đều phải hặc. Hoàng thân quốc thích, các quan lớn nhỏ trong kinh hoặc ngoài trấn có việc gì không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền đều phải hặc… Thi Hương, thi Hội nếu có sự ngấm ngầm chạy vạy đút lót, gửi gắm cũng phải hặc. Phàm các việc đã hặc tâu đều phải vạch rõ sự thực, không phải nghe hơi bắt bóng vì hiềm riêng mà làm bậy, bới chuyện… Tương tự là vai trò của Lục khoa, Lục bộ là các cơ quan hành chính quan trọng với nhiều quyền lực. Để giám sát hoạt động của Lục bộ, nhà vua cho lập Lục khoa với nhiều quyền đối trọng với Lục bộ. Cơ chế giám sát, kiểm tra như vậy đã góp phần vào củng cố quyền lực và vị thế của nhà vua, hạn chế phần nào tiêu cực trong bộ máy hành chính, trong độ ngũ quan lại triều nhà Nguyễn.
-Bài học kinh nghiệm thứ sáu: Hạn chế tầm nhìn về cải cách. Nhìn tổng thể, nhà Nguyễn đã thực thi cải cách không chỉ trên lĩnh vực hành chính, mà còn cả ở các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, công thương…Tuy nhiên, những cải cách, trong đó có cải cách hành chính chưa đủ để tạo ra những thay đổi cơ bản, tạo sự phát triển phù hợp cho đất nước. Lý do quan trọng nhất chính là sự hạn chế về tầm nhìn cải cách của triều Nguyễn. Cải cách những lĩnh vực nào, ra sao, hướng tới những mục tiêu cụ thể nào, nhìn rộng ra là thông qua cải cách hình hài xã hội sẽ như thế nào, nhà nước sẽ được tổ chức tương ứng ra sao, tất cả những vấn đề này đều bị bỏ trống và do đó tác động của các cải cách rất hạn chế. Cùng trong một bối cảnh kinh tế - xã hội về cơ bản là giống nhau của 3 nước là Việt Nam, Trung Quốc và Nhật thì duy nhất Nhật thông qua cải cách Minh Trị với tầm nhìn cải cách rõ và đầy tham vọng đã tạo ra những thay đổi cơ bản trong xã hội, trong hệ thống nhà nước, nhờ đó có sự phát triển vượt bậc giúp Nhật trong vòng 40 năm vươn lên trở thành một cường quốc trên thế giới. Không biết xã hội Việt Nam sẽ ra sao, vương triều nhà Nguyễn sẽ như thế nào nếu như toàn bộ các kiến nghị, đề xuất của Nguyễn Trường Tộ về cải cách, canh tân đất nước được triều đình chấp nhận và thực thi triệt để?
Bài học về tầm nhìn cải cách hết sức có ý nghĩa cho công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. Việt Nam cùng một lúc tiến hành nhiều cuộc cải cách, đó là đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước, là cải cách kinh tế, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách giáo dục, cho nên tầm nhìn chung về cải cách, đổi mới là hết sức quan trọng. Vấn đề cốt lõi từ thiết kế tổng thể cải cách là bảo đảm cho được sự đồng bộ, nhất quán giữa các cuộc cải cách.
- Bài học kinh nghiệm thứ bẩy: Cải cách chưa tạo được cơ sở xã hội sâu rộng, có nghĩa là cải cách chưa tác động nhiều đến người dân cho nên thiếu đi sự ủng hộ của dân chúng. Những cải cách hành chính nhà Nguyễn cho thực thi tác động trước hết đến bộ máy, đến hệ thống quan chế và đến đội ngũ quan lại. Đa số dân chúng không chịu sự tác động nhiều của cải cách, không thụ hưởng trực tiếp các kết quả của cải cách. Cải cách hay không cải cách đối với dân chúng hầu như không có ý nghĩa. Chính vì vậy, cải cách thiếu đi sự đồng hành, sự ủng hộ từ phía người dân. Đây là điểm khác căn bản nếu so sánh với những gì đang diễn ra trong cải cách hành chính thời nay. Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách là phục vụ dân tốt hơn, chất lượng dịch vụ công phải được nâng cao. Người dân được đặt vào trung tâm của cải cách, sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính được coi là một trong những thước đo quan trọng của kết quả cải cách. Nói cách khác, người dân thụ hưởng rõ nét nhất các kết quả cải cách và đây chính là cơ sở tạo lập niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ của người dân đối với công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra.
Tài liệu tham khảo:
1.Trả lại lịch sử công lao nhà Nguyễn trên http//toquoc.vn 2. Cần khách quan với lịch sử trên http//thanhnien.vn
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH DƯỚI TRIỀU VUA MINH MỆNH DƯỚI TRIỀU VUA MINH MỆNH
PGS.TS. Bùi Huy Khiên Học viện Hành chính Quốc gia
Trong lịch sử hành chính nhà nước phong kiến Việt Nam đã có không ít các cuộc cải cách hành chính, như cuộc cải cách hành chính của cha con họ Khúc, Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Trịnh Cương, Minh Mệnh,... Trong số các cuộc cải cách hành chính đó, cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh (1820 - 1840) có quy mô và phạm vi rộng lớn hơn cả. Cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh được tiến hành sau một thời gian dài chiến tranh, khủng hoảng. Để ổn định chính trị, phát triển đất nước, vua Minh Mệnh đã thực hiện cải cách, trong đó cải cách hành chính được ông đặt lên hàng đầu. Cải cách hành chính dưới triều vua Minh Mệnh đã mang lại những thành công, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng đất nước thành một quốc gia thống nhất, một nhà nước quân chủ phong kiến trung ương tập quyền hướng dần về pháp trị.
Cải cách hành chính ở nước ta những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nền hành chính của nước ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém chưa được khắc phục. Việc tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi những luận cứ khoa học và các giải pháp cho những bước đi tiếp theo của công cuộc cải cách hành chính ở nước ta, đặc biệt là nghiên cứu những cuộc cải cách hành chính trong lịch sử của cha ông để từ đó tổng kết những bài học kinh nghiệm đang là một đòi hỏi khách quan.