IV. Kiến nghị, đề xuất
1. Nội dung, phương pháp, cách thức triển khai mô hìn h4 tại chỗ tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư
1. Nội dung, phương pháp, cách thức triển khai mô hình 4 tại chỗ tại Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư
Ngay sau khi thành lập và đưa Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư vào hoạt động, việc nâng cao hoạt động của Trung tâm được tỉnh Quảng Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Tỉnh chú trọng đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và sự đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo, là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong quá trình triển khai Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh (do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo), UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định về mốc thời gian cụ thể và giao trách nhiệm trực tiếp cho thủ trưởng các Sở, ban, ngành trong việc rà soát đưa 100% các thủ tục hành chính vào giải quyết tại Trung tâm, lựa chọn các thủ tục hành chính có đủ điều kiện thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ” (Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) đi kèm với xác định nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là;
- Nguyên tắc “4 tại chỗ” là đảm bảo việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả thủ tục hành chính được thực hiện ngay tại Trung tâm theo quy trình giải quyết áp dụng cho từng thủ tục hành chính cụ thể. Các thủ tục hành chính thực hiện theo nguyên tắc này phải do một hoặc một bộ phận cán bộ, công chức được cử đến làm việc tại Trung tâm trực tiếp thực hiện thẩm định hồ sơ hoặc trực tiếp tham gia việc thẩm định, trình phê duyệt hoặc phê duyệt hồ sơ. Nguyên tắc
này vẫn tuân thủ quy định của pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính như xin ý kiến cơ quan liên quan, thẩm định trực tiếp tại thực địa, thành lập hội đồng, thủ tục liên thông… hoặc thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh, Bộ, ngành Trung ương (nếu có).
- Căn cứ Danh mục thủ tục hành chính giải quyết tại Trung tâm, các Sở, ban, ngành thực hiện rà soát, phân loại các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan cấp Trung ương gửi Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, thẩm định, trên cơ sở đó UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố lĩnh vực, số lượng thủ tục hành chính thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”.
- Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành trực tiếp thực hiện và phê duyệt các thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh (việc phân cấp ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính phải đảm bảo theo quy định của pháp luật); bố trí phân công lãnh đạo trực và phê duyệt hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công các cấp (thủ tục hành chính không ủy quyền được), cử công chức từ cấp Phó trưởng phòng trở lên có đủ năng lực, trình độ đến làm việc tại Trung tâm để phê duyệt hoặc thực hiện việc ủy quyền phê duyệt thủ tục hành chính ngay tại Trung tâm.
- UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, phối hợp với các sở, ngành thực hiện đăng ký thêm con dấu của các Sở, ban, ngành (gồm cả các đơn vị thuộc Sở, ban, ngành), để thực hiện đóng dấu trực tiếp ngay tại Trung tâm hành chính công và Xúc tiến đầu tư đối với các kết quả sau khi ký phê duyệt, kèm theo đó UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, sử dụng con dấu thứ hai tại Trung tâm theo quy định.
- Chỉ đạo xây dựng quy trình giải quyết cụ thể đối với từng thủ tục hành chính đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả giải quyết, đồng thời, thực hiện rà soát tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, số lượng bộ hồ sơ (UBND tỉnh đã phê duyệt các phương án đơn giản hóa
thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của một số sở, ngành như Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn),
- Xác định cách thức giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính theo mô hình 4 tại chỗ: (1) Trường hợp Giám đốc Sở ủy quyền cho Trưởng, phó phòng trực tiếp thẩm định, phê duyệt kết quả giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính: Bộ phận Hành chính công nhận hồ sơ, chuyển cho công chức được ủy quyền tiếp nhận, trực tiếp thẩm định, phê duyệt hồ sơ, thủ tục hành chính, sau đó chuyển kết quả giải quyết cho Bộ phận Hành chính công của Trung tâm để trả cho công dân; (2) Trường hợp không thể ủy quyền cho Trưởng, phó phòng chuyên môn mà phân công lãnh đạo Sở trực tiếp đến phê duyệt kết quả: Bộ phận Hành chính công nhận hồ sơ, chuyển cho công chức được tiếp nhận, thẩm định, trình lãnh đạo Sở phê duyệt hồ sơ, sau đó chuyển kết quả giải quyết cho Bộ phận Hành chính công của Trung tâm để trả cho công dân.
Đến nay, số thủ tục hành chính đã đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công tỉnh đạt tỷ lệ cao là 1.258/1322 (95,15%), số không đưa vào giải quyết tại Trung tâm chủ yếu là các thủ tục hành chính đặc thù, đòi hỏi việc tiếp nhận, thẩm định và trả kết quả trực tiếp ngay tại thời điểm và địa điểm kiểm tra thực địa. Số thủ tục hành chính thực hiện theo nguyên tắc “Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” ngay tại Trung tâm Hành chính công tỉnh 659/1.258 chiếm 53% so với tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, ngành thực hiện tại Trung tâm (không tính 78 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết cơ quan ngành dọc). Thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công được rà soát cắt giảm được 6.553 ngày/23.964 ngày (tổng thời gian giải quyết theo quy định của Trung ương) đạt tỷ lệ 27,3 %. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả 93.344 hồ sơ, đúng hẹn 91.136 hồ sơ, trễ hẹn 2.208 hồ sơ. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với công tác giải quyết thủ tục hành chính thường xuyên đạt trên 95%.
Công tác kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ được đảm bảo công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết... Hằng tháng, quý, Trung tâm đều báo cáo về tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác này tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh; đồng thời thông báo đến Giám đốc các sở, ngành về việc chấp hành nội quy, giờ giấc làm việc tại Trung tâm của cán bộ, công chức được biệt phái đến làm việc tại Trung tâm và kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ngành.