Diện tích các vùng biển của Việt Nam gần một triệu ki-lô-mét vuông. Việc qui định lãnh hải Việt Nam cũng trải qua các quá trình chung của sự phát triển của luật pháp quốc tế.
Vào thời kỳ phong kiến, phạm vi vùng biển (lãnh hải) của Việt Nam không được qui định rõ ràng.
Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, họ áp dụng luật biển của chính quốc ở Việt Nam. Đầu thế kỉ 20, nhà nước Pháp đã chính thức áp dụng cho Đông Dương có lãnh hải là 3 hải lý, nhưng cũng chỉ được áp dụng từ năm 1926. Đến năm 1936 lại qui định lại lãnh hải ở Đông Dương có chiều rộng 20 km (trên 10 hải lý); năm 1948 qui định lãnh hải rộng 3 hải lý, vùng đánh cá Đông Dương rộng 20 km.
Sau năm 1954, ở miền Bắc nước ta, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ qui định lãnh hải rộng 12 hải lý, nhưng không có qui định cụ thể. Ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn (cũ) qui định lãnh hải rộng 3 hải lý. Đến năm 1974, qui định lãnh hải rộng 12 hải lý theo công ước Giơnevơ năm 1958.
Sau thống nhất đất nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đã quy định: Lãnh hải của Việt Nam rộng 12 hải lý ở phía ngoài đường cơ sở nối liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo ven bờ của nước ta tính từ ngấn nước thủy triều thấp nhất trở ra. Các đảo ven bờ bao gồm những đảo dù ở cách xa bờ từ 60 đến 70 hải lý, nhưng có liên quan rất mật thiết về kinh tế, an ninh quốc phòng và lịch sử với đất liền như: Hòn Hải, Côn Sơn, Thổ Chu.
Các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải cũng sẽ phải có lãnh hải. Lãnh hải của các đảo và quần đảo của Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được tính theo hệ thống tọa độ các điểm chuẩn của các đường cơ sở của các đảo và quần đảo và sẽ được qui định sau trong một số văn bản khác.
+ Bản chất pháp lý của lãnh hải Viêt Nam.
- Bản chất này được thể hiện cụ thể là: “ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với vùng trời phía trên, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải”. Thực hiện “chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn”, nhưng không tuyệt đối trong lãnh hải. Điều này ngụ ý thừa nhận quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải.
Mặt khác, việc qui định lãnh hải Việt Nam có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của công ước, mặc dù có một số nước phản đối nhưng đối chiếu với quá trình phát triển của luật biển quốc tế trong thời gian qua, chúng ta hoàn toàn khẳng định được sự đúng đắn trong Tuyên bố ngày 20/5/1977. Thực tế đã cho thấy năm 1958, chỉ có 17 quốc gia ven biển yêu sách một bề rộng như vậy là 12 hải lý, số nước này lên tới 61 nước vào năm 1977 và 99 nước vào năm 1986. Cho tới nay đã có hơn 100 nước qui định lãnh hải rộng 12 hải lý. Chỉ còn 16 quốc gia duy trì lớn hơn 12 hải lý trong đó 5 nước yêu sách bề rộng lãnh hải từ 20 đến 50 hải lý và 11 nước yêu sách 200 hải lý. Ngay cả Mỹ cũng từ bỏ lập trường 3 hải lý của họ ngày 28/12/1988 để chấp nhận lập trường 12
hải lý. Rõ ràng nguyên tắc 12 hải lý cho bề rộng lãnh hải đã trở thành một nguyên tắc tập quán được công nhận rộng rãi. Việc nước ta thiết lập vùng lãnh hải 12 hải lý từ năm 1977 là quyết định đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với Điều 3 của Công ước 1982.