II. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG 1.Ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp lao động
2. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động.
Nguyên tắc thứ nhất, thương lượng trực tiếp và tự dàn xếp giữa hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp. Đây là một nguyên tắc quan trọng được đặt lên hàng đầu xuất phát từ đặc điểm của quan hệ lao động và đặc điểm của tranh chấp lao động. Nguyên tắc này tôn trọng yếu tố chủ quan của các bên trong quan hệ lao động và khơi dậy sự tự định đoạt của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Mục đích của nguyên tắc này nhằm giúp các bên có cơ hội hiểu được những khó khăn, thuận lợi, tìm ra nguyên nhân của các xung đột giúp các bên nhận thức quyền, nghĩa vụ từ đó tìm ra các biện pháp thích hợp để giải quyết tranh chấp. Nguyên tắc này còn ngăn ngừa những hậu quả xấu do tranh chấp lao động gây ra. Thực tế có nhiều tranh chấp lao động xảy ra nhưng với nguyên tắc thương lượng trực tiếp nên đã giải quyết kịp thời, nhanh chóng ổn định quan hệ lao động.
Nguyên tắc thứ hai, thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của các bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội.
Nếu như thương lượng chỉ có sự tham gia của hai bên tranh chấp thì hoà giải lại có sự tham gia của bên thứ ba (Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên, Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, Toà án). Nguyên tắc này giúp các bên tranh chấp hiểu được các quyền và lợi ích của nhau, hiểu được pháp luật lao động và các bên có thể cùng nhau lựa chọn một phương án giải quyết tối ưu nhất trong việc giải quyết tranh chấp.
Hoà giải là thủ tục rất quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Khi xảy ra tranh chấp, các bên đều phải được giải quyết thông qua hoà giải trừ các tranh chấp lao động cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 166 BLLĐ:
* Tranh chấp về xử lý kỷ luật sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng.
* Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động. * Tranh chấp về bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 151BLLĐ.
* Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Thực tế, hiệu quả của giai đoạn hoà giải phụ thuộc vào vai trò của người hoà giải, các hoà giải viên, các thẩm phán… Nếu các cán bộ này càng am hiểu luật pháp, thực tế cuộc sống và có kỹ năng hoà giải bao nhiêu thì khả năng hoà giải thành cao bấy nhiêu.
Nguyên tắc thứ ba, giải quyết tranh chấp công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật.
Nói chung, khi giải quyết tất cả các loại tranh chấp đều phải đảm bảo tính khách quan và đúng pháp luật. Song có thể nói giải quyết nhanh chóng, kịp thời là một yêu cầu tất yếu đặt ra đối với việc giải quyết tranh chấp lao động vì đặc điểm của tranh chấp lao động có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với người lao động mà còn đối với xã hội. Chính vì vậy, pháp luật lao động quy định thưòi hạn giải quyết tranh chấp lao động ngắn hơn nhiều so với việc giải quyết các tranh chấp khác. Với việc quy định như vậy nó hạn chế được rất nhiều khó khăn cũng như thiệt hại gây ra cho các bên đặc biệt là đối với trường hợp sa thải, đơn phương chấm dứt hợp đồng, đòi bồi thường thiệt hại…
Nguyên tắc thứ tư, đảm bảo sự tham gia của đại diện công đoàn và của đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Xuất phát từ đặc điểm đặc thù của quan hệ lao động nên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động phải bảo đảm sự tham gia của công đoàn. Nguyên tác này đặt ra nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho các bên tranh chấp. Đại diện các bên tham gia sẽ cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp. Đại diện các bên tham gia thương lượng là những người am hiểu pháp luật, hiểu được nguyên nhân xảy ra tranh chấp hiểu được quan hệ nội bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động, hiểu được nguyện vọng của các bên từ đó giúp cơ quan có thẩm quyền có cách giải quyết phù hợp. Pháp luật lao động nước ta đặc biệt chú trọng vai trò của công đoàn trong quá trình giải quyết các tranh chấp lao động.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà hiện nay nguyên tắc này thể hiện chưa rõ nét đặc biệt là sự tham gia của đại diện người sử dụng lao động.