THỜI GIỜ LÀM VIỆC 1 Khái niệm

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 66 - 69)

1. Khái niệm .

Dưới góc độ kinh tế lao động, thời giờ làm việc là khoảng thời gian cần và đủ để người lao động hoàn thành được định mức lao động hoặc khối lượng công việc đã được giao.

Dưới góc độ pháp lý, thời giờ làm việc được biểu hiện dưới dạng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật lao động.

Trong khoa học luật lao động, thời giờ làm việc được nghiên cứu dưới nhiều giác độ và với những tư cách khác nhau. Nó được coi như một nguyên tắc của luật lao động hoặc một định mức lao động hoặc một nội dung của quan hệ pháp luật lao động, hoặc như một chế định của luật lao động.

Nếu nghiên cứu thời giờ làm việc với tư cách là một nguyên tắc của luật lao động, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi được xem như các quyền và nghĩa vụ cơ bản của người lao động mà các quy phạm pháp luật phải thể hiện được nội dung tinh thần đó. Còn nếu xem xét thời giờ làm việc là một định mức lao động, thì thời giờ làm việc là một quỹ thời gian cần thiết cho người lao động để hoàn thành công việc được giao và người lao động phải chấp hành kỷ luật lao động trong thời gian đó.

Biểu hiện là nội dung của quan hệ pháp luật lao động, thời giờ làm việc là nghĩa vụ của người lao động, trong khoảng thời gian quy định phải có mặt tại địa điểm làm việc và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Biểu hiện là một chế định của luật lao động, thời giờ làm việc là tổng hợp những quy phạm pháp luật quy định về thời gian mà người lao động phải làm việc, phải thực hiện các nghĩa vụ lao động của mình.

Tóm lại, thời giờ làm việc là khoảng thời gian do pháp luật quy định theo đó người lao động phải có mặt tại địa điểm làm việc và thực hiện những nhiệm vụ được giao phù hợp với nội quy, điều lệ và hợp đồng lao động.

2. Ý nghĩa của việc quy định thời giờ làm việc.

à Việc quy định thời giờ làm việc giúp cho người lao động có đủ điều kiện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ lao động của mình, còn người sử dụng lao động hoàn thành được mục tiêu sản xuất kinh doanh đã đề ra.

à Việc điều chỉnh thời giờ làm việc nhằm mục đích bảo hộ cho người lao động tránh sự lạm dụng sức lao động từ phía người sử dụng lao động. Người lao động căn cứ vào số giờ làm việc để chủ động bố trí quỹ thời gian cá nhân phù hợp dảm bảo việc tuân thủ kỷ luật, nội quy của doanh nghiệp. Bằng việc bảo đảm một tỷ số hợp lý giữa thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, pháp luật bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và tạo điều kiện cho người lao động có khả năng sáng tạo, được khôi phục sức khoẻ tham gia các hoạt động xã hội khác nhằm nâng cao sức khoẻ, chuyên môn.

à Những quy định về thời giờ làm việc là căn cứ để mỗi doanh nghiệp xác định đúng chi phí nhân công, tổng mức tiền lương phải chi trả cho người lao động trong những thời gian làm việc khác nhau.

à Chế độ thời giờ làm việc là căn cứ pháp lý để thanh tra lao động, cơ quan quản lý lao động thực hiện chức năng đảm bảo pháp luật nghiêm minh, hướng dẫn tổ chức lao động khoa học hợp lý cho doanh nghiệp.

3. Thời giờ làm việc bình thường.

Thời giờ làm việc bình thường là loại thời giờ làm việc áp dụng cho đại bộ phận những người lao động làm việc trong điều kiện lao động, môi trường lao động bình thường.

Theo điều 68 BLLĐ, thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Theo quy định hiện hành, được tính vào thời giờ làm việc có hưởng lương những thời giờ sau :

- Thời giờ nghỉ giữa ca làm việc.

- Thời giờ nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.

- Thời giờ nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.

- Thời giờ nghỉ mỗi ngày 60 phút đối với người lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Thời giờ nghỉ mỗi ngày 30 phút đối với người lao động nữ trong thời gian hành kinh.

- Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.

- Thời giờ học tập, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Thời giờ hội họp, học tập do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động cho phép.

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc theo tuần và ngày nghỉ hàng tuần phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng không trái với quy định và được thể hiện trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động.

4. Thời giờ làm việc rút ngắn.

Thời giờ làm việc rút ngắn là loại thời giờ làm việc có độ dài ngắn hơn thời giờ làm việc bình thường mà vẫn hưởng đủ lương, áp dụng đối với một số lao động đặc biệt.

Đối tượng được áp dụng thời giờ làm việc rút ngắn gồm :

+ Người lao động làm các công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

+ Người lao động nữ.

+ Lao động chưa thành niên. + lao động tàn tật. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

+ Lao động cao tuổi

Đối với người lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi có thai đến tháng thứ bảy được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được bớt một giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

Đối với lao động chưa thành niên thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên không được vượt quá 7 giờ một ngày hoặc 12 giờ một tuần.

Đối với người lao động cao tuổi, nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi, vẫn còn làm việc thì năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu được giảm 4 giờ làm việc trong một ngày mà vẫn được trả đủ lương.

5. Thời giờ làm thêm.

Thời giờ làm thêm là thời giờ vượt quá thời giờ làm việc tiêu chuẩn đã được ấn định, theo sự thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trong những trường hợp và giới hạn quy định của pháp luật.

Thời giờ làm thêm không được vượt quá 50% số giờ làm việc được quy định trong mỗi ngày đối với từng loại công việc. Trong trường hợp quy định thời giờ làm việc theo tuần thì tổng cộng thời giờ làm việc bình thường và thời giờ làm thêm trong một ngày không vượt quá 12 giờ. Tổng số thời giờ làm thêm trong một năm không vượt quá 200 giờ, trừ các trường hợp đặc biệt.

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận làm thêm quá 200 giờ trong một năm trong các trường hợp sau :

- Xử lý sự cố trong sản xuất.

- Giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn.

- Xử lý kịp thời các mặt hàng tươi sống, công trình xây dựng và sản phẩm do yêu cầu nghiêm ngặt của công nghệ không thể bỏ dỡ được.

- Giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.

Các trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm gồm : Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu, bao gồm sản phẩm : dệt, may, da , giày và chế biến thuỷ sản nếu phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do yêu cầu cấp thiết của sản xuất hoặc do tính chất thời vụ của sản xuất hoặc do yếu tố khách quan không dự liệu trước thì được làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm nhưng phải thực hiện đúng quy định sau :

+ Phải thoả thuận với người lao động.

+ Nếu người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên thì người sản xuất lao động phải bố trí cho họ được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường.

+ Trong 7 ngày liên tục, người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khác có các điều kiện như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu nếu có nhu cầu làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm thì phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền ( Bộ, ngành quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Trường hợp phải khắc phục hậu quả nghiêm trọng do thiên tai, địch hoạ, hoả hoạn, dịch bệnh trong phạm vi doanh nghiệp thì người sử dụng lao động được phép huy động làm thêm giờ vượt quá 4 giờ/ngày ; 200 giờ/năm nhưng phải được sự thoả thuận của người lao động.

Các trường hợp không làm thêm giờ gồm :

+ Lao động nữ có thai từ tháng thứ bảy hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi ( khoản 1 điều 115 BLLĐ).

+ Chỉ được sử dụng lao động chưa thành niên làm thêm giờ, làm thêm vào ban đêm trong một số nghề Bộ Lao động-TBXH quy định ( khoản 2 điều 122 BLLĐ).

+ Cấm sử dụng người tàn tật đã bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ ( Điều 127 BLLĐ).

6. Thời giờ làm việc ban đêm.

Thời giờ làm việc ban đêm là thời giờ làm việc tính từ 22 giờ đến 6 giờ hoặc từ 21 giờ đến 5 giờ tuỳ theo vùng khí hậu và được hưởng phụ cấp làm thêm.

Thời giờ làm việc ban đêm được quy định như sau :

Từ Thừa Thiên Huế trở ra Bắc được tính từ 22 giờ đến 6 giờ.

Từ Quảng Nam-Đà Nẵng trở về phía Nam được tính từ 21 giờ đến 5 giờ.

Người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương và tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày ( Nghị định 114/CP ngày 31/12/2002 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về tiền lương).

Những đối tượng không phải làm thêm giờ cũng không phải làm việc vào ban đêm.

7. Thời giờ làm việc tự chọn. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thời giờ làm việc tự chọn là thời giờ làm việc cho phép người lao động lựa chọn số giờ làm việc trong một ngày, một tuần hoặc đựơc giao việc làm ở nhà…

Mục đích của việc quy định này nhằm tạo điều kiện cho những người lao động có hoàn cảnh đặc biệt hoặc làm công việc đặc biệt như lao động nữ, người chưa thành niên, người cao tuổi, người tàn tật, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao … có cơ hội tìm việc làm phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình.

Bộ luật lao động đã có một số quy định về thời giờ làm việc tự chọn như sau : - Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của những người làm hợp đồng không trọn ngày, không trọn tuần, làm khoán do người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận.

- Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn ngày, không trọn tuần, giao việc tại nhà ( khoản 1 điều 109 BLLĐ).

- Năm cuối trước khi nghỉ hưu, người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hàng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn ngày, không trọn tuần ( điều 123 BLLĐ).

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 66 - 69)