THỦ TỤC THƯƠNG LƯỢNG, KÝ KẾT THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 33 - 35)

1. Đại diện thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể

a- Đại diện thương lượng.

Khi tham gia quan hệ lao động, người lao động bao giờ cũng rơi vào vị thế yếu so với người sử dụng lao động. Chính vì vậy để tạo sự tương đồng giữa hai chủ thể pháp luật qui định tập thể người lao động có quyền thành lập tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Công đoàn được pháp luật trao cho quyền năng đại diện và để đảm bảo thực hiện được quyền năng mang tính tổng quát này thì công đoàn phải thực hiện các quyền năng cụ thể trên thực tế. Một trong những quyền năng đó là quyền tham gia thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể quy định tại điều 45 BLLĐ.

Có thể nói việc ghi nhận quyền năng này của công đoàn nó có phản ánh sự bình đẳng giữa hai chủ thể và thể hiện ý chí cũng như tính công khai của các chủ thể. Tuy nhiên để thực hiện quá trình thương lượng và ký kết đạt được sự công bằng, có hiệu quả thì công đoàn phải có những người thực sự có khả năng, am hiểu nghiệp vụ đàm phán thương lượng và am hiểu luật pháp.

Khi tham gia thương lượng đại diện bên tập thể lao động là Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời. Còn bên người sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền theo điều lệ tổ chức doanh nghiệp hoặc có giấy tờ uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp. Số lượng đại diện thương lượng thoả ước lao động tập thể của các bên do hai bên thoả thuận.

b- Đại diện ký kết

Khi tham gia ký kết, các bên phải chuẩn bị và tiến hành thương lượng một cách cẩn thận, chu đáo với đầy đủ thiện chí, các bên cần xác định rõ mục tiêu sẽ đạt được khi thương lượng, chọn người đại diện phù hợp, chuẩn bị đầy đủ thông tin tài liệu để bảo vệ mục tiêu, có chiến lược, chiến thuật đàm phán và phải mềm dẻo trong thương lượng. Để đạt được mục tiêu và yêu cầu trên, trong quá trình thương lượng để ký kết thoả ước, các bên phải đảm bảo các nguyên tắc sau :

* Nguyên tắc tự nguyện : Thể hiện sự tự do bày tỏ ý chí của các bên xuất phát từ nhận thức về quyền và trách nhiệm trong việc xúc tiến ký kết thoả ước. Quá trình thương lượng các bên phải trên tinh thần thiện chí hướng tới ngày mai. Các bên phải đối xử bình đẳng với nhau dù thích hay không thích.

* Nguyên tắc bình đẳng : Mặc dù địa vị kinh tế của người lao động và người sử dụng lao động khác nhau nhưng các bên đều gặp nhau ở một điểm đó là lợi ích kinh tế. Nhưng để đạt được điều này, các bên phải đối xử với nhau trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hợp tác.

* Nguyên tắc công khai : Trong quá trình thương lượng và ký kết công đoàn là tổ chức phản ánh ý kiến gián tiếp của tập thể người lao động. Tuy vậy các điều khoản trong thoả ước cũng phải được tập thể người lao động thông qua. Khoản 3 điều 45 BLLĐ quy định : “ Việc ký kết thoả ước lao động tập thể chỉ được tiến hành khi có trên 50% số người của tập thể lao động trong doanh nghiệp tán thành nội dung thoả ước đã thương lượng”. Nguyên tắc này đảm bảo cho thoả ước lao động tập thể thực thi có hiệu quả.

Theo điều 45 BLLĐ đại diện ký kết của tập thể lao động là chủ tịch Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người có giấy uỷ quyền của Ban chấp hành công đoàn. Đại diện ký kết của bên sử dụng lao động là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người có giấy uỷ quyền của Giám đốc doanh nghiệp.

2. Trình tự yêu cầu và nội dung cần thương lượng.

a/ Đề xuất yêu cầu và nội dung cần thương lượng.

Mỗi bên đều có quyền đề xuất yêu cầu ký kết và nội dung thoả ước lao động tập thể. Các yêu cầu và nội dung thương lượng cần thông báo bằng văn bản. Nội dung thương lượng của bên tập thể lao động do Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn lâm thời đưa ra. Bên nhận yêu cầu phải chấp nhận việc thương lượng và phải

thoả thuận thời gian bắt đầu thương lượng chậm nhất 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

b- Tiến hành thương lượng

Các bên tiến hành thương lượng trên cơ sở xem xét yêu cầu và nội dung các bên độc lập đưa ra. Trong quá trình thương lượng, hai bên phải thông báo cho nhau những thông tin liên quan đến thoả ước và phải ghi thành biên bản. Giai đoạn tiến hành thương lượng rất quan trọng vì nếu các bên thương lượng thành công nó sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm tổ chức để hai bên tiến hành thương lượng.

c- Lấy ý kiến của tập thể về dự thảo thoả ước

Việc lấy ý kiến của tập thể lao động do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiến hành bằng cách lấy chữ ký hoặc biểu quyết. Kết quả lấy ý kiến phải lập thành biên bản và phải có chữ ký của đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

d- Hoàn thiện dự thảo thoả ước và tiến hành ký kết.

Thoả ước lao động tập thể được tổ chức ký kết khi có trên 50% số lao động trong tập thể lao động tán thành nội dung thoả ước đã thương lượng.

4. Đăng ký thoả ước lao động tập thể

Thoả ước lao động tập thể đã ký kết phải làm thành 4 bản, trong đó : • Một bản do người sử dụng lao động giữ.

• Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở giữ.

• Một bản do Ban chấp hành công đoàn cơ sở gửi công đoàn cấp trên. • Một bản do người sử dụng lao động gửi đăng ký.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký thoả ước lao động tập thể, người sử dụng lao động phải gửi bản thoả ước lao động tập thể đến Sở Lao động-TBXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc tổ chức để đăng ký.

Doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao đăng ký tại Ban quản lý khu công nghiệp theo uỷ quyền của Sở Lao động -TBXH, nơi có trụ sở chính của Ban quản lý đó.

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 33 - 35)