II. CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG.
2. Hệ thống thang lương, bảng lương.
- Thang lương là hệ thống các quy phạm phân định những mức lương tương ứng với từng bậc nghề nhất định thuộc từng ngành nghề, công việc, tạo thành những quan hệ tỉ lệ trả công lao động khác nhau theo trình độ chuyên môn khác nhau giữa các nhóm người lao động.
Thang lương gồm các bậc và hệ số tiền lương tưng ứng. Mỗi bậc trong thang lương thể hiện mức phức tạp và mức tiêu hao lao động của một công việc. Bậc khởi điểm áp dụng cho công việc ít phức tạp và mức tiêu hao năng lượng ít nhất. Mỗi bậc trong
thang lương thể hiện theo hệ số của bậc đó so với bậc khởi điểm. Chênh lệch giữa bậc cao nhất và bậc thấp nhất của thang lương được gọi là bội số của thang lương.
- Hệ thống thang lương doanh nghiệp được xác định theo ngành kinh tế kỹ thuật. Trong một thang lương có một hoặc một số nhóm lương thể hiện điều kiện lao động nặng nhọc độc hại khác nhau của từng ngành nghề. Mỗi nhóm lương có hệ số mức lương bậc một và hệ số bậc cao nhất tương ứng với mức độ của công việc.
Số bậc và bội số thang lương phản ánh mức độ phức tạp kỹ thuật của mỗi ngành, nghề và được xác định căn cứ vào nội dung công việc theo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật.
- Bảng lương : có bậc khởi điểm, có bội số của bảng lương. Mỗi chức danh trong bảng lương có tiêu chuẩn nghiệp vụ và chuyên môn để làm căn cứ xếp lương của công chức nhà nước và viên chức doanh nghiệp. Mỗi công chức nhà nước đều phải xếp vào một bậc nhất định trong bảng lương quy định thống nhất của Nhà nước.
Theo Nghị định 26/CP ngày 23/5/1993, có các loại bảng lương cơ bản sau :
+ Bảng lương công nhân, viên chức trực tiếp sản xuất kinh doanh và phục vụ : áp dụng cho công nhân ở những ngành nghề và tiêu chuẩn cấp bậc không rõ ràng, không phân chia được mức độ phức tạp rõ rệt hoặc do đặc điểm của công việc phải bố trí công nhân theo cương vị và trách nhiệm công việc. Mỗi chức danh trong bảng lương được xác định theo một trình độ nhất định tương ứng với nội dung của công việc cụ thể.
+ Bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và phụ cấp chức vụ lãnh đạo : áp dụng cho các ngành, nghề có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cao hơn tiêu chuẩn kỹ thuật các nghề đã áp dụng thang lương và áp dụng cho những người vừa làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ vừa giữ chức vụ lãnh đạo trong các doanh nghiệp.
+ Bảng lương chức vụ quản lý doanh nghiệp : áp dụng cho ba chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng của doanh nghiệp và được xác định theo hạng doanh nghiệp. Việc phân hạng doanh nghiệp căn cứ vào mức độ phức tạp quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mức độ phức tạp quản lý được thể hiện qua các chỉ tiêu vốn, trình độ công nghệ, phạm vi hoạt động hoặc các đầu mối quản lý, số lượng lao động trong doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh thể hiện qua chỉ tiêu doanh thu, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước, lợi nhuận và tỉ số lợi nhuận trên vốn giao.