Đặc điểm của tranh chấp lao động

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 132 - 134)

- Đối với người lao động làm nghề bình thường:

b.Đặc điểm của tranh chấp lao động

Tranh chấp lao động có các đựac điểm riêng khác với các loại tranh chấp khác như tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế, tranh chấp đất đai… Do tính chất đặc biệt của quan hệ lao động nên tranh chấp lao động có các đặc điểm sau:

* Tranh chấp lao động luôn phát sinh, tồn tại gắn liền với quan hệ lao động.

Mối quan hệ này được thể hiện ở hai điểm cơ bản: các bên tranh chấp bao giờ cũng là chủ thể của quan hệ lao động và đối tượng tranh chấp chính là nội dung của quan hệ lao động đó.

Bên người lao động có thể là cá nhân người lao động, có thể là tập thể người lao động, Công đoàn cũng có thể là đại diện cho một bên tranh chấp. Bên người sử dụng lao động có thể là một tập thể hoặc là một cá nhân đại diện cho doanh nghiệp (giám đốc, chủ doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền).

Về nội dung, tranh chấp lao động thường phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ hoặc lợi ích của các bên. Khi quan hệ lao động được thiết lập thì đồng thời với nó là sự xuất hiện quyề và nghĩa vụ của hai bên chủ thể, việc thực hiện nghĩa vụ của người này là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện quyền của người kia và ngược lại. Trong quan hệ lao động, sức lao động của người lao động được sử dụng trong một thời gian tương đối dài và ổn định. Trong khoảng thời gian đó, các bên phải thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật quy định hoặc các bên thoả thuận trên cơ sở quy định của pháp luật. Tuy nhiên, có thể vì những mục đích riêng của mình mà các bên có thể phá vỡ sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ, xâm phạm đến quyền lợi của bên kia. Đây là lý do dẫn đến những xung đột giữa các vhủ thể của quan hệ lao động và biểu hiện ra ngoài là tranh chấp lao động.

Một điều cần lưu ý rằng, những tranh chấp không phát sinh từ quan hệ lao động, tranh chấp giữa các bên của quan hệ lao động vêf những vấn đề không nằm trong phạm vi quyền và nghĩa vụ, lợi ích trong quan hệ lao động hoặc những tranh chấp liên quan đến quan hệ lao động nhưng không phải giữa các chủ thể của quan hệ lao động thì đều không phải là tranh chấp lao động như: người sử dụng lao động nợ tiền vay của người lao động đến kỳ hạn không trả, người sử dụng lao động cho người lao động mượn máy để người lao động làm thêm ngoài giờ nhưng người lao động làm hỏng, tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động về vốn góp và phân chia lợi nhuận trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội, tranh chấp giữa người lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội …

Có thể nói tranh chấp lao động và tranh chấp trong lao động là những khái niệm không hoàn toàn giống nhau.

* Tranh chấp lao động không chỉ bao gồm những tranh chấp về quyền và nghĩa vụ chủ thể mà còn bao gồm những tranh chấp về lợi ích giữa hai bên chủ thể trong quan hệ lao động.

Đặc điểm này phát sinh từ bản chất của quan hệ lao động là sự tự do thương lượng và thoả thuận. Khi tham gia vào quan hệ lao động các bên dựa trên lơi ích của mình, khả năng đáp ứng của chủ thể bên kia và tình hình kinh tế xã hội tại thời điểm giao kết hợp đồng. Để bảo vệ lợi ích của mình, các bên giao kết hợp đồng lao động. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, đến một lúc nào đó thoả thuận giữa các bên không còn phù hợp do các yếu tố mới phát sinh về mặt khách quan dẫn đến cần phải có sự thay đổi hoặc các bên đưa ra những yêu cầu cao hơn so với các thoả thuận cũ dẫn đến sự thay đổi hợp đồng. Để tạo được sự thay đổi đó phải trên cơ sở thống nhất ý chí cuẩ hai bên, nếu một bên không chấp thuận dễ dẫn đến xung đột và phát sinh tranh chấp lao động.

Như vậy, tranh chấp lao động có thể phát sinh trong trường hợp không có hành vi vi phạm pháp luật lao động của các bên. Phần lớn các trường hợp vi phạm pháp luật lao động là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động nhưng có những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật lao động lại không làm phát sinh tranh chấp .

* Tranh chấp lao động là loại tranh chấp mà quy mô và mức độ tham gia của các chủ thể có thể làm thay đổi cơ bản tính chất và mức độ tranh chấp.

Tuỳ theo mức độ tham gia của một bên tranh chấp là người lao động mà có thể hình thành tranh chấp lao động cá nhân hoặc tranh chấp lao động tập thể. Tranh chấp lao động nếu chỉ phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc đối tượng tranh chấp là quyền, nghĩa vụ, lợi ích chỉ liên quan đến cá nhân người lao động thì tranh chấp đó chỉ đơn thuần là tranh chấp lao động cá nhân. Sự ảnh hưởng của tranh chấp lao động cá nhân đối với hoạt động sản xuất kinh doanh dù sao cũng chỉ ở mức độ hạn chế. Song, nếu trong một thời điểm có nhiều người lao động cùng tranh chấp với người sử dụng lao động với những yêu cầu, nội dung như nhau và giữa những người lao động này có sự liên kết với nhau để đòi những lợi ích chung thì tranh chấp đó đã chuyển hoá thành tranh chấp lao động tập thể. Sự ảnh hưởng cảu tranh chấp lao động tập thể không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh mà nhiều khi còn tác động đến cả trật tự xã hội khi tranh chấp lao động tập thể đã lên đến cao trào biểu hiện của nó là đình công xảy ra.

Như vậy, tính chất và mức độ của tranh chấp lao động không chỉ đánh giá bằng nội dung tranh chấp, giá trị tranh chấp như một số tranh chấp khác mà phần lớn phụ thuộc vào quy mô, tính tổ chức, số lượng của một bên tranh chấp là người lao động.

* Tranh chấp lao động là loại tranh chấp có tác động trực tiếp và rất lớn đến bản thân và gia đình người lao động, nhiều khi còn tác động rất lớn đến an ninh công cộng, đời sống kinh tế và chính trị toàn xã hội.

Đặc điểm này xuất phát từ bản chất cảu quan hệ lao động là quan hệ chứa đựng nhiều vấn đề mang tính xã hội như thu nhập, đời sống, việc làm… của người lao động. Thực tế, hầu hết mọi người lao động tham gia quan hệ lao động để có thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình họ. Khi tranh chấp xảy ra, quan hệ lao động có nguy cơ bị phá vỡ, người lao động có thể bị mất việc làm, mất thu nhập, mất nguồn bảo đảm cuộc sống thường xuyên cho bản thân và gai đình nên đời sống của họ trực tiếp bị ảnh hưởng.

Người sử dụng lao động cũng phải tốn thời gian, công sức vào quá trình giải quyết tranh chấp nên có thể việc sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn dẫn đến mất các cơ hội kinh doanh, mất một phần lợi nhuận và khả năng đầu tư, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm…Nghiêm trọng hơn là khi tranh chấp lao động tập thể xảy ra ở những doanh nghiệp thiết yếu của nền kinh tế quốc dân hoặc ân ninh quốc phòng, trong một ngành hoặc trong một địa phương, thì còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và đời sống xã hội trong cả khu vực, thậm chí có thể ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế. Nếu không giải quyết kịp thời, những tranh chấp đó có thể ảnh hưởng tới an ninh công cộng và đời sống chính trị xã hội của quốc gia. Đó cũng là cơ sở của những quy định về phạm vi doanh nghiệp cấm đình công, hoãn đình công hoặc ngừng đình công trong những trường hợp nhất định.

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 132 - 134)