GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG.

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 53 - 57)

Giao kết hợp đồng lao động là việc các bên bày tỏ ý chí theo những nguyên tắc và cách thức nhất định nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ lao động với nhau.

1. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động.

Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là những tư tưởng chỉ đạo, chi phối các chủ thể trong quá trình giao kết hợp đồng nhằm giúp cho việc giao kết hợp đồng đạt hiệu quả.

Điều 9 Bộ luật lao động quy định : “ Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được xác lập và tiến hành qua thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết”. Thông qua các qui định của pháp luật, khi giao kết hợp đồng lao động các bên phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc tự do, tự nguyện - Nguyên tắc bình đẳng

- Nguyên tắc không trái pháp luật và thoả ước lao động tập thể.

a- Nguyên tắc tự do, tự nguyện.

Yếu tố tự do, tự nguyện là một trong những điều kiện không thể thiếu của mọi hợp đồng nói chung. Khi tham gia giao kết hợp đồng lao động các bên phải bày tỏ ý chí của mình trên cơ sở của sự tự do, tự nguyện. Mọi hành vi cưỡng bức, lừa dối, đe doạ, ép buộc đều ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng.

Nguyên tắc này phản ánh mặt chủ quan của các chủ thể khi tham gia quan hệ. Yếu tố tự do, tự nguyện bị chi phối bởi tính tương đồng về năng lực chủ thể của các bên. Khi tham gia quan hệ hợp đồng, ý chí của các chủ thể được phản ánh vào trong hợp đồng mang tính đích danh và nó thể hiện ý chí đích thực. Không một cá nhân, một tổ chức nào có quyền ép buộc, can thiệp vào quá trình này. Trong một số trường hợp sự tự do, tự nguyện lại bị chi phối bởi ý chí của chủ thể thứ ba và các điều kiện pháp luật quy định do năng lực của các chủ thể không đồng đều với nhau như đối với trường hợp lao động vị thành niên. Luật lao động quy định người sử dụng lao động vị thành niên phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

Như vậy ý chí của lao động vị thành niên phụ thuộc vào ý chí của cha mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp trong quá trình giao kết hợp đồng. Do đó nguyên tắc tự do, tự nguyện vừa mang tính tuyệt đối vừa mang tính tương đối. Tính tuyệt đối của nguyên tắc này bị chi phối bởi ý chí chủ quan của các chủ thể trong quan hệ, tính tương đối bị ràng buộc bởi sự không đồng đều về năng lực của các chủ thể và những quy định về điều kiện chủ thể.

b- Nguyên tắc bình đẳng.

Tự do, tự nguyện và bình đẳng là các yếu tố khác nhau nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Các chủ thể chỉ thực sự tự do, tự nguyện bày tỏ ý chí của mình trên cơ sở bình đẳng và chỉ có bình đẳng thực sự trên tinh thần tự do và tự nguyện.

Nếu nguyên tắc tự do, tự nguyện phản ánh mặt chủ quan của các chủ thể thì nguyên tắt bình đẳng nói lên tư cách pháp lý của các bên trong quá trình giao kết hợp đồng. Khi tham gia giao kết hợp đồng các chủ thể phải tương đồng về vị trí, về phương thức biểu hiện trong quá trình thoả thuận hợp đồng. Tuy nhiên việc thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa các bên giao kết trong thực tiễn là vấn đề không đơn giản. Người lao động bao giờ cũng ở vào thế yếu, người sử dụng lao động được coi là kẻ mạnh có quyền sỡ hữu tài sản, điều hành doanh nghiệp. Trong một tương quan như vậy, có được sự bình đẳng giữa các bên là hết sức khó khăn. Cho nên, trong khi nhấn mạnh về nguyên tắc tự nguyện trên phương diện pháp lý cũng không nên phủ nhận hoặc xem nhẹ việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế.

c- Nguyên tắc không trái pháp luật và thoả ước lao động tập thể.

Nếu như nguyên tắc tự do, tự nguyện và bình đẳng là những nguyên tắc phản ánh mặt chủ quan, cái riêng trong quan hệ thì sự tôn trọng pháp luật và thoả ước lao động tập thể là điều kiện cần thiết phản ánh cái chung của quan hệ. Các thoả thuận trong hợp đồng lao động không được thấp hơn những quy định tối thiểu, không được cao hơn những quy định tối đa và không được thấp hơn mức thoả thuận trong thoả ước lao động tập thể.

2. Điều kiện giao kết hợp đồng lao động.

Khi tham gia giao kết hợp đồng các bên phải tuân thủ những điều kiện nhất định để đảm bảo giá trị pháp lý của hợp đồng.

Người sử dụng lao động phải có tư cách pháp nhân. Đối với tổ chức, cá nhân không có tư cách pháp nhân thì phải có đủ điều kiện thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật như có giấy phép sản xuất kinh doanh, có khả năng trả công lao động, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động…Người đại diện hợp pháp hoặc là người được uỷ quyền hợp pháp thực hiện việc giao kết hợp đồng với tư cách là người sử dụng lao động.

b. Đối với người lao động.

Khi tham gia giao kết hợp đồng lao động, người lao động phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi lao động, đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động. Những người dưới 15 tuổi chỉ được giao kết hợp đồng để làm một số nghề, công việc theo quy định của pháp luật khi có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp.

3. Trình tự giao kết hợp đồng lao động.

Việc tạo lập hợp đồng lao động là một quá trình rất quan trọng, bởi nó thể hiện sự hợp tác của các bên để đi đến sự thống nhất ý chí nhằm thiết lập nên quan hệ lao động. Hơn nữa đây là thời điểm các bên bắt đầu có những tiếp xúc, do vậy quá trình giao kết là quá trình để các bên tìm hiểu đánh giá về nhau một cách trực tiếp để lựa chọn và ra các quyết định chính thức. Chính vì vậy, trình tự giao kết hợp đồng có thể chia làm ba giai đoạn :

- Các bên đưa ra đề nghị bày tỏ sự mong muốn thiết lập quan hệ. - Thương lượng, đàm phán nội dung.

- Hoàn thiện và giao kết hợp đồng.

a. Các bên đưa ra đề nghị bày tỏ sự mong muốn thiết lập quan hệ

Khi các bên có nhu cầu giao kết hợp đồng lao động các bên phải biểu lộ nhu cầu đó ra bên ngoài dưới những hình thức cụ thể.

Người sử dụng lao động khi muốn giao kết hợp đồng thì phải đưa ra số lượng tuyển dụng và các điều kiện tuyển dụng thông qua mạng Internet, phương tiện thông tin đại chúng hoặc các địa điểm công cộng. Người lao động sau khi tiếp nhận thông tin nếu thấy các yêu cầu đó có thể thoả mãn được thì nộp đơn trực tiếp hoặc có thể thông qua các trung tâm tư vấn. Song giai đoạn này chỉ mang tính chất mở đầu đưa ra đề nghị, các bên không có bất cứ sự ràng buộc pháp lý nào.

b.Thương lượng, đàm phán nội dung hợp đồng.

Giai đoạn này nếu các bên thương lượng không đạt kết quả thì cũng không phải chịu bất cứ một sự ràng buộc nghĩa vụ pháp lý nào. Các bên cũng không phải bồi thường do có thiệt hại vì bị mất thời gian hay phải chi phí tốn kém trong quá trình đi lại. Xét về mặt thực tế, đây là giai đoạn rất quan trọng. Quan hệ lao động trong tương lai có ổn định hài hoà hay không phụ thuộc vào quá trình thương lượng giữa các bên. Trong quá trình đàm phán nội dung hợp đồng người sử dụng lao động cung cấp những thông tin của doanh nghiệp, công ty, lợi ích của người lao động sẽ được tuyển chọn. Còn người lao động cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến công việc và thực hiện hành vi theo hướng dẫn của người sử dụng lao động như kiểm tra tay nghề, kiểm tra khả năng thực hành của người lao động.

Thông thường các doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động với người lao động trên cơ sở một bản hợp đồng lao động đã được chuẩn bị sẵn nội dung, người lao động sẽ xem xét và nếu đồng ý thì ký vào bản hợp đồng lao động.

Cách làm này xét về phương diện pháp lý không có sự vi phạm tuy nhiên nó không phản ánh đúng bản chất của quan hệ và ít nhiều chứa đựng những mầm mống bất lợi cho quan hệ trong tương lai.

c- Hoàn thiện và giao kết hợp đồng

Các bên kết thúc giai đoạn đàm phán bằng việc cùng chấp nhận những thoả thuận và chuyển sang giao kết hợp đồng lao động. Đối với hợp đồng lao động bằng lời nói, các bên kiểm tra lại các điều khoản đã thương lượng bằng việc thống nhất lại những nội dung đã thoả thuận. Nếu cần thiết khi giao kết có người làm chứng.

Đối với hợp đồng giao kết bằng văn bản các bên đưa những nội dung đã thoả thuận vào văn bản và lần lượt ký vào hợp đồng. Về mặt pháp lý hành vi giao kết hợp đồng lao động làm phát sinh quan hệ lao động.

3. Cách thức giao kết hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động được giao kết trực tiếp giữa người lao động với người sử dụng lao động hoặc có thể ký kết giữa người sử dụng lao động với người được uỷ quyền hợp pháp thay mặt cho nhóm người lao động. Trường hợp do người uỷ quyền hợp pháp ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ, tên, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.

Hợp đồng lao động này chỉ áp dụng trong trường hợp người sử dụng lao động cần lao động để giải quyết một công việc nhất định, theo mùa vụ mà thời hạn kết thúc dưới 12 tháng hoặc công việc xác định được thời gian kết thúc từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.

Về nguyên tắc, người lao động có thể giao kết một hoặc nhiều hợp đồng lao động với một hoặc nhiều người sử dụng lao động nếu có khả năng thực hiện nhiều hợp đồng và phải bảo đảm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, pháp luật của một số quốc gia cho phép giao kết hợp đồng lao động gián tiếp như qua mạng Internet …Một số doanh nghiệp hiện nay, khi giao kết hợp đồng lao động còn tiến hành các bước tuyển dụng theo yêu cầu của công việc như phỏng vấn, kiểm tra tay nghề, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, sử dụng máy vi tính …

4. Việc làm thử

Khi giao kết hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thương lượng, thoả thuận việc làm thử và thời gian thử việc. Việc có làm thử hay không là quyền của hai bên trong giao kết hợp đồng. Thông qua quá trình thử việc người sử dụng lao động có thể kiểm tra, đánh giá xem xét tay nghề, thái độ, ý thức, sự thích ứng với đơn vị, doanh nghiệp của người lao động để ra quyết định tuyển dụng. Còn người lao động có điều kiện xem xét tính chất công việc có phù hợp với khả năng hay không và những vấn đề khác như điều kiện làm việc, thái độ xử sự của người sử dụng lao động…

Thời gian thử việc tuỳ thuộc vào tính chất của công việc để các bên thoả thuận. Trên thực tế có những doanh nghiệp lợi dụng chế độ thử việc gây bất lợi cho người lao động.

Để ngăn ngừa người sử dụng lao động lợi dụng kéo dài thời gian thử việc pháp luật quy định như sau :

Thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ Cao đẳng trở lên.

Thời gian thử việc không được quá 30 ngày đối với chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

Hết thời gian thử việc, người sử dụng lao động thông báo kết quả làm thử cho người lao động. Nếu đạt yêu cầu các bên tiến hành ký kết hợp đồng lao động hoặc người lao động không được thông báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức.

Trong thời gian thử việc người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Tiền lương trong thời gian này ít nhất phải bằng 70% mức lương cấp bậc của công việc đó. Các bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận làm thử mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Một phần của tài liệu giáo trình môn luật lao động (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(160 trang)
w