Giá trị văn hóa tinh thần

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 34)

Kế thừa những kết quả nghiên cứu về giá trị, và theo logic trên, có thể hiểu giá trị văn hoá tinh thần là giá trị đặc trưng cho một cộng đồng xã hội, được cộng đồng đó chấp nhận, sử dụng và gìn giữ các giá trị đó theo thời gian nhất định. GTVH tinh thần nói ở đây là giá trị xã hội, gắn bó mật thiết với hoạt động sống của con người, cộng đồng, sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. Giá trị đó do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi nó đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong xã hội đó.

Đối với mỗi dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể đều tồn tại hệ giá trị tổng quát và những hệ giá trị bộ phận. Trần Văn Giàu đã nêu 7 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam, đó là: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Nghị quyết TW 5 khoá VIII nêu những đức tính nổi bật, có thể hiểu đó là các giá trị của con người Việt Nam: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống” [16, tr.56]. Những thập niên vừa qua người ta còn nêu hệ GTVH chung của Châu Á: Hiếu học, cộng đồng, cần cù, huyết thống [61].

Từ đây, điều quan trọng mang tính phương pháp luận là, chúng ta nghiên cứu giá trị và hệ giá trị văn hoá của một dân tộc, một cộng đồng cần phải đặt nó trong sự so sánh với cộng đồng khác, trong sự liên hệ với các

cộng đồng khu vực và rộng hơn là nhân loại. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể nhận diện được những nét tương đồng, đặc biệt là tính đặc thù của hệ giá trị văn hoá của cộng đồng mà chúng ta đang nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 33 - 34)