Giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và yêu hoà bình

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 57)

Tình yêu đất nước không phải là tình cảm bẩm sinh, mà là sản phẩm của sự phát triển lịch sử, gắn liền với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. GS Trần Văn Giàu nhận định: “Bị đô hộ hàng mấy mươi thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn nhiều và số dân đông gấp bội mà sau ngàn năm “ta vẫn là ta”, hẳn không phải vì những mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn, mà chủ yếu là nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chứ lấy sức đọ sức, lấy số đọ số, thì dân Việt Nam, nước Việt Nam chỉ còn là đối tượng của khảo cổ học” [74, tr.56]. Yêu nước của người Việt Nam bắt nguồn từ những tình cảm bình dị, đơn sơ của mỗi người dân, từ sự quan tâm đến những người ruột thịt, đến tình làng, nghĩa xóm, sau đó phát triển cao thành tình yêu quê hương, đất nước. Yêu nước đã trở thành một triết lý xã hội và nhân sinh của người Việt Nam, không còn dừng lại ở trình độ một nhận thức, tình cảm, mà đã trở thành một chủ nghĩa - Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Nó là một lực lượng tinh thần vô cùng mạnh mẽ, có tác dụng to lớn trong việc động viên, cổ vũ mọi người dân sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc khi có nguy cơ xâm lược từ ngoài tới hay kiên trì góp sức vào sự nghiệp dựng xây đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta” [46, tr.79].

Chủ nghĩa yêu nước có vai trò to lớn trong hệ thống GTVH tinh thần TTDT, là “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị”, là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống giá trị đạo đức của dân tộc ta” [27, tr.94]. Giáo dục, tuyên truyền,

thực hành yêu nước là vấn đề lớn đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm

Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến [17].

Giáo dục lòng yêu nước cho SV là giúp cho SV hiểu được những vấn đề chung nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: Cơ sở hình thành và phát triển của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; chủ nghĩa yêu nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử; chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội; xây dựng con người Việt Nam thấm sâu chủ nghĩa yêu nước. SV phát huy tinh thần yêu nước, thống nhất ý chí và hành động, năng động, sáng tạo trong học tập, rèn luyện để đạt kết quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Người Việt Nam có quyền tự hào về nền văn hiến lâu đời. Tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc như vọng mãi từ ngàn xưa “Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” (Bình Ngô đại cáo), tiếng hô “sát thát” từ hội nghị Diên Hồng và dõng dạc lên tiếng - tuyên ngôn: “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư. Rành rành phân định tại sách trời”… cho đến thời đại Hồ Chí Minh một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chúng ta có quyền tự hào “Trải qua bao nhiêu thử thách nặng nề dưới ách đô hộ của nước ngoài, nhân dân ta vẫn giữ được tính cách là tâm hồn Việt Nam ở tiếng nói cũng như lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập dân tộc, tính cần cù trong lao động sản xuất và dũng cảm trong chiến đấu vì tự do” [10, tr.32].

Giáo dục truyền thống hôm nay cần một sự ôn hòa, trí tuệ và tích cực, có khả năng lan tỏa, nhanh chóng chạm tới trái tim thế hệ trẻ để cho chính thế hệ trẻ tự ý thức được về điều đó. Ví dụ như một tác phẩm văn học “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20”, MV “Tiếng gọi non sông”, MV “Quốc ca - Tiến quân ca”, dự án âm nhạc “Những trái tim Việt Nam”, chương trình đại nhạc hội “Khí phách Đại Việt”…đã nhanh chóng truyền đi thông điệp về tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc Việt Nam tới hàng triệu triệu người Việt và bạn bè trên khắp thế giới. Và mỗi người con đất Việt đều có quyền tự hào:

Việt Nam của tôi tuy chưa giàu có, nhưng đã không còn là nước nghèo chỉ sau hơn 20 năm phát triển, khi đất nước này chỉ có được hoà bình 35 năm, còn người Mỹ thì chưa bao giờ hứng chịu bất kỳ cuộc chiến tranh quốc tế nào. Việt Nam chúng tôi yên bình, những người trẻ tuổi có thể yên ổn học hành mà không sợ bị đánh bom hay xả súng, còn nước Mỹ và nhiều nước khác luôn phải lo đối phó với khủng bố. Việt Nam của tôi gồng mình hứng chịu chiến tranh, chưa thôi đau đớn vì những vết thương chiến tranh để lại, nhưng vẫn tiến lên phía trước… Bao nhiêu đó cũng đã đủ để tôi nói với bạn bè quốc tế rằng: Tôi tự hào là người Việt Nam! [79].

Giáo dục về giá trị hòa bình giúp SV hiểu đây là giá trị phổ biến của toàn nhân loại. Hòa bình là nền tảng, là điều kiện tiên quyết để xây dựng một thế giới bình yên và thịnh vượng cho mọi dân tộc. Hòa bình là trạng thái không có chiến tranh, là mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng và hợp tác cùng có lợi. Hoà bình còn là bản lĩnh, ý chí quyết tâm đấu tranh giữ gìn, bảo vệ nền hoà bình, độc lập dân tộc, tích cực tham gia giữ gìn hoà bình thế giới. Việt Nam đã và đang là một dân tộc như vậy. Không những thế, trong con mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam luôn luôn là biểu tượng của hòa bình, của khát vọng độc lập, tự do, của lòng nhân ái, khoan dung. Chúng ta đã và đang đấu tranh với tư thế của người có chính nghĩa, có văn hóa, được kết tinh từ hàng ngàn năm đánh giặc, giữ nước; có tinh thần đại nghĩa của dòng máu Lạc

- Hồng và tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh [48, tr.107-110]. Một Việt Nam thanh bình, yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Câu chuyện của ngày hôm nay, mỗi người Việt Nam yêu nước chân chính cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không làm phương hại đến lợi ích dân tộc. Đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo phải dựa vào ngọn cờ chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, tinh thần thượng tôn pháp luật, ở nền tảng văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc. Đó cũng chính là thông điệp gửi tới các bạn trẻ SV hôm nay.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 57)