Quá trình giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc phải lấy hoạt động của sinh viên làm trung tâm, giảng viên làm chủ đạo

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 112 - 114)

phải lấy hoạt động của sinh viên làm trung tâm, giảng viên làm chủ đạo

Giáo dục là quá trình kết hợp vai trò chủ đạo của giảng viên với sự tự giác học tập, rèn luyện của SV nhằm hình thành ý thức, tính cách, hành vi thói quen đạo đức với các chuẩn mực xã hội quy định. NCSV được hình thành qua hai con đường cơ bản là con đường dạy học trên giảng đường và con đường hoạt động ngoài giảng đường. Giáo dục GTVH Tinh thần TTDT là một bộ phận cần thiết, cấu thành của quá trình hình thành, phát triển nhân cách cho SV cả trên giảng đường và hoạt động ngoài giảng đường.

Sự khác biệt giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học là ở chỗ, giáo dục phổ thông theo lối tư duy tiêu chuẩn đã có trong sách vở, thiên về lý thuyết, một bên là giáo dục đại học thiên về phương pháp nghiên cứu, chỉ đúng sai, chứng minh, khẳng định chân lý. Với một phương pháp như vậy, cách học của SV cần phải gắn kết với thực tiễn, thông qua các hành động thực tiễn, với vai trò dẫn dắt của giảng viên.

Xu hướng chung của đổi mới phương pháp giáo dục đại học hiện nay là theo quan điểm lấy SV làm trung tâm. Thực chất của quan điểm này là hệ phương pháp dạy - học tích cực hay còn gọi là hệ phương pháp dạy - tự học, được xem như là một hệ thống phương pháp dạy học có thể đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của mục tiêu giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết

Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học” [21]. Hệ thống các phương pháp dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm là kết quả của sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, thực nghiệm ở nhà trường Việt Nam từ nhiều năm. Thầy và trò - cả hai chủ thể này đều chủ động, tích cực bằng hoạt động của mình hướng tới tri thức. Thầy giữ vai trò chủ đạo, tổ chức điều khiển hoạt động nhận thức của trò. Trò thì hoạt động tích cực chiếm lĩnh tri thức và biến nó thành vốn hiểu biết của mình để tiếp tục hoạt động nhận thức và hành động thực tiễn. Phương pháp lấy hoạt động của SV làm trung tâm là sự tổng hợp, tích hợp của nhiều phương pháp gần gũi nhau như: phương pháp tích cực, phương pháp hợp tác, phương pháp học bằng hành động, phương pháp tình huống, phương pháp nêu và giải quyết vấn đề... Phương pháp này có đặc trưng cơ bản: SV tự tìm hiểu kiến thức, tự thể hiện, tự kiểm tra, tự đánh giá, tự điều chỉnh hoạt động nhận thức của mình, hợp tác với bạn, học bạn; giảng viên tổ chức và hướng dẫn quá trình dạy - học. Vai trò đó thể hiện rõ ở yêu cầu của giáo dục GTVH tinh thần TTDT cần đặt SV vào hoàn cảnh, gần với thực tiễn hơn để SV tự tìm kiếm, tự thể hiện mình.

Tuy nhiên để dạy học theo phương pháp tích cực thì giảng viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp truyền thống. Cụ thể hơn, vai trò của giảng viên là dẫn dắt, định hướng, gợi mở cho SV tiếp cận với tri thức mới; kiểm tra, uốn nắn SV trong quá trình học tập và rèn luyện; tổ chức cho SV tham gia các hoạt động học tập dưới nhiều hình thức. Như vậy, giảng viên vẫn là người quyết định đến chất lượng dạy của mình và học tập của SV. Điều 15, Luật Giáo dục của nước ta cũng đã xác định vai trò của người thầy “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục” [58, tr.15]. Đúng như nhà giáo dục Nga K.Đ.Usinxki đã ví “Không có một sách giáo khoa, một lời khuyên răn nào, một hình phạt, một khen thưởng nào có thể thay thế ảnh hưởng của người thầy giáo đối với học sinh” [73, tr.63].

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 112 - 114)