Những hạn chế từ phía nhà trường

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 102)

Những hạn chế từ công tác quản trị đại học

Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, công tác quản trị đại học còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, chất lượng, hiệu quả đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chương trình đào tạo còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng làm việc. Không phải chịu trách nhiệm về điều kiện đào tạo kém, chất lượng đào tạo yếu, khả năng tìm việc làm và hòa nhập thị trường lao động thấp của SV. Cơ sở vật chất kĩ thuật còn thiếu và lạc hậu. Quản lí giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác, nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục, gây bức xúc xã hội. Hạn chế của công tác quản trị đại học như nêu trên, không những tác động không tốt đến công tác giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho sinh viên, mà vai trò chủ thể của nhà trường và kết quả giáo dục GTVH tinh thần TTDT với việc hình thành, phát triển NCSV bị hạn chế rất nhiều.

Những hạn chế từ giảng viên

Kết quả học tập của SV phụ thuộc rất nhiều ở giảng viên. Giảng viên giảng dạy các môn có tích hợp nội dung liên quan đến giáo dục GTVH tinh thần TTDT đương nhiên sẽ rất hạn chế cả về kiến thức và phương pháp, nhưng cũng chỉ là một khía cạnh của vấn đề lớn. Nhìn vấn đề rộng hơn chúng ta sẽ thấy những mặt tích cực và hạn chế của đội ngũ giảng viên cao đẳng, đại học trong cơ chế tác động đến NCSV liên quan trực tiếp đến quyền lợi và

nghĩa vụ học tập của SV hiện nay [xem kết quả khảo sát của đề tài, bảng 16: Vai trò giảng viên tác động đến nhân cách sinh viên]. Xét mặt hạn chế: Dưới áp lực của nền kinh tế thị trường, sự chi phối của yếu tố lợi ích đã dẫn đến việc hình thành nên quan niệm coi trọng năng lực hơn phẩm chất của một số giảng viên. Một bộ phận giảng viên có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không say mê với nghề, nói nhiều, không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho khách quan, coi nhẹ thái độ ứng xử với SV, có người còn đặt ra vấn đề về “vật chất”, không giữ đúng tư cách, khiến cho SV mất niềm tin. Những người thầy thiếu “nhân cách văn hóa” như vậy, soi chiếu trong con mắt SV sẽ trở nên vô cùng phản cảm trong giáo dục nói chung, giáo dục GTVH tinh thần TTDT, giáo dục NC cho SV nói riêng.

Củng cố thêm kết quả khảo sát, tác giả xin trích đánh giá trong Nghị quyết 29-NQ/TW (Trung ương 8 khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề cập đến vấn đề giảng viên “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp” [21].

Những hạn chế từ xây dựng môi trường văn hóa học đường

Môi trường văn hóa học đường là một khái niệm rộng, bao gồm cả môi trường thiên nhiên xanh, sạch, đẹp; văn hóa công vụ và ứng xử trong nhà trường: văn hóa dạy và học, ý thức của sinh viên với văn hóa học đường, vai trò của thầy cô giáo với văn hóa học đường…Qua khảo sát, cho thấy thực trạng môi trường văn hóa học đường còn có vấn đề.

Các hoạt động giáo dục truyền thống, giáo dục NCSV ở các trường cao đẳng, đại học hiện nay nhìn chung còn đơn điệu, thiếu chiều sâu, một phần cũng bởi còn thiếu một môi trường văn hóa học đường lành mạnh. Do nhiều nguyên nhân, một số trường vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí môi trường thiên nhiên “xanh, sạch, đẹp” và kết quả “xây dựng môi trường giáo dục tích cực, thân thiện, lành mạnh” còn nhiều hạn chế.

Trong văn hóa ứng xử, lối sống, một bộ phận SV còn thực dụng trong quan niệm đạo đức nhân cách, muốn thể hiện vai trò cá nhân và đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần, có lối sống thực dụng, thiếu trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm, văng tục, nói bậy trong giao tiếp, mắc tệ nạn xã hội. Khi thầy cô đang giảng bài, ngồi dưới lớp không tập trung, làm việc phản cảm, vi phạm giờ giấc học tập, nghỉ học, ra vào lớp tự do không xin phép.

Trong văn hóa ăn mặc còn phản cảm, phản văn hóa. Một số SV thích gì mặc nấy, coi đó là niềm vui của mình, dường như bất cứ một trang phục nào cũng được mặc lên lớp để thể hiện phong cách ăn mặc, cá tính của mình, thể hiện mình là người hiện đại. Cũng không khó để bắt gặp một nữ sinh ăn mặc quá mát mẻ: áo sơ mi sát nách, quần soóc, hay những chiếc áo được khoét cổ quá sâu, váy ngắn trên các giảng đường.

Thực trạng này phản ánh hạn chế, khuyết điểm cả phía nhà trường, thầy cô giáo và phía SV. Phía nhà trường là những hạn chế, khuyết điểm trong giáo dục truyền thống, giáo dục NCSV. Phía SV còn thiếu tố chất tự nhận thức và hành vi tự giáo dục truyền thống, giáo dục NC cho mình.

Những hạn chế từ cơ sở vật chất

Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giáo dục nói chung và giáo dục GTVH tinh thần TTDT là điều kiện để thầy dạy tốt và trò học tốt. Trong nền giáo dục hiện đại và hội nhập ngày nay thì dù nhà trường có đủ các yếu tố khác nhưng cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của xã hội, thời đại sẽ hạn chế nhiều đến chất lượng đào tạo.

Theo một báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo:

…hiện nay, diện tích đất cho 1 sinh viên cao đẳng, đại học trong các trường công lập còn quá thấp, khoảng 35,7 m2(trong khi tiêu chuẩn là 55 đến 85 m2đất/ 1 sinh viên). Diện tích sử dụng khu học tập trung bình trên 1 sinh viên cũng quá thấp (chỉ khoảng 3,6 m2, trong khi tiêu chuẩn thiết kế hiện hành là 6m2). Theo khảo sát, có 87,8% số trường cao đẳng, đại học công lập có thư viện truyền thống và

39,3% có thư viện điện tử; trong đó, chỉ có 38,9% thư viện truyền thống và 40,3% thư viện điện tử có áp dụng các tiêu chuẩn thư viện hiện có ở Việt Nam hoặc trên thế giới [6].

Những hạn chế từ mối quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội

Về lý thuyết, giáo dục gia đình tạo nền tảng cho giáo dục nhà trường. Giáo dục xã hội góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách toàn diện theo sự phát triển của xã hội. Giáo dục nhà trường có tác động mạnh nhất giúp cho SV hình thành năng lực ngăn ngừa, đấu tranh với những ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường hoặc di truyền bẩm sinh. Nhưng trên thực tế, qua khảo sát, nhiều ý kiến thầy cô và SV một số trường đại học cho rằng đây là mối quan hệ lỏng lẻo. Bằng trực giác của mình SV chỉ thấy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại xa rời với thực tiễn cuộc sống thị trường bon chen, vụ lợi, mặt tiêu cực nhiều hơn tích cực từ xã hội hàng ngày dội vào nhà trường. Nhà trường chỉ quản lý SV những giờ trên lớp, thời gian còn lại tự do. Hiện tượng “đi nói dối cha, về nói dối chú” có ở không ít SV khi là cầu nối nhà trường và gia đình. Thậm chí có những SV bỏ học nhiều tháng mà gia đình vẫn không biết. SV phạm tội ngoài xã hội nhà trường cũng chẳng hay. Khi xem mục tiêu giáo dục “dạy chữ, dạy người” ở các trường cao đẳng, đại học để đạt tới mô thức “con ngoan, trò giỏi, công dân tốt” đòi hỏi mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cần phải được thắt chặt hơn.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 102)