Truyền thống dân tộc

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 34 - 35)

Cho đến nay đã có nhiều quan niệm khác nhau về truyền thống. Từ điển tiếng việt, Hoàng Phê chủ biên nêu định nghĩa "Truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác” [54, tr.1053]. Trần Nguyên Việt thì nhìn nhận một cách tổng quát: “truyền thống là một bộ phận tương đối ổn định của ý thức xã hội, được lặp đi lặp lại trong suốt tiến trình hình thành và phát triển các nền văn hóa tinh thần và vật chất, là một giá trị với từng nhóm người, từng giai cấp, cộng đồng và xã hội nói chung” [76, tr.111]. Theo Trần Văn Giàu, “Truyền thống là những đức tính hay những thói tục kéo dài nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ lịch sử và hiện có nhiều tác dụng, tác dụng đó có thể tích cực, cũng có thể tiêu cực” [27, tr.10]. Cụ thể hơn, Nguyễn Trọng Chuẩn cắt nghĩa: “Truyền thống - đó là những yếu tố của di tồn văn hóa, xã hội thể hiện trong chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống và cách ứng xử của một cộng đồng người được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, được truyền từ đời này sang đời khác và được lưu giữ lâu dài” [12, tr.9]. Cần phân biệt rõ giữa truyền thống và giá trị truyền thống. Giá trị truyền thống chính là những yếu tố tốt đẹp, theo hướng tích cực, phù hợp với cuộc sống đương đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển cuộc sống. Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Nguyễn Trọng Chuẩn rằng: “Khi nói đến giá trị truyền thống thì hàm ý đã muốn nói tới những giá trị tương đối ổn định, tới những gì là tốt đẹp, tích cực, là tiêu biểu cho bản sắc dân tộc có khả năng truyền lại qua không gian, thời gian, những gì cần phải bảo vệ và phát triển” [13, tr.753]. Trong lúc đó, truyền thống có thể là tích cực, có thể là tiêu cực. C.Mác từng nói truyền thống (lạc hậu) là quả núi đè nặng lên đầu những người đang sống. Còn Hồ

Chí Minh thì coi đó là “kẻ địch to” để không nên đồng nhất truyền thống với giá trị truyền thống.

Mỗi dân tộc trên thế giới không phân biệt chủng tộc màu da, thể chế chính trị đều có những hệ thống GTVH tinh thần của riêng dân tộc mình. Đó chính là truyền thống theo nghĩa hài hòa của nó như là một sự hiện thân của trí tuệ. GTVH tinh thần TTDT là những giá trị tốt đẹp về phong tục, tập quán, ứng xử, những sáng tạo về văn học, nghệ thuật...theo hướng Chân-Thiện-Mỹ, được truyền từ đời này sang đời khác, do nhiều thế hệ tiếp nối. Nhất quyết những giá trị đó không phải là những thứ bất biến, trái lại, cùng với dòng chảy thời gian, nó luôn được bổ sung, bồi đắp thêm những giá trị mới và thích ứng với sự biến đổi của cuộc sống trong hoàn cảnh mới. .

Ở mức độ khái quát nhất chúng ta có thể hiểu: Truyền thống của một dân tộc là những giá trị tinh thần hình thành nên qua quá trình lịch sử dân tộc đó. Những giá trị này tồn tại trong nếp sống, nếp nghĩ của dân tộc, tồn tại trong nếp đạo đức, quan hệ của người và người, tồn tại trong các phong tục tập quán, trong các giá trị văn học nghệ thuật, tồn tại trong cả những cơ sở vật chất: kiến trúc, phong cảnh, các tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 34 - 35)