Nhân cách và một số khái niệm liên quan trực tiếp

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 41)

Nhân cách là cái của con người, chỉ có con người mới có nhân cách nhưng không vì thế mà chúng ta đồng nhất con người với nhân cách. Vì vậy để hiểu nhân cách chúng ta cần làm rõ một số khái niệm liên quan trực tiếp.

Khái niệm con người, triết học Mác khẳng định con người hiện thực là sự thống nhất giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội. Bản chất con người, một mặt bị qui định bởi môi trường và hoàn cảnh lịch sử mà con người tồn tại nhưng mặt khác chính con người cũng tạo ra hoàn cảnh cho phù hợp với mục đích, nhu cầu và lợi ích của bản thân con người. Theo C.Mác, “…Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [43, tr.11].

Các yếu tố sinh vật ở mỗi con người chỉ được tạo nên để hình thành nhân cách, hình thành phẩm chất xã hội đặc thù của nhân cách, còn nhân cách phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội, phản ánh mức độ cá thể hóa, tính độc đáo trong mỗi cá nhân con người. Vì vậy, nhân cách là sự thống nhất biện chứng giữa yếu tố xã hội và yếu tố sinh vật trong mỗi con người.

Nhân cách trước hết mang bản chất của con người nói chung nhưng không thể bao quát được toàn bộ bản chất con người vì bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội được cá thể hóa trong các cá nhân.

Cá nhânlà một khái niệm triết học dùng chỉ một con người, một thành viên của xã hội là sản phẩm của sự phát triển xã hội, là chủ thể của hoạt động, của những quan hệ xã hội và chủ thể của nhận thức trong một điều kiện lịch sử xã hội cụ thể. Trong xã hội có giai cấp, ngoài những đặc trưng riêng có của mình, mỗi cá nhân đều mang bản chất chung của loài người và bản chất của một giai cấp nhất định. Quá trình trở thành cá nhân thuộc về sự tự vận động của bản thân chủ thể, là quá trình con người tự xác lập nhân cách.

Khái niệm nhân cách, với luận điểm nổi tiếng: trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội, triết học Mác- Lênin đã xác lập nguyên tắc về tính chế ước xã hội đối với nhân cách cũng như quy luật biểu hiện cụ thể của tính chế ước này. Không dừng lại ở chỗ coi nhân cách chỉ là đặc trưng chức năng của con người, triết học Mác-Lênin còn đi sâu vào giải thích nhân cách trên bình diện bản chất của nó.

Theo đó,nhân cách như là một chỉnh thể cá nhân có tính lịch sử cụ thể tham gia vào hoạt động thực tiễn, đóng vai trò chủ thể nhận thức và cải tạo thế giới, chủ thể của quyền hạn và nghĩa vụ, của những chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ và mọi chuẩn mực xã hội khác. Nhân cách được hiểu một cách khái quát là “đức” và “tài”, năng lực thể chất và năng lực tinh thần; đó là sự thống nhất giữa mặt cá nhân và mặt xã hội ở trong mỗi con người cụ thể. Như vậy, Nhân cách là khái niệm chỉ bản sắc độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân, là nội dung và tính chất bên trong của mỗi cá nhân.

Nhân cách, bao giờ cũng là sự kết hợp, một sự thống nhất giữa “cái tự nhiên” và “cái xã hội”. Nhân cách vừa có tính ổn định tương đối vừa có tính động. Vậy cấu trúc nhân cách như thế nào? Theo A.G.spirkin, cấu trúc nhân cách bao gồm: “Tư chất di truyền sinh học, tác động của các nhân tố xã hội (môi trường, điều kiện, các chuẩn mực, sự điều chỉnh) và hạt nhân xã hội -

tâm lý của nó - “cái tôi”, trong đó “cái tôi” giữ vị trí hết sức quan trọng, nó tựa như là cái xã hội bên trong của nhân cách, là trung tâm tinh thần - ý nghĩa, điều chỉnh - dự báo tối cao của nhân cách” [62, tr.26-27]. Từ đó có thể hiểu cấu trúc nhân cách là sự thống nhất biện chứng giữa phẩm chất và năng lực – hay còn gọi là “đức” và “tài” trong mỗi người. Thực ra nhân cách là một chỉnh thể thống nhất của nhiều thuộc tính, phẩm chất, xu hướng, khả năng, phong thái, hành vi, trạng thái, tính chất…bên trong, riêng biệt của mỗi cá nhân, nó nói lên sự khác nhau giữa cá nhân này với cá nhân khác.

Nhân cách thường được nói đến với các đặc điểm cơ bản như sau:

Tính thống nhất của nhân cách: Nhân cách là một chỉnh thể thống nhất các thuộc tính, đặc điểm tâm lý, là sự thống nhất giữa phẩm chất và năng lực, giữa nhận thức, tình cảm và ý chí… là sự thống nhất của tất cả mọi nét khác nhau của nó. Đó không phải là phép cộng của các nét, các thuộc tính và đặc điểm tâm lý mà là sự tổng hòa các đặc điểm thuộc tính ấy. Do đó, khi giáo dục SV rèn luyện và hình thành nhân cách phải rèn luyện một cách đồng bộ, và khi giáo dục NCSV không giáo dục nhân cách theo “từng phần”.

Tính ổn định của nhân cách:Nhân cách là tổ hợp các thuộc tính tâm lý tương đối ổn định của cá nhân, tạo nên bộ mặt tâm lý ổn định của nhân cách. Vì vậy, chúng ta có thể phân biệt nhân cách này với nhân cách khác, có thể dự đoán được hành vi của nhân cách trong tình huống khác nhau. Do tính ổn định của nhân cách, khi đánh giá nhân cách, chỉ đánh giá những phẩm chất hoặc những nét tính cách khá ổn định của nhân cách.

Tính tích cực của nhân cách: Đây là một thuộc tính đặc trưng của nhân cách. Giá trị đích thực của nhân cách, chức năng xã hội và cốt cách làm người của cá nhân thể hiện rõ nét ở tính tích cực hoạt động của cá nhân. Trong cuộc sống, tính tích cực của nhân cách luôn luôn cần được phát huy. Đánh giá nhân cách SV là đánh giá tính tích cực trong quan hệ với mặt hạn chế cùng với sản phẩm tương thích của nhân cách.

Tính giao lưu của nhân cách: Nhân cách chỉ có thể tồn tại và thể hiện trong hoạt động và trong mối quan hệ giao lưu với những nhân cách khác. Nhu cầu giao lưu là nhu cầu rất đặc biệt của con người. Con người sinh ra và lớn lên luôn có nhu cầu giao lưu, giao tiếp với người khác và với xã hội. Thông qua quan hệ giao lưu với người khác, con người gia nhập các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội các chuẩn mực đạo đức và hệ thống giá trị xã hội.

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử thì con người sinh ra chưa có NC. NC được hình thành và phát triển trong quá trình sống, hoạt động, giao tiếp với môi trường tự nhiên, xã hội bên ngoài. Quá trình hình thành, NC con người chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố như sinh thể, môi trường, giáo dục, tự giáo dục, hoạt động và giao tiếp xã hội hay nói cách khác nhân cách mang tính động, nó là lượng được thay đổi dần chất theo thời gian.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 41)