Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, định hướng giá trị sống cho sinh viên

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 53 - 55)

Trong cuộc sống, con người nói chung, SV nói riêng đều cần đến một số những giá trị nhất định để tồn tại và phát triển và cũng phải biết sàng lọc để nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống, biết yêu thương và trân trọng những gì mình đang có. Nói như Kalil Gibran: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”. Phần lớn trong chúng ta thường chỉ lưu tâm đến những giá trị nổi bật như vật chất, tri thức, sự nghiệp và gia đình. Tuy nhiên, đời sống của con người không đơn thuần chỉ được tạo thành bởi các giá trị đó. Chúng ta còn cần thiết phải sở hữu nhiều giá trị khác nữa như sức khỏe, thời gian, kinh nghiệm sống, quan hệ xã hội,... Mỗi giá trị đều có vai trò quan trọng, góp phần nhất định vào việc hình thành giá trị sống và đó là biện chứng của cuộc sống của con người. Khi thấy được tính chất kết hợp của nhiều giá trị khác nhau chúng ta sẽ có được nhận thức toàn diện hơn, không bỏ lỡ cơ hội phát triển những giá trị khác mà ta thực sự đang cần đến.

Người Việt trọng đạo đức, biết yêu thương, đoàn kết và rất có ý thức cộng đồng; người Việt sống giản dị, khiêm tốn, trung thực, lạc quan trong cuộc sống… là những giá trị cao quý giúp định hướng giá trị sống cho SV.

Việc tu dưỡng và rèn luyện các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cho SV là một trong những nỗ lực tích cực để nâng cao giá trị đời sống cho bản thân SV cũng như cho cộng đồng xã hội. Trong mối tương quan với các giá trị tích cực khác, giá trị đạo đức luôn có vai trò thúc đẩy và định hướng. Ví dụ, một con người đạo đức không thể chạy theo những cách kiếm tiền vô đạo đức, cũng không thể phát triển những mối quan hệ xã hội không lành mạnh... Do đó, những giá trị mà người ấy đạt được trong cuộc sống phải luôn phù hợp với những tiêu chí, chuẩn mực đạo đức mà bản thân người ấy cũng như cộng đồng xã hội đã thừa nhận và theo đuổi.

SV cần nhận thức tình thương như một giá trị trong cuộc sống. Cho dù mỗi người đều sẵn có khả năng thương yêu, nhưng không phải tất cả chúng ta đều có cùng một khả năng thương yêu như nhau và điều đó cũng không phải tự nhiên có được. Đây là một giá trị tích lũy qua thời gian, nhờ có sự rèn luyện, tu dưỡng cũng như tác động từ môi trường sống. Nếu con người được sống trong một môi trường ngập tràn sự thương yêu và quan tâm của người khác, thì sẽ rất dễ phát triển khả năng thương yêu của chính mình.

SV cần hiểu ý thức cộng đồng có tính rộng, quan hệ xã hội của cá nhân có tính cụ thể với từng người đều mang một giá trị trong đời sống, vì nó thực sự đóng góp, làm thay đổi đời sống của mỗi người theo hướng dễ dàng hoặc khó khăn hơn. Với nhiều mối quan hệ rộng và tốt đẹp, ta có thể thực hiện công việc dễ dàng hơn. Vì thế, việc tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp cũng như mở rộng quan hệ xã hội là một cách sống tích cực có thể giúp SV tăng thêm giá trị cuộc sống. Hơn thế nữa, các mối quan hệ đồng cảm còn có giá trị chia sẻ tâm tình, giải tỏa căng thẳng tâm lý và thúc đẩy sự phát triển tinh thần, giúp SV sẽ có một khuynh hướng lạc quan hơn trong cuộc sống.

Kinh nghiệm sống là những giá trị rất riêng của mỗi con người, được tích lũy từ vốn sống, từ sự từng trải của bản thân người đó. Để tích lũy được vốn sống phải có lối sống cầu thị, trung thực, khiêm tốn, giản dị, lạc quan. Kinh nghiệm sống giúp khai thác và vận dụng tốt hơn những giá trị khác

trong đời sống, giúp điều chỉnh những sai lệch trong tri thức hoặc nhận thức và làm cho các giá trị khác trở nên thực sự hữu ích trong đời sống. Vì vậy, từ sự vận dụng các giá trị truyền thống và thời đại đã biết vào đời sống thực tế, SV mới dần dần hình thành và tích lũy được những giá trị sống của riêng mình. Những giá trị này, đến lượt nó lại trở thành những đóng góp tích cực vào giá trị chung cho cuộc sống của SV. Còn nhiều nữa những giá trị sống có thể đem lại cho ta nhiều cảm xúc rung động trước vẻ đẹp con người, những tấm lòng cao thượng, sức sống giữa đời thường, để rồi lắng lại trong lòng một ít và cứ vậy ta sẽ tin vào con người, tin vào cuộc sống tốt đẹp.

Giáo dục GTVH tinh thần TTDT nhằm nuôi dưỡng tâm hồn, định hướng giá trị sống cho sinh viên đòi hỏi một sự tâm huyết với thế hệ trẻ. Những người có phận sự cần tích cực sống và làm việc cùng thế hệ trẻ, mở rộng tấm lòng bao dung đón nhận, lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, tình cảm của lứa tuổi này. Và nhất là phải luôn tự tìm cách đổi mới chính mình nếu không rất dễ lạc lõng, xa cách, hạn chế kết quả.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 53 - 55)