Giáo dục đức tính cần cù sáng tạo, khiêm tốn, giản dị, trung thực

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 63 - 66)

Cần cù sáng tạo là phẩm chất quý báu của người Việt Nam. Truyện Thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa có ý nghĩa “Cần”, đó là truyện ngợi ca đức tính cần cù, lao động có kĩ thuật, có sáng tạo, biết vượt qua những trở ngại của cát lún, đất bùn, ao đầm…để lập xong kinh thành của nước Âu Lạc. Bánh chưng Bánh dày không phải chỉ là truyện trung hiếu, truyện triết lý Trời tròn Đất vuông, mà còn là truyện ngợi ca tinh thần lao động sáng tạo của người dân biết từ vật liệu có sẵn chế biến ra những món ăn mới ngon lành, đặc sắc mà không cầu kì v.v. Việt Nam là một dân tộc có truyền thống sáng tạo và sáng tạo vô song. Bởi vì, không sáng tạo thì làm sao sống cạnh nước lớn luôn luôn có ý thức đồng hoá và xâm lược. Không sáng tạo làm sao đánh thắng được giặc ngoại xâm hùng mạnh, giữ vững được nền độc lập, không sáng tạo thì làm sao giữ vững được bản sắc văn hoá dân tộc. Dân tộc Việt Nam ngàn năm đứng vững trước họa xâm lăng là một kỳ công. Hơn nữa, các khái niệm, phạm trù, ngôn ngữ trong văn hóa ngoại lai đã được các nhà văn hóa Việt Nam vận dụng, bổ sung, cấu trúc lại, đã được “Việt Nam hoá”. Và ngày nay, “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã- Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghiã tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử, giản dị trong lối sống” [16, tr.56].

Người Việt Nam thể hiện đức tính cần cù sáng tạo là ở sự chăm chỉ, cần mẫn, kiên nhẫn trong công việc, quyết tâm đạt được mục đích của mình. Cần

cù sáng tạo, vượt khó là một phẩm chất quý báu có thể giúp con người vượt qua khó khăn thử thách trên đường đời, biết đứng lên mỗi khi vấp ngã. Tuy nhiên, năng động, sáng tạo không phải là một tố chất bẩm sinh, nó được hình thành trên cơ sở của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự cần cù chịu khó trau dồi kiến thức, tích lũy vốn sống. Tinh thần cần cù năng động, sáng tạo và ý chí vươn lên trong cuộc sống có mối liên hệ mật thiết với nhau, cần cù năng động, sáng tạo giúp cho ý chí vươn lên trong cuộc sống trở thành hiện thực. Thành công thật sự hiếm khi đến với những nỗ lực ngắn hạn, mà đó là cả một quá trình dài kiên trì phấn đấu. Nếu như người Nhật thường được nhắc đến thái độ làm việc nghiêm túc, tính tiết kiệm và sự trung thành, người Mỹ với tầm nhìn, tính tự lập, đề cao quyền cá nhân thì với người Việt chúng ta cũng có thể tự hào về đức tính cần cù chăm chỉ, năng động sáng tạo của mình.

Có thể điểm những tấm gương sáng vượt qua hoàn cảnh, nỗi bất hạnh của mình và chiến thắng. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí, mặc dù bị liệt hai tay từ nhỏ, từ nghị lực và ý chí vượt khó vươn lên của bản thân, thầy đã viết lên trang huyền thoại cho chính cuộc đời mình và trở thành tấm gương của biết bao thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam. Từ suy nghĩ “cuộc sống luôn thử thách con người, con người sống phải có ý thức và nghị lực, phải vượt lên chính bản thân mình để làm điều có ích cho xã hội” đã giúp chàng trai Nguyễn Thiện Huy (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) 22 tuổi nhưng chỉ cao 1,2m quyết tâm vượt khó trở thành sinh viên đại học. Lê Minh Tâm sinh năm 1990 (Hòa Thành, Tây Ninh) là chàng trai khiếm thị bán vé số nuôi ước mơ và đã trở thành sinh viên khoa Ngữ văn, trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Cù Hữu Hoàng sinh năm 1992 (Cầu Giấy, Hà Nội) mắc chứng nhược cơ bẩm sinh, đôi chân không thể hoạt động được nữa. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, Hoàng đoạt danh hiệu thủ khoa khối A trường đại học FPT. Sau đó trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường đại học FPT được trao học bổng toàn phần Nguyễn Văn Đạo …Những năm qua phong trào SV nghèo vượt khó phát triển rộng khắp các trường cao đẳng, đại học là một

minh chứng về phẩm chất, nghị lực phi thường của thế hệ trẻ SV Việt Nam. Hàng trăm, hàng nghìn thủ khoa các kỳ thi cao đẳng, đại học là những tấm gương sáng cần cù thông minh vượt khó vươn lên.

Khiêm tốn theo quan niệm chung là tính nhã nhặn, biết sống một cách khiêm nhường, luôn hướng đến một kết quả cao hơn. Người vốn có đức tính khiêm tốn thường răn mình phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa và luôn nỗ lực vươn lên. Quan điểm biện chứng về lịch sử và vai trò của các Vĩ nhân đã chỉ ra rằng: “Quần chúng nhân dân là bộ phận có chung lợi ích căn bản, bao gồm những thành phần, những tầng lớp và những giai cấp, liên kết lại thành tập thể dưới sự lãnh đạo của một cá nhân, tổ chức hay đảng phái nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của một thời đại nhất định” [42, tr.97-103]. Như vậy bất cứ thành quả của một cá nhân dù xuất chúng đến mấy cũng là hệ quả xuất phát từ tiền đề chung, từ mọi người, cơ sở vật chất, tư tưởng tri thức của toàn xã hội, không phải của mình anh ta. Hồ Chí Minh đã từng dạy các cháu thiếu nhi “Học tập tốt/ Lao động tốt/ Khiêm tốn, Thật thà, Dũng cảm” và bản thân người chính là tấm gương sáng về phẩm chất đó.

Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Khi phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người” [47]. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ.

Giản dịlà gốc của cái đẹp, của hạnh phúc của con người. Giải thích từ ngữ thìGiản dị là chân chất, không phô trương về hình thức, không cầu kỳ về nội dung, là cốt cách bình dị, dễ gần, dễ mến lời nói đi đôi với việc làm. Theo

V.I.Lênin, biểu hiện của “Sống giản dị là không xa hoa lãng phí, không cầu kỳ, kiểu cách, không chạy theo những nhu cầu vật chất và hình thức bề ngoài”

[42]. Bác Hồ là mẫu mực về tấm gương sống giản dị “Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị” [3]. Như vậy có thể nói Giản dị phải xuất phát từ ý thức, nhận thức của con người về chính bản thân mình, xem xét các điều kiện hoàn cảnh xã hội xung quanh với con mắt khách quan, từ đó hình thành hành vi phù hợp với xã hội, bản thân tạo điều kiện để người khác dễ gần, dễ hiểu, thông cảm và noi theo.

Giáo dục đức tính cần cù sáng tạo, trung thực, khiêm tốn, giản dị là rất cần thiết cho quá trình hình thành, phát triển NCSV. Cần có phương pháp tư duy khoa học giáo dục phù hợp với một hiện thực khách quan về hình tượng lịch sử, thực tiễn minh chứng và là tấm gương để SV học tập, noi theo. Sinh viên ngày nay cần nhận thức được mọi thứ trong thế giới tự nhiên, đầy biến hóa này đều có mặt trái của nó. Trái ngược với đức tính cần cù sáng tạo, khiêm tốn, giản dị, trung thực trong cuộc sống là lối sống lười nhác, buông thả, giả dối, thích khoa trương, đua đòi, luôn muốn thể hiện mình trước đám đông. Vì vậy cần lên án, phê phán những con người như thế để họ kịp nhận ra giá trị của một lối sống đã đi vào truyền thống của dân tộc việt.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 63 - 66)