Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 80 - 82)

Điểm nổi bật của toàn cầu hóa là sự định hình kinh tế tri thức mà trọng tâm là bước ngoặt mới của sự phát triển khoa học công nghệ và vai trò của chúng trong đời sống. Tham gia vào quốc tế hóa, toàn cầu hóa là thực hiện hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu, do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người. Các cá nhân muốn tồn tại và phát triển phải có quan hệ và liên kết với nhau tạo thành cộng đồng. Nhiều cộng đồng liên kết với nhau tạo thành xã hội và các quốc gia - dân tộc. Các quốc gia lại liên kết với nhau tạo thành những thực thể quốc tế lớn hơn và hình thành hệ thống thế giới. Rõ ràng, hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế lớn và một đặc trưng quan trọng của thế giới hiện nay.

Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình hội nhập quốc tế và chủ động, tích cực tham gia vào toàn cầu hóa. Sự lựa chọn này đem lại cho nước ta nhiều lợi ích. Quá trình hội nhập giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại và các quan hệ kinh tế quốc tế khác, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội; từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực và nền khoa học công nghệ quốc gia; có cơ hội phát triển và tìm kiếm việc làm cả trong và ngoài nước; giúp bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc và thúc đẩy tiến bộ xã hội…

Tuy nhiên, hội nhập không chỉ đưa lại những lợi ích, trái lại, nó cũng đặt nước ta trước nhiều bất lợi và thách thức, trong đó đặc biệt là: Hội nhập làm gia tăng cạnh tranh, gia tăng sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường quốc tế;

hội nhập có thể làm gia tăng nguy cơ bản sắc dân tộc và văn hóa truyền thống bị xói mòn trước sự “xâm lăng” của văn hóa nước ngoài…

Một trong những tác động tích cực nổi bật nhất của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đối với SV, cùng với ý thức đề cao tính cá nhân là việc soi chiếu các giá trị đạo đức nhân cách dưới góc độ cá nhân, phẩm chất cá nhân. Nó tạo ra sự đồng nhất tương đối giữa quan niệm đạo đức, nhân cách và quy tắc ứng xử của một cộng đồng SV với những quan niệm đạo đức, nhân cách và ứng xử mang tính quốc tế. Với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại và việc mở rộng, đa dạng hóa giao lưu quốc tế, SV ngày nay đã hòa kịp vào dòng chảy mới trong quá trình hội nhập. Điều đó tạo ra sự xích lại gần nhau của các giá trị đạo đức, nhân cách, văn hóa, truyền thống trong một tinh thần cảm thông cởi mở. Các quan niệm đạo đức nhân cách của SV Việt Nam, bên cạnh những cái riêng của mình đã xuất hiện những cái chung hòa nhập cùng thế giới, mở ra những cơ hội giao lưu học hỏi. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, đặc biệt là sự xuất hiện của mạng Internet, thế giới dường như đã được thu nhỏ lại. Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng đã tạo cơ hội để các dân tộc có thể gần gũi, hiểu biết nhau hơn. Qua đó, SV có thể học tập tiếp thu những giá trị, tinh hoa của nhân loại để làm phong phú cho nền tri thức của mình cũng như của dân tộc mình. Hình ảnh thường bắt gặp của SV Việt Nam hôm nay là luôn gắn liền với laptop, điện thoại di động đa năng, máy nghe nhạc vv...Hầu hết SV được hỏi cho biết để theo kịp nhịp sống thời đại đòi hòi phải học tập, thực hành nhiều về kỹ năng sống. Thời gian biểu của SV mỗi ngày sao cho khoa học, bao nhiêu giờ dành cho học tập, bao nhiêu giờ dùng để kiểm tra thư, để viết những dòng trạng thái lên facebook hoặc chờ đợi để có lời bình trên tường của bạn bè, bao nhiêu thời gian dành cho công việc hữu ích khác trên Internet. Và lên giường ngủ vẫn mang theo điện thoại di động đa năng tiếp tục soạn tin nhắn, nghe nhạc, gửi email, xem tin tức, xem video, chơi game cho đến khi mệt nhoài không thể thức được nữa. Đặc trưng này đã phản ánh tác động mạnh mẽ của cách mạng

công nghệ thông tin, truyền thông và toàn cầu hóa, cũng là dấu hiệu điển hình của một kiểu “nhân cách văn hóa máy tính” của SV Việt Nam hôm nay.

Bên cạnh mặt tích cực, quá trình toàn cầu hoá cũng bộc lộ không ít hạn chế, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực đạo đức, nhân cách con người nói chung, SV nói riêng. “Sinh viên là một tầng lớp xã hội “đặc thù”, năng động, sáng tạo trong học tập, có ý chí vươn lên, thích tìm tòi cái mới và dễ thích nghi với cái mới v.v. nhưng do kinh nghiệm bản thân và vốn sống còn hạn chế, sự trải nghiệm chưa nhiều nên sinh viên cũng dễ bị ảnh hưởng từ mặt tiêu cực của kinh tế thị trường, từ những phức tạp của xu thế toàn cầu hoá” [71].

Tất cả đó chỉ cho chúng ta thấy rằng, công tác giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV Việt Nam hiện nay đang có những thuận lợi cơ bản song cũng không ít khó khăn, thách thức. Bên cạnh mặt tích cực thì sự “xâm lăng” văn hóa; tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai trái với thuần phong mỹ tục của môi trường văn hóa; tình trạng nhập khẩu, quảng bá hay tiếp thu dễ dãi thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài v.v. đã và đang tác động không tốt, trở thành một trong những lực cản đối với công tác giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 80 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)