Văn hóa tinh thần và giá trị văn hóa tinh thần

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 29)

2.1.1.1. Văn hóa

Kể từ khi văn hóa được nhìn nhận như một thuật ngữ khoa học vào thế kỷ 17 cho đến nay đã có hàng trăm khái niệm khác nhau. Qua các thời kỳ lịch sử, nội hàm khái niệm văn hoá từng bước được xác định và không ngừng bổ sung thêm các nội dung mới. Đến nay, văn hoá vẫn là một trong những khái niệm phức tạp và khó xác định. Các tác giả có quan điểm và góc tiếp cận khác nhau thường hiểu văn hoá theo những nội hàm khác nhau.

Một cách hiểu về văn hoá trong ngôn ngữ cổ Trung Hoa, coi “văn” là nói về cái vẻ bề ngoài (thiên văn, địa văn, nhân văn). Nhân văn là diện mạo, quần áo, ngôn ngữ của con người, con người có “văn” hay không có “văn”. Edward Tylor (1832 - 1917) - Nhà nhân chủng học người Anh cho rằng: Văn hóa là một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên của xã hội. Edouard Herriot nhà nghiên cứu văn học người Pháp (1872 - 1957): Văn hoá là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả. Vinđenban (1848 -

1915), nhà triết học duy tâm Đức cho rằng “chân lý, cái thiện và cái đẹp thể hiện với tư cách là giá trị, còn khoa học, pháp luật, nghệ thuật và đặc biệt tôn giáo được xem như là những giá trị thiện, mỹ của văn hóa mà thiếu chúng con người không thể tồn tại” [77, tr.223].

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác -Lênin, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình. Văn hóa là biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Như vậy, nói tới văn hoá là nói tới con người, tới việc phát huy những năng lực thuộc bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bàn đến văn hóa. Người quan niệm: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa.Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Như vậy, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, văn hóa là những sáng tạo và phát minh của con người, thuộc về con người và vì mục đích cuộc sống của chính con người.“Đề cương văn hóa Việt Nam” của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1943 đã trình bày những nội hàm chủ yếu của văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật (khoa học) nghệ thuật (văn học, nghệ thuật) [57]. Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội” [20, tr.255]. Đó cũng chính là hệ giá trị, là hòn đá tảng của văn hoá. Nền tảng tinh thần văn hoá Việt Nam là toàn bộ các giá trị do dân tộc Việt Nam sáng tạo ra đúc kết thành bản sắc văn hoá Việt Nam truyền từ đời này sang đời khác.

Tổ chức văn hóa giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) xem “Văn hóa được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”. Theo tác giả Phạm Quang Nghị:

Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát, sống động mọi mặt của cuộc sống (cá nhân và cộng đồng) diễn ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại; qua hàng bao thế kỷ nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị truyền thống, thẩm mỹ và lối sống dựa trên đó mà từng dân tộc khẳng định bản sắc của mình [51].

Theo Đại từ điển tiếng Việt “Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử” [80]. Trong tiếng Việt, văn hóa được dùng theo nghĩa thông dụng để chỉ học thức (trình độ văn hóa hay là học vấn), lối sống (nếp sống văn hóa); theo nghĩa chuyên biệt để chỉ trình độ văn minh của một giai đoạn (văn hóa Đông Sơn) [60].

Từ góc độ triết học văn hóa, tác giả Hồ Sĩ Quý quan niệm: “Toàn bộ thế giới khách quan trong quan hệ với con người, có thể (và nên) được nhìn nhận như là thế giới của các giá trị chứ không phải là thế giới các đồ vật” [59, tr.56]. Theo ông cơ sở của văn hóa chính là môi trường hình thành nên nó, nhất là môi trường tự nhiên. Trong những trường hợp như vậy, khái niệm môi trường xã hội và môi trường văn hóa xuất hiện. So với môi trường xã hội, khái niệm môi trường văn hóa thường được dùng với nghĩa kém xác định hơn, với ngoại diên là toàn bộ đời sống con người và nội hàm là mặt văn hóa.

Từ những luận giải trên chúng ta có thể hiểu văn hóa là một phạm trù rất rộng gồm những tri thức và kinh nghiệm mà con người đã tích luỹ được qua quá trình cải tạo thế giới, bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần hay còn gọi là văn hóa vật thể và phi vật thể (trong công trình này, NCS tiếp cận văn hóa theo cách phân chia truyền thống: Văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần). Nói cách khác, văn hóa là tất cả những giá trị vật chất và tinh

thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử, nó đặc trưng cho một cộng đồng xã hội và được cộng đồng đó bảo tồn, phát triển vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống của mình.Một đặc tính quan trọng của văn hóa là nó có thể thay đổi và phát triển cùng với sự thay đổi và phát triển của nền kinh tế xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 29)