Giáo dục tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 60 - 61)

Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng theo thời gian đã trở thành lẽ sống của mỗi con người Việt Nam, làm cho vận mệnh mỗi cá nhân gắn chặt vào vận mệnh của cộng đồng, vào sự sống còn và phát triển của dân tộc. Nó trở thành cơ sở của ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần dũng cảm hy sinh vì dân, vì nước của mỗi con người Việt Nam. Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam là tinh hoa đã được hun đúc và thử thách qua hàng nghìn năm lịch sử chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta. Nhờ đó, con người Việt Nam ý thức được mình thuộc về một quốc gia, dân tộc, ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước vận mệnh dân tộc, điều đó giúp cho dân tộc ta trở thành một khối thống nhất vững mạnh. “Tính cộng đồng trong phạm vi làng là cơ sở tạo nên tính đồng nhất trong hàng loạt lĩnh vực: đồng tộc, đồng niên, đồng nghiệp, đồng hương...và tất yếu dẫn đến sự đồng nhất trong phạm vi toàn quốc là đồng bào. Tinh thần đoàn kết toàn dân từ đó mà ra” [64, tr.203]. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tinh thần đoàn kết đã được thể hiện mãnh liệt qua lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Người còn nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.

Ý thức cộng đồng Việt Nam thể hiện qua sự đồng thuận về nhận thức, về tình yêu, về trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân đối với cộng đồng, với quê hương, đất nước. Đó là sự đồng thuận: trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, giữa lợi ích tập thể nhỏ - bộ phận với lợi ích toàn thể cộng đồng dân tộc; trong nỗ lực đương đầu với các thách thức, giải quyết các khó khăn; để xây dựng và gìn giữ tình cảm gắn kết cộng đồng, cùng tạo nên định hướng giá trị chung của dân tộc Việt Nam.

Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang diễn ra, tất yếu nảy sinh phân hoá giàu nghèo, mâu thuẫn lợi ích. Ý thức cộng đồng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta nhưng nó đang bị chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng bè phái, cục bộ tác động xấu đến một bộ phận nhân dân. Cần giáo dục cho SV nhận thức đúng đắn khái niệm và bản chất của đoàn kết, ý thức cộng đồng. Bản thân SV cũng bị chi phối bởi một hệ thống các lợi ích của SV trong mối quan hệ với lợi ích cộng đồng, dân tộc. Hàng tối các bạn lên Facebook cọ sát với chuyện gần, xa, lạ, cũ, xã hội phản chiếu tốt xấu lẫn lộn, rồi ngày mai trên giảng đường lại nghe thầy cô nói về những điều đạo lý như đặt ra cho các bạn phép toán phải tự giải. Đây chính là vấn đề của thời kinh tế thị trường, mở cửa, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc đối với công tác giáo dục đoàn kết dân tộc, ý thức cộng đồng cho SV Việt Nam hiện nay.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 60 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)