Lịch sử, truyền thống dân tộc ViệtNam

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 76 - 77)

Xét lịch sử truyền thống dân tộc Việt Nam là một nhân tố khách quan tác động đến giáo dục GTVH tinh thần TTDT bởi nguồn gốc của sự hình thành và phát triển các giá trị đó dựa trên cơ sở nền tảng của quá trình dựng nước, bảo vệ và phát triển đất nước. Con người Việt Nam hàng ngàn đời nay vừa thích nghi với hoàn cảnh lịch sử, vừa phải đương đầu với những thử thách từ thiên tai, địch họa. Nhưng chủ yếu là ở sự nỗ lực chủ quan của con người thông qua hoạt động thực tiễn mà rèn luyện, mà đúc kết nên những GTVH tinh thần TTDT, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Mặt khác, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử chiến thắng oanh liệt giặc ngoại xâm. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải chống nạn ngoại xâm nhiều lần và kéo dài như dân tộc Việt Nam. Các cuộc kháng chiến diễn ra trong tương quan lực lượng rất chênh lệch, dân tộc ta luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Do đó, con đường sống còn và chiến thắng là phải biết phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn dân tộc. Từ đó mà truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường bất khuất đã được phát huy cao độ. Trong lịch sử Việt Nam, mô hình nhân cách của anh hùng cứu nước, chống giặc ngoại xâm là mô hình mang

tính phổ biến và luôn được đề cao. Hình tượng các vị anh hùng dân tộc như: Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... đã in đậm trong nền văn hoá đạo đức, nhân cách Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc có vốn văn hoá riêng, tạo nên những vùng địa - tộc người rất phong phú, đa dạng. Nhưng do yêu cầu chống thiên tai, chống ngoại xâm và do sự giao lưu, hội nhập văn hoá, cả cộng đồng dân tộc Việt Nam vẫn có mẫu số chung của một nền văn hoá thống nhất trong tính đa dạng, một ý thức chung về vận mệnh cộng đồng. Dân tộc Việt Nam có một nền văn hoá lâu đời, mang bản sắc riêng, đầy sức sống và đã tiếp biến thành công khi đối đầu với cuộc xâm lăng văn hóa hàng thiên niên kỷ của Trung Quốc, hàng thế kỷ của phương Tây (Pháp, Mỹ) mà vẫn giữ được và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Những luận giải trên là cơ sở để nhận rõ vai trò to lớn của nhân tố lịch sử truyền thống đối với giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV Việt Nam hiện nay. Và như Bác Hồ đã dạy “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hãy lắng nghe và thấu hiểu thế hệ trẻ SV hôm nay: “Tôi tự hào vì Sơn Tinh thắng Thủy Tinh, vì ông Hạng đánh thần gió, vì Đam San đi bắt nữ thần Mặt Trời”. Tôi tự hào vì Sơn Nam viết Lịch sử khẩn hoang miền Nam chứ không phải như lịch sử tàn sát người da đỏ. Tôi tự hào vì cái “xấu xí” trong thơ Hoàng Cầm “Những cô hàng xén răng đen/Cười như mùa thu tỏa nắng”. Tôi tự hào vì Huỳnh Văn Nghệ viết: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Tôi tự hào vì người xưa đã viết: “Việt điểu sào nam chi, chim Việt bay về phương Bắc, không phải cành cây phía Nam thì không đậu, không phải nguồn nước chảy về Nam thì không uống”. Thế hệ SV hôm nay được sống trong hòa bình, có mức sống và điều kiện giáo dục tốt hơn cha anh. Nhìn vào lịch sử họ tự hào, biết ơn, thấy trách nhiệm và tự nhủ mình phải luôn cố gắng, đó cũng là lẽ tự nhiên.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 76 - 77)