Những mặt hạn chế từ phía sinh viên

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 105 - 107)

Từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống cũng như việc xây dựng hệ giá trị đạo đức nhân cách mới ở nước ta đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải được giải quyết. Bên cạnh đại đa số SV biết phát huy các GTVH tinh thần TTDT như lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, cố gắng học tập, rèn luyện vì ngày mai lập thân, lập nghiệp thì vẫn còn một bộ phận SV có biểu hiện an phận thủ thường hoặc chạy theo thị hiếu không lành mạnh, ngại khó, ngại khổ, lười lao động, lười học tập, mê tín dị đoan, sống thực dụng, ích kỷ, buông thả, sa đọa, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Báo cáo

chính trị đại hội IX Hội sinh viên Việt nam thẳng thắn chỉ rõ vấn đề “Một bộ phận sinh viên chưa xác định đúng mục tiêu, động cơ học tập, thiếu ý chí vươn lên, lệch lạc về lối sống, mắc phải tệ nạn xã hội, dễ bị lôi kéo vào những mục đích xấu, thậm chí vi phạm pháp luật. Thực trạng đó có trách nhiệm của Hội sinh viên các cấp” [35]. Không ít SV còn thiếu sự nỗ lực vươn lên trong học tập, chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, nhất là về đổi mới phương pháp học tập. “…có 64% sinh viên chưa tìm được phương pháp học tập phù hợp với đặc điểm nhận thức cá nhân, 36 % sinh viên bộc lộ phong cách thụ động, ngại nêu lên thắc mắc mà chỉ thụ động nghe giảng…” [7].

Khi được hỏi về đánh giá hành vi nhân cách của chính bản thân mình, đáng chú ý có tới 14% trong tổng số SV thẳng thắn trả lời nhân cách chưa tốt và 5% khó đánh giá về nhân cách của chính bản thân mình [Xem bảng 3. Bạn tự đánh giá nhân cách của mình thế nào?].

Nói NCSV còn có vấn đề, là bởi những hạn chế, yếu kém từ chính bản thân SV. Sinh viên và việc tự học, tự giáo dục nói chung, giáo dục GTVH tinh thần TTDT và rèn luyện nhân cách còn thiếu một “ý thức” cần thiết. Một du học sinh tâm sự trên trang fecebook cá nhân: “Tôi nghĩ về bản thân, về sự ích kỷ mà đã đến lúc tôi cần nhìn lại. Ngày ở Việt Nam, khi là một sinh viên tốt nghiệp ra trường, rồi đi làm, tôi chỉ sống cho bản thân mình. Hầu như tôi chưa làm đúng nghĩa vụ và quyền lợi công dân mà xã hội đã cho và tạo cơ hội”. Trao đổi về vấn đề này, Nguyễn Thị Thiên Kiều sinh viên năm thứ ba, đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp cho rằng: “Tất cả đều chưa quá muộn, là sinh viên chúng ta hãy tăng thêm “ý thức” cho hành trang bước vào đời. Từ những việc nhỏ hãy tự khép mình vào khuôn khổ như hãy vứt rác đúng nơi quy định, hãy nói những điều tốt đẹp thay vì văng tục, xa hơn nữa hãy quan tâm đến những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội đang hàng ngày diễn ra xung quanh chúng ta. Tôi tin rằng rồi sẽ có ngày chúng ta tự hào mà nói rằng “Tôi là người Việt Nam có ý thức” [Nguồn: Phỏng vấn trực tiếp].

Quá trình học tập không chỉ là quá trình hình thành tri thức lý luận, tri thức khoa học mà đồng thời còn là quá trình rèn luyện, bồi dưỡng những NC tốt đẹp trong mỗi con người SV. Đó là vấn đề “cần” nhưng chưa “đủ” trong một bộ phận không nhỏ sinh viên ngày nay.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 105 - 107)