Giáo dục lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 61)

Nhân áilà tình cảm đạo đức không phải của riêng một dân tộc nào. Tuy vậy, không phải mọi dân tộc đều có lòng nhân ái giống nhau. Bởi lẽ, tình cảm đó nảy sinh trên những cơ sở, điều kiện, môi trường xã hội và hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Người Việt Nam hay nói đến “tình sâu, nghĩa nặng”, vì nghĩa mà vợ chồng sống với nhau đến thuở đầu bạc, răng long. Cha mẹ lo cho con khi còn nhỏ, con cái có trách nhiệm lo cho cha mẹ khi già yếu. Anh em trong nhà xem nhau “anh thuận, em hoà là nhà có phúc”. Quan hệ làng xóm “tối lửa, tắt đèn có nhau”, rộng ra cộng đồng là tư tưởng “thương người như thể thương thân”. Nhân ái đã trở thành một giá trị cao đẹp của dân tộc ta. Hồ Chí

Minh là một biểu tượng tuyệt vời của lòng nhân ái, “Một ngày đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông mọi kiếp người”.

Trong những năm qua, tinh thần nhân ái tiếp tục được nhân dân ta kế thừa, phát huy và nâng lên một tầm cao mới. Các phong trào mang tính xã hội phát triển rộng khắp, có ý nghĩa sâu sắc như “uống nước nhớ nguồn”, “xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa”; “gây quỹ vì người nghèo”, “hiến máu nhân đạo”, “vòng tay nhân ái”, “nối vòng tay lớn”, …

Bao dung là sự chấp nhận và tôn trọng con người đa dạng về đủ mọi mặt, còn khoan dung là đức tính rộng lượng, dễ dàng thông cảm, chấp nhận và tha thứ. Người khoan dung cũng có thể không bao dung khi không tôn trọng những gì mà mình không đồng ý. Còn người bao dung thì luôn có tính khoan dung vì đã chấp nhận sự khác biệt của người khác, nên cũng dễ thông cảm và tha thứ. Sống bao dung là sống bằng tình yêu thương chia sẻ với những người xung quanh mình, giúp đỡ họ khi gặp khó khăn. Đừng bao giờ giữ mãi lòng thù hận cá nhân, hãy biết bao dung và rộng lượng với người khác. Khi biết tha thứ, tâm hồn ta sẽ thanh thản hơn rất nhiều. Nguyễn Trãi là người đã đạt đến đỉnh cao về tư tưởng nhân ái, khoan dung “Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Ngày nay, khoan dung là một vấn đề toàn cầu. Bởi vậy, vì hòa bình, hạnh phúc và tự do của con người, khoan dung trở thành một cam kết quốc tế. Theo UNESCO, khoan dung không chỉ là một lối hành xử có văn hóa giữa các cá nhân trong một cộng đồng, giữa cộng đồng này với cộng đồng khác mà còn nhấn mạnh sự tôn trọng, sự chấp nhận và sự thưởng thức những đa dạng, phong phú trong các nền văn hóa trên toàn thế giới.

Trọng nghĩa tình đạo lý: Theo quan niệm chung, đạo lý là cái lẽ hợp với khuôn phép, đạo đức ở đời. Khi nghiên cứu và đánh giá một nền văn hóa bên những giá trị khác, giá trị về đạo lý là yếu tố quan trọng để đánh giá về tầm vóc, bản lĩnh và văn minh của mỗi dân tộc. Nhưng xét về bình diện chung thì

có thể nói đạo lý ở các quốc gia khác nhau có nhiều nét tương đồng, đặc biệt trong thế kỷ 21 này do tính pha trộn, học hỏi và khoa học công nghệ tác động.

Bản thân SV cần hiểu, thấm nhuần và sống có lòng nhân ái, bao dung, trọng nghĩa tình đạo lý. Để giáo dục những phẩm chất đó, không chỉ đơn thuần là vấn đề lý thuyết mà còn rất cần một sự làm gương, tình thương, sự bao dung, độ lượng đối với SV, làm cho họ tự nhận ra, tự nảy sinh và phát triển những phẩm chất đó với người khác, với xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)