Phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của sinh viên trong giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 132)

trong giáo dục giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc

Nét đặc trưng cơ bản của giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay là chuyển từ đào tạo sang tự đào tạo, từ giáo dục sang tự giáo dục. SV phải đóng vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo ra những hoạt động trong đời sống của mình phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhu cầu bản thân và nhịp sống của thời đại. Qua đó mà SV ý thức được trách nhiệm đối với gia đình, nhà trường và xã hội, họ sẽ lớn lên và vượt qua mọi thách thức. Các phong trào của SV sẽ sống lâu bền và có hiệu quả khi chính họ là chủ thể tự quản trong các hoạt động của mình. Ở đây đặt ra yêu cầu đổi mới sâu sắc chức năng quản trị đại học. Cần rà soát lại những quy định, quy chế trong hệ thống giáo dục cao đẳng, đại học để tạo cho SV một năng lực tự giáo dục, tự thẩm thấu tri thức, tự rèn luyện mình và nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của họ đối với cuộc sống.

Các công trình nghiên cứu về SV đều đưa ra kết luận giống nhau: sự phát triển tri thức và nhân cách của SV hiện nay là rất không đồng đều và đặc điểm này mang tính phổ biến trong các trường cao đẳng, đại học Việt Nam. Trong lực lượng SV, cấu thành ba bộ phận chủ yếu thể hiện tính không đồng

đều. Bộ phận thứ nhất gồm những SV tiên tiến, có lý tưởng sống tốt đẹp, mong muốn khẳng định cá nhân, ý chí cống hiến cho lý tưởng đất nước và xã hội (35-40%). Bộ phận thứ hai gồm những SV bình thường là những SV ít ước mơ, hoài bão, có những nhu cầu thực tế gắn với đời sống cá nhân, không quan tâm nhiều đến những vấn đề lớn của xã hội, đất nước (40 - 45%). Bộ phận thứ ba gồm những SV chậm tiến có nhiều biểu hiện đáng lo ngại về nhân cách, thiếu ý chí vươn lên, không có hoài bão lý tưởng, có nhiều biểu hiện không lành mạnh trong lối sống (15-20%). Ba bộ phận này tác động lẫn nhau, dẫn tới những biểu hiện rất phức tạp trong sự biến động của nhân cách SV. Do đó, sự thành công của giáo dục nhân cách SV chính là phát huy, phát triển nhóm tiên tiến, thu hút và thuyết phục nhóm bình thường, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nhóm chậm tiến, tạo nên sự chuyển biến của nhóm này.

Quá trình giáo dục GTVH tinh thần TTDT nhằm tác động tích cực đến nhân cách SV cũng không phải ngoại lệ. Sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội chỉ có tác dụng và ý nghĩa khi thế hệ trẻ SV nhận thức được sự cần thiết và tự giác tiếp thu những GTVH tinh thần TTDT, làm cho nó trở thành những nguyên tắc, chuẩn mực phẩm giá nhân cách chi phối suy nghĩ, hành động của chính họ. Vì vậy, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của SV trong giáo dục GTVH tinh thần TTDT góp phần hình thành phát triển nhân cách SV Việt Nam - truyền thống và hiện đại.

Thứ nhất, nâng cao ý thức tự giác học tập và rèn luyện nhằm biến những tri thức về giá trị văn hóa tinh thần truyền thống dân tộc thành tố chất cấu thành nhân cách sinh viên

Giáo dục GTVH tinh thần TTDT trong tình hình hiện nay cần nhấn mạnh các giá trị cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách SV. Các giá trị cơ bản đó là: Chủ nghĩa yêu nước, tự cường dân tộc; tinh thần dũng cảm, bất khuất; ý thức cố kết cộng đồng; lòng nhân ái bao dung v.v. Thế hệ SV hôm nay cần được giáo dục để có hoài bão lý tưởng, năng lực trí tuệ, vẻ đẹp nhân cách, bản lĩnh văn hóa cùng với phẩm chất cầu thị, tự giác trau dồi, rèn luyện

vươn lên. Như lời Bác Hồ dạy để có những con người vừa hồng vừa chuyên “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, lao động và sản xuất” [48, tr 647]. Để các GTVH tinh thần TTDT góp phần tích cực vào việc hình thành và phát triển nhân NCSV thì bản thân SV cần phải thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể sau:

Một là, tự giác trong học tập GTVH tinh thần TTDT

Tự giác chính là tố chất đặc biệt của con người. Để có được tố chất đó người SV phải xác định đúng đắn động cơ học tập, phải biến động cơ đó thành tình cảm, niềm tin, ý chí khát khao chiến thắng và nghị lực vươn lên. Từ đó, phát huy cao độ tính tự chủ, tự giác, độc lập, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để học tập đạt kết quả cao. SV, nếu không có ước mơ, không có khát vọng chinh phục và hoài bão làm được những điều cao hơn thực tiễn sẽ là sự thất vọng lớn. Giá trị nhân cách trong tự học của SV chính là biết nuôi dưỡng năng lực trí tuệ của mình. Năng lực trí tuệ được thể hiện trong sự tiếp nhận nhanh chóng những tri thức mới và tự phát triển tiềm năng của mỗi SV để từng bước khẳng định mình trong học tập và nghiên cứu khoa học. Năng lực trí tuệ là sự chuyển hóa hết sức sâu sắc quá trình được giáo dục, được đào tạo thành quá trình tự giáo dục và tự đào tạo, bước đầu thực hành lao động trí tuệ theo nghề nghiệp được đào tạo. Năng lực trí tuệ còn là sự chuẩn bị nhiều mặt để bước vào hoạt động nghề nghiệp sau này, và cao hơn nữa, ở một số SV tài năng đã bắt đầu có những sản phẩm trí tuệ trên lĩnh vực được đào tạo. Một tác phong, lề lối làm việc được tổ chức một cách khoa học theo yêu cầu của xã hội công nghiệp cũng là một dấu hiệu rõ rệt của năng lực trí tuệ SV.

GTVH tinh thần TTDT là một kho tri thức khổng lồ của dân tộc, kết tinh của nền văn hiến hàng ngàn năm. GTVH tinh thần TTDT kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại sẽ tạo nên giá trị truyền thống mới, nhân cách mới, sức mạnh mới cho dân tộc Việt. SV nhận thức rõ điều đó sẽ biết trân trọng, giữ gìn và phát triển trên một tầm trí tuệ cao hơn.

Hai là, tự giác rèn luyện nhân cách theo những chuẩn mực GTVH tinh thần TTDT và những giá trị thời đại

Quá trình tự học, tự rèn luyện của SV chỉ thực sự đạt hiệu quả khi SV biết lấy lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành. Đó là quá trình SV biết tiếp nhận, nuôi dưỡng những GTVH tinh thần TTDT đồng thời biết tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại để chuyển hóa dần thành phẩm chất nhân cách của bản thân. Thời SV là thời kỳ đẹp nhất của tuổi trẻ, nếu được chăm sóc, giáo dục tốt sẽ tỏa sáng và trở thành những dấu ấn không thể nào quên trong đời người. Bản thân SV ý thức được điều này để không bi quan trước những biểu hiện tiêu cực mà xã hội chứng kiến với nhiều lo âu. Cuộc sống của SV đang bị tác động của môi trường xã hội ngày càng đa chiều, phức tạp, trong đó, sự phát triển của nhu cầu cá nhân là không thể phủ nhận. Sự phát triển này sẽ trở nên phong phú, đa dạng trong đời sống SV nếu nó được tôn trọng, định hướng và điều chỉnh. Trong SV phải là sự tự đấu tranh, tự khảng định giữa cái tốt và xấu, cái thiện và ác, cái đúng và sai về lối sống và đạo đức nhân cách.

Quá trình tự rèn luyện của SV cũng chính là quá trình rèn luyện và xây dựng lên bản lĩnh văn hóa. Khi nói đến xây dựng bản lĩnh văn hóa cho SV cần phải quan niệm rõ hướng giáo dục phải là vươn tới sự thống nhất trong nhân cách giữa những GTVH tinh thần TTDT với những giá trị của văn hóa thời đại. Không nên mặc cảm cho rằng, SV nghiêng về văn hóa thời đại là đồng nghĩa với sự phủ định văn hóa dân tộc. Mặc dầu vậy, trong sự hội nhập khẩn trương, sôi động và quyết liệt hiện nay, trong khi giáo dục đang tiếp cận và tiếp thu hối hả những thành tựu của giáo dục quốc tế, trong khi đang xuất hiện các trường đại học quốc tế, dạy và học bằng tiếng nước ngoài ở Việt Nam thì một điều không thể lẩn tránh đối với giáo dục đại học của chúng ta là một cuộc cạnh tranh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt. Trước thách thức này, đòi hỏi chúng ta phải đào tạo bằng được những thế hệ SV Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất khả năng, tiềm năng sáng tạo của mình, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Bằng

nhiều con đường khác nhau, bằng nhiều giải pháp khác nhau, phải giúp SV biết tiếp nhận, nuôi dưỡng những GTVH tinh thần TTDT đồng thời với biết tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại để chuyển hóa dần thành phẩm chất nhân cách SV truyền thống và hiện đại.

Thứ hai, xây dựng tập thể lớp trong sạch vững mạnh, tạo môi trường

văn hóa thuận lợi cho sinh viên phát triển và hoàn thiện nhân cách.

Tổ chức lớp học là hình thức tổ chức hoạt động tự quản của SV tuân thủ theo nội quy, quy chế của nhà trường. Thực chất của hoạt động tự quản là nhằm phát huy tính tích cực, chủ động trong tự học, tự giáo dục của SV. Truyền thống hiếu học của dân tộc ta sẽ được khơi dậy trong nhận thức và hành vi của SV nỗ lực vươn lên trong một môi trường giáo dục tích cực.

Tôi nghĩ rằng trừ khi bạn có một ý chí sắt đá, dù có được cung cấp tất cả mọi tài liệu trên đời, dù dược theo dõi miễn phí các bài giảng, ở nhà một mình bạn vẫn không thể học được. Bởi vì ngồi theo dõi bài giảng trên mạng một mình không phải là một cuộc chơi thú vị: không có địch thủ, không có đồng đội, không có lộ trình, không thấy mục tiêu, không thấy giải thưởng. Học một mình, bạn có thể tập trung cao độ trong một hai ngày cho đến một tuần. Nhưng bạn cần có tập thể, có lớp học, có thầy giáo để duy trì nỗ lực học tập lâu dài [9].

Tự quản lớp học giúp cho việc thực hành và trao đổi giữa các SV trở nên dễ dàng, giúp mỗi SV tạo dựng được các mỗi quan hệ hữu ích cho cuộc sống “học thầy không tày học bạn” và làm nổi lên được sự quan trọng của việc tổ chức tự quản trong học tập. Học tập là một hoạt động tập thể và có tổ chức, thiếu một tập thể có tổ chức, con người nói chung sẽ khó có khả năng duy trì nỗ lực của mình trong một thời gian dài. Thiếu tranh biện con người dễ chủ quan, có lúc bế tắc. Bản tính con người là hiếu thắng, cái cần thiết để tạo ra sự sôi động trong tranh luận, nhưng cũng là cái làm hỏng cuộc tranh luận, biến nó thành chiến trường để người này đè bẹp người kia. Vì vậy trong mọi cuộc chơi tập thể cần có một luật chơi lành mạnh để cho sự cạnh tranh chỉ tạo

ra nỗ lực để mỗi người vượt lên chính mình, chứ không phải là cái cớ để thỏa mãn bản năng hiếu thắng. Và cuộc chơi cần một người trọng tài, nắm vững luật lệ và có thẩm quyền điều khiển cuộc chơi. Ngoài ra, chính những ràng buộc của luật chơi bắt người chơi phải vươn tới sự sáng tạo thực sự [9].

Môi trường tập thể lớp học còn giúp SV rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kĩ năng hợp tác, kĩ năng tổ chức quản lí, kĩ năng giải quyết vấn đề, có trách nhiệm cao, tinh thần đồng đội, khuyến khích tinh thần học hỏi lẫn nhau, nhờ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu hiện nay của xã hội về nguồn nhân lực. Và chính trong môi trường sinh hoạt tập thể nhóm, lớp học, chi đoàn, chi hội SV mà ý thức tập thể, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, tính trung thực và những phẩm chất cá nhân của người SV được bộc lộ và phát triển. Vì vậy, xây dựng tập thể lớp trong sạch vững mạnh, có nếp sống văn hóa sẽ tạo nên môi trường thuận lợi cho SV phát triển và hoàn thiện nhân cách. Do hạn chế của nền giáo dục phổ thông ở nước ta, nhiều SV bước vào môi trường giáo dục cao đẳng, đại học còn tỏ ra khá rụt rè, thụ động, thờ ơ với sinh hoạt tập thể nhóm, lớp học, chi đoàn, chi hội SV. Do vậy, ngay từ tiết học đầu tiên của học phần, nhiệm vụ của giảng viên cần động viên, khuyến khích SV tự tin hòa mình vào tập thể và mạnh dạn thể hiện mình.

Trong hoạt động tự quản lớp học, vai trò ban cán sự lớp là vô cùng quan trọng. Phong trào học tập và các hoạt động của lớp có sức cuốn hút mạnh mẽ tới mỗi cá thể SV. Mà phong trào lại được tạo dựng bởi chính ban cán sự lớp và người giữ vai trò linh hồn là lớp trưởng. “Cán bộ nào phong trào đó”, nếu cán bộ lớp, nhất là lớp trưởng vừa học tốt, vừa gương mẫu lại có năng lực, biết quy tụ, gắn bó với lớp sẽ giúp cho SV trong lớp cảm thấy hứng thú với việc học tập, với sinh hoạt tập thể lớp hơn. Trái lại, nếu cán bộ lớp thiếu các tố chất trên sẽ làm cho kết quả mọi mặt của lớp hạn chế.

Với quan điểm lấy hoạt động của SV làm trung tâm thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm như một cố vấn công tác tổ chức tự quản lớp học, sự can thiệp nên có danh giới và thể hiện dân chủ trong khi làm việc với lớp.

Để phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của SV trong giáo dục GTVH tinh thần TTDT trước hết phải nâng cao ý thức tự giác học tập và rèn luyện nhân cách của SV theo những chuẩn mực GTVH tinh thần TTDT và những giá trị thời đại. Đồng thời phải xây dựng tập thể lớp trong sạch vững mạnh, có nếp sống văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho SV rèn luyện trưởng thành và từng bước hoàn thiện nhân cách.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 132)