Có thể nói môi trường kinh tế xã hội là một nhân tố khách quan rất quan trọng tác động, chi phối đến quá trình giáo dục GTVH tinh thần TTDT
cho SV Việt Nam hiện nay. Trong lời tựa của tác phẩm “Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị”, C.Mác viết: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, chính sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ” [44, tr15]. Luận điểm này chính là chìa khóa để khám phá tất cả các hiện tượng xã hội trong đó có NC. Với tư cách là sự phản ánh tồn tại xã hội, đạo đức, NC con người chính là sản phẩm của những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, của cơ sở kinh tế. Theo đó, NC con người chủ thể của hành vi đạo đức sinh ra trước hết là từ nhu cầu phối hợp hành động trong lao động sản xuất vật chất, trong đấu tranh xã hội, trong phân phối sản phẩm để con người tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển của sản xuất, các quan hệ xã hội, quan hệ NC ngày càng phát triển, ngày càng nâng cao, phong phú, đa dạng và phức tạp.
Môi trường kinh tế: Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở nước ta, một mặt tạo cơ chế kích thích sự phát triển kinh tế, nâng cao tổng lợi ích xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển con người về mọi mặt. Con người tham gia vào hoạt động kinh tế thị trường về nhân cách được độc lập, tự do cạnh tranh, giữ chữ tín trong trao đổi và quan tâm phát triển lợi ích chung của xã hội. Xét mặt trái kinh tế thị trường sẽ thấy tác động ghê gớm của nó đến con người. Vì động cơ lợi ích cá nhân mà con người có thể dám làm mọi chuyện trái luân thường đạo lý, trái pháp luật như kinh doanh lừa đảo, làm hàng giả, tham nhũng, hối lộ, thương mại hoá các giá trị đạo đức, nhân cách và đời sống tinh thần, mắc vào các tệ nạn xã hội…
Kinh tế thị trường đã làm sống động nền kinh tế đất nước, tác động trực tiếp đến đời sống SV, đến sự hình thành và phát triển nhân cách SV theo hai hướng tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực, là tạo ra môi trường tốt để phát huy tài năng, tính sáng tạo của mỗi SV, qua đó, năng lực toàn diện của SV được thử thách, bộc lộ và phát triển. SV biết quan tâm lợi ích cá nhân cũng là quá trình phải quan tâm đến lợi ích của những người xung quanh và lợi
ích của toàn xã hội. Nhiều SV đã trưởng thành và phát huy mọi khả năng của mình để góp một phần sức lực trong dựng xây đất nước. Cũng không ít SV nghèo đã biết vượt qua khó khăn của chính mình để học tập tốt. Bên cạnh ảnh hưởng tích cực thì mặt trái của kinh tế thị trường là tình trạng tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân ngày càng phát triển đã tác động không nhỏ đến đạo đức lối sống, nhân cách của một bộ phận SV. Hạn chế của SV thường nhận thấy là vốn sống còn ít, thiếu sự từng trải nên cách nhìn nhận vấn đề, giải quyết sự việc, lựa chọn giá trị ở họ thường mang tính chủ quan, phiến diện lại chịu ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thị trường nên dễ lệch lạc gây nên sự biến đổi nhân cách, phai nhạt những GTVH tinh thần TTDT tốt đẹp của dân tộc ta.
Môi trường xã hội: Trong thời đại hội nhập, với xu hướng bùng nổ thông tin, có sự giao thoa ngày càng sâu rộng của các trào lưu văn hóa nên mối quan tâm và hứng thú của SV bị phân tán nhiều hơn chứ không chỉ tập trung vào hoạt động học tập trong môi trường đại học. Đây là hiện tượng phản ánh xu hướng tất yếu khách quan không thể đi ngược lại. Nói chính xác hơn nhà trường không phải là “ốc đảo” biệt lập với xã hội. Và, trung bình mỗi ngày SV không quá 8 giờ trên giảng đường, thời gian còn lại sống ở ngoài cổng trường. Vì vậy, môi trường xã hội chính là một nhân tố khách quan thường xuyên tác động đến nhà trường, đến SV và đến giáo dục GTVH tinh thần TTDT cho SV. Dù muốn hay không thì các kênh thông tin, các môi trường tương tác và các sự kiện từ môi trường xã hội bên ngoài cổng trường đại học vẫn thường xuyên dội vào nhà trường. Và như vậy, dù tính chất của các tác động đó theo chiều hướng nào đi chăng nữa (tích cực hay tiêu cực) thì vẫn được xem như là tác nhân kích thích giúp SV “gạn đục khơi trong” về nội dung tiếp nhận; hình thành thái độ và bản lĩnh vững vàng trước cuộc sống; nâng cao tính tích cực học tập; phát huy khả năng tìm tòi, nhìn nhận các xu hướng văn hóa và tình hình xã hội; rèn luyện năng lực phán xét các giá trị…
Từ cách tiếp cận như trên, cần coi môi trường giáo dục đại học như là lăng kính khúc xạ và thẩm thấu các tác động từ môi trường văn hóa xã hội đồng thời cũng chính là môi trường văn hóa xã hội thu nhỏ đối với SV trong quá trình học tập. Do đó, tăng cường giáo dục GTVH tinh thần TTDT có tác dụng đáng kể đến việc phát huy tính tích cực học tập và rèn luyện của sinh viên, đến quá trình hình thành, phát triển NCSV.