Giáo dục truyền thống hiếu học

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 66 - 68)

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống hiếu học, người Việt Nam lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người. Trong suốt ngàn năm dựng nước và giữ nước, qua mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hiếu học là một truyền thống, là nguồn sức mạnh tinh thần luôn được đề cao. Truyền thống ngàn đời trong thế ứng xử của người Việt được cô lại và đúc kết bằng bốn chữ: “Tôn sư trọng đạo”. Nhưng nếu Nho giáo coi hiếu học và cầu thị là hai phẩm chất quan trọng của một người trí thức thì quan niệm của dân gian lại là học ăn, học nói, học gói, học mở. Nhà văn hóa Nguyễn Trãi đã chỉ

ra rằng, sự học là nguồn cội của tất thẩy những thành công dù đó là nghề gì, dù người ấy là ai, “nên thợ, nên thầy vì có học, có ăn có mặc bởi hay làm”.

Biểu hiện trước hết của truyền thống hiếu học là tinh thần ham học hỏi, thích hiểu biết một cách tự nguyện và bền vững... Người hiếu học là người có nhu cầu học tập suốt đời. Bởi sự học như chiếc thang không nấc chót và cũng như người đi trên con thuyền ngược dòng, chỉ có tiến lên phía trước mà không được phép dừng lại vì dừng lại đồng nghĩa với tụt hậu. Biểu hiện thứ hai của truyền thống hiếu học là thái độ luôn coi trọng sự học, coi trọng người có học.

Như thế đủ thấy ý nghĩa của việc hiếu học và tầm quan trọng của hành vi ham học đối với việc thành đạt của một con người. Nếu yêu nước là truyền thống ra đời và phát triển mạnh mẽ và thể hiện rõ nhất khi Tổ quốc lâm nguy, thì hiếu học là phẩm chất gắn với sự phát triển của đất nước trong những năm tháng hòa bình. Trong thế giới “phẳng” hiện nay, muốn đồng hành cùng nhân loại, dân tộc Việt Nam không thể không phát huy truyền thống hiếu học. Để trở thành công dân quốc tế mỗi người Việt Nam không thể không ham học. Bởi sự học chính là cái gốc, là căn cốt, là kế sâu rễ bền gốc, là quốc sách để quốc gia phát triển bền vững, là con đường để mỗi gia đình hạnh phúc, ấm no. Đối với mỗi con người có kiến thức tức là có nội lực. Nội lực chính là thực lực để con người tự trọng và tự tin cạnh tranh một cách lành mạnh, không cần phải chiêu trò, dối trá, khuất tất. Tài năng của mỗi cá nhân được tỏa sáng, có cơ hội để họ thỏa ước mơ của mình. Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Truyền thống hiếu học của dân tộc cần được kế tục và phát huy bởi thế hệ trẻ nói chung và của SV nói riêng. Hiếu học thể hiện thái độ của người học đối với việc học, sự học. Đó là trách nhiệm, là tự nguyện, biểu hiện đạo lý làm người. Cuộc đời là sự học không ngừng, học ở trường, học ở lớp, học ở nhân dân, ở xã hội, từ Internet, học ở bạn bè “học thầy không tày học bạn” là vậy. Học phải có phương pháp, phải kiên trì, sáng tạo, khắc phục hoàn cảnh khó khăn để học tập tiến bộ và có động cơ học tập đúng đắn. Chỉ có say mê trong sự học, không bị đòi hỏi mà vẫn học, dốc lòng dốc sức theo đuổi tiến bộ

thì khát vọng thành công mới trở thành sự thật. Lênin dạy rằng: Học - Học nữa - Học mãi!. Đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức hôm nay, thì việc rèn luyện kỹ năng học một cách chuyên nghiệp càng là một điều vô cùng cần thiết. Như vậyHiếu học là bản sắc văn hoá, là những giá trị của tinh hoa Việt cần được gìn giữ và phát huy trong xã hội học tập hiện nay.

Đối với giáo dục truyền thống hiếu học, bên cạnh việc tuyên truyền tinh thần ham học, đề cao sự học tập, cần có thái độ phê phán những hiện tượng phản văn hóa, những hành vi quá đề cao vật chất, chỉ thích hưởng thụ ngay trước mắt. Phải để cho SV nhận thấy được cái chân lý ngàn đời: Muốn trở thành người tử tế phải rèn luyện và chịu khó lao động, chăm chỉ học hành. Bởi, những cái gì dễ dãi, chẳng bao giờ bền lâu.

Một phần của tài liệu Giáo dục giá trị văn hoá tinh thần truyền thống dân tộc với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay (Trang 66 - 68)