ĐÃI NGỘ NHÂN LỰC 7.1 ĐÃI NGỘ NHÂN LỰC
7.3.1.3. Yêu cầu đối với chính sách đãi ngộ nhân lực
Trong nền kinh tế thị trường, dù thực hiện bất kỳ hình thức đãi ngộ nào, muốn phát huy đầy đủ tác dụng đòn bẩy kinh tế của đãi ngộ với sản xuất và đời sống, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp phải được xác định nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản bao gồm:
- Công bằng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Yêu cầu này phải thể hiện ở mọi khía cạnh của chính sách và là tư tưởng, triết lý xuyên suốt toàn bộ chính sách. Nguyên tắc này bắt nguồn từ nguyên tắc phân phối theo lao động : Trả lương bằng nhau cho lao động như nhau. Có nghĩa là khi quy định tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, nhất thiết doanh nghiệp không được phân biệt giới tính tuổi tác, dân tộc mà phải trả cho mọi người tương xứng với số lượng, chất lượng mà họ cống hiến cho doanh nghiệp.
Để duy trì nhân viên giỏi ngoài mức lương, thưởng cao còn phải thực hiện công bằng trong nội bộ doanh nghiệp. Trong các trường hợp trả lương, thưởng không công bằng, người lao động sẽ cảm thấy khó chịu, bị ức chế, chán nản và dễ rời bỏ doanh nghiệp.
- Công khai: Chính sách phải được công bố công khai và được giải thích để mọi người đều hiểu rõ.
- Kịp thời: cần sửa đổi và đưa ra các chính sách đãi ngộ nhân lực thay thế cho phù hợp và đúng lúc.
- Có lý, có tình: Chính sách đãi ngộ ngoài tính hợp lý về mặt kinh tế còn cần có tính nhân bản, vì con người và cho con người.
- Rõ ràng và dễ hiểu: chính sách đãi ngộ cần được mọi thành viên thông hiểu, không nên đưa ra hệ thống chính sách đãi ngộ chi li, phức tạp, dễ dẫn đến hiểu nhầm hoặc bị xuyên tạc.