ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC
5.1. KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC 1 Khái niệm đào tạo và phát triển nhân lực
5.1.1. Khái niệm đào tạo và phát triển nhân lực
Thực tế cho thấy, tuy đào tạo là một khái niệm khá đơn giản nhưng người ta vẫn hiểu sai lệch các khía cạnh của đào tạo. Một số cá nhân còn nhầm lẫn giữa hoạt động đào tạo và không đào tạo. Những lợi ích mà đào tạo đem lại cho doanh nghiệp không được nhìn nhận đúng mức.
Đào tạo và phát triển là một phần trong quá trình đổi mới của mỗi doanh nghiệp, tổ chức.
Đào tạo và phát triển nhân lực là quá trình cung cấp các kiến thức, hoàn thiện các kỹ năng, rèn luyện các phẩm chất nghề nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu trong quá trình thực hiện công việc của họ ở cả hiện tại và tương lai.
Hiểu theo cách khác: “Đào tạo là những cố gắng của tổ chức được đưa ra nhằm thay đổi hành vi và thái độ của nhân viên để đáp ứng các yêu cầu về hiệu quả của công việc”
“Phát triển là quá trình chuẩn bị và cung cấp những năng lực cần thiết cho tổ chức trong tương lai”.
Hiểu cách khác: “Phát triển là bao gồm các hoạt động nhằm chuẩn bị cho nhân viên theo kịp với cơ cấu tổ chức khi nó thay đổi và phát triển”.
Đào tạo là một quá trình có hệ thống nhằm nuôi dưỡng việc tích lũy các kỹ năng, những quy tắc, hành vi hay thái độ dẫn đến sự tương xứng tốt hơn giữa những đặc điểm của nhân viên và yêu cầu của công việc.
Phát triển là quá trình lâu dài nhằm nâng cao năng lực và động cơ của nhân viên để biến họ thành những thành viên tương lai quý báu của tổ chức. Phát triển không chỉ gồm đào tạo mà còn cả sự nghiệp và những kinh nghiệm khác nữa.
Nhu cầu đào tạo và phát triển xuất phát từ một thực tế là:
Doanh nghiệp ngày càng phát triển, đòi hỏi người lao động thực hiện khối lượng công việc càng lớn, chất lượng công việc càng cao.
Mặt khác, trình độ người lao động cũng cần nâng cao để có thể làm việc với các trang thiết bị, công cụ lao động ngày càng được cải tiến do sư phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp thay đổi cho phù hợp với môi trường kinh doanh mới, theo đó nhân lực của doanh nghiệp cũng được sắp xếp, bố trí sử dụng lại. Đây là môi trường cho phát triển nhân lực.
Biểu hiện cụ thể của phát triển nhân lực là sự thăng tiến, đề bạt, giao cho nhân viên thực hiện các công việc có yêu cầu cao hơn, quan trọng hơn.
Phát triển nhân lực chính là một hình thức đãi ngộ nhân lực thông qua việc làm. Đào tạo và phát triển nhân lực có mối quan hệ chặt chẽ. Đào tạo là nền tảng để phát triển nhân lực.
Hộp 5.1. Sự khác biệt giữa đào tạo và phát triển
Đào tạo Phát triển
Trọng tâm Công việc hiện tại Công việc của tương lai
Phạm vi Cá nhân Cá nhân, nhóm và tổ chức
Mục tiêu Khắc phục các vấn đề hiện tại Chuẩn bị cho sự thay đổi
Sự tham gia Bắt buộc Tự nguyện
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Hộp 5.2. Sự khác biệt giữa đào tạo và phát triển nhân lực
Đào tạo Phát triển
- Một nỗ lực của tổ chức để thúc đẩy việc học tập về những kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi liên quan đến công việc. - Giúp tổ chức hoạt động với hiệu suất cao hơn.
- Nhằm nâng cao năng suất của người lao động
- Được sử dụng để làm phù hợp với những thay đổi trong tổ chức.
- Liên quan tới việc dạy cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc hiện tại và tương lai
- Giúp cho nhà quản lý hiểu biết tốt hơn, giải quyết các vấn đề và ra quyết định tốt hơn, động viên người lao động để thu được những lợi ích từ các cơ hội.
Nguồn: Tác giả tổng hợp