Vai trò của đánh giá thực hiện công việc

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị nhân lực (Trang 121)

ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC

6.1.2. Vai trò của đánh giá thực hiện công việc

Trong mọi tổ chức, công tác đánh giá thực hiện công việc có vai trò quan trọng vì nó không chỉ phục vụ được mục tiêu quản lý, mà nó còn tác động trực tiếp tới người lao động và tới tổ chức. Đánh giá thực hiện công việc hàng năm đã giúp cho việc quản lý, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, tiêu chuẩn và quy định trong tổ chức một cách chính xác nhất để có những điều chỉnh kịp thời giúp công việc hoàn thành đạt hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, đánh giá thực hiện công việc còn thiết lập, tạo ra những nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo phục vụ, đạt được để đáp ứng mục tiêu của tổ chức.

Đánh giá thực hiện công việc đem lại cho doanh nghiệp những ích lợi sau:

+ Giúp doanh nghiệp đánh giá thực hiện làm việc của nhân viên trong quá khứ và nâng cao hiệu quả làm việc trong tương lai.

Một trong những cách tốt nhất để cải thiện hiệu quả làm việc là rút kinh nghiệm từ quá khứ. Đánh giá thực hiện công việc cho phép doanh nghiệp thảo luận với từng cá nhân về hiệu quả làm việc của họ và đưa ra những thông tin phản hồi. Nó cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhân viên cùng xác định những lĩnh vực cần cải thiện và lập kế hoạch cho tương lai.

+ Giúp doanh nghiệp xác định nhu cầu đào tạo và phát triển nhân viên

Một trong những mục tiêu chính của bất kỳ chương trình đánh giá nào là tập trung vào các ưu và nhược điểm của nhân viên, qua đó giúp họ phát huy các ưu điểm và khắc phục nhược điểm.

Đánh giá thực hiện công việc phải là trọng tâm của công tác đào tạo và phát triển, vì nó giúp xác định chính xác nhu cầu bồi dưỡng kiến thức của người được đánh giá, do đó có thể xây dựng được một chương trình đào tạo có hiệu quả, thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

+ Để đánh giá năng lực tiềm tàng và khả năng thăng tiến trong tương lai của nhân viên.

Doanh nghiệp luôn cần nguồn nhân lực bổ sung để đảm bảo những vị trí công việc mới hoặc thay thế nhân lực hiện tại. Nguồn nhân lực bổ sung này có thể được tuyển mới từ bên ngoài hoặc được tuyển chọn, đào tạo từ nội bộ.

Đánh giá thực hiện làm việc có thể giúp doanh nghiệp nhận ra những vấn đề tiềm tàng của nhân viên, từ đó có biện pháp thích hợp để phát triển năng lực của họ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai.

+ Hoạch định phát triển nghề nghiệp, hướng nghiệp và tạo cơ hội thăng tiến cho người lao động, cũng như đối với các hoạt động trọng yếu của tổ chức

Nhân viên có khả năng đạt được mục tiêu đề ra lớn hơn nếu họ được tham gia vào việc hoạch định các mục tiêu đó. Đánh giá thực hiện công việc là cơ hội để người quản lý và nhân viên cùng thương lượng và thống nhất chỉ tiêu công việc sau khi thảo luận về các mục tiêu của nhóm, vai trò, khả năng và cơ hội của nhân viên đó.

+ Đánh giá hệ thống trả lương cho người lao động hàng năm được thực hiện một cách hợp lý nhất, giúp kiểm tra lại các định mức lương, thưởng cho từng nhân viên sao cho hợp lý và công bằng, phù hợp với năng lực và hiệu quả việc cho mỗi người.

Trong một số doanh nghiệp mức lương và hiệu quả công việc có liên quan chặt chẽ và quá trình đánh giá thực hiện làm việc được sử dụng để hỗ trợ cho việc xác định mức lương của nhân viên.

Có nhiều ý kiến tranh luận ủng hộ hoặc phản đối trả lương theo hiệu quả công việc. Nhiều doanh nghiệp cho rằng tăng lương theo hiệu quả làm việc khiến cho nhân viên làm việc hiệu quả hơn và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu công việc hơn. Một số doanh nghiệp khác lại cho rằng việc trả lương theo hiệu quả công việc không khuyến khích tinh thần làm việc tập thể, và rằng các nhân viên sẽ né tránh nhìn nhận những điểm yếu của mình vì điều này có thẻ ảnh hưởng tới mức lương của họ.

Trên thực tế, để đảm bảo hệ thống lương công bằng và hợp lý, các doanh nghiệp thường dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau để xác định mức lương và hiệu quả làm việc chỉ là một trong những tiêu chí đó.

+ Tăng động lực làm việc cho nhân viên

Nhân viên sẽ nỗ lực làm việc hơn nếu họ biết những việc mình làm được ghi nhận và đánh giá một cách khách quan. Những cổ vũ và hỗ trợ kịp thời của cấp quản lý cũng khiến nhân viên làm việc tích cực hơn.

+ Giúp cho người quản lý đề ra chiến lược, hoạch định, tổ chức hệ thống nhân viên hợp lý trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực của tổ chức.

Đánh giá thực hiện công việc là một công cụ được sử dụng để năng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp bằng cách tăng hiệu quả của từng cá nhân trong doanh nghiệp đó.

Một phần của tài liệu Giáo trình Quản trị nhân lực (Trang 121)