Nội dung của các công trình nghiên cứu có liên quan đã thể hiện tính đa dạng, phức tạp của vấn đề biện chứng “bảo tồn trong bối cảnh phát triển đô thị”. Nhiều luận điểm khoa học đã được Luận án kế thừa và đúc kết thành một phần của cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, việc xử lý thoả đáng các vấn đề nội tại của mối quan hệ đa chiều giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới, giữa chủ thể hoá và hiện đại hoá đòi hỏi phải được nghiên cứu trên bình diện rộng, liên quan đến những yếu tố truyền thống và hiện đại, không gian vật thể và không gian xã hội đô thị. Những nội dung cơ bản chưa được triển khai sâu trong nội dung các công trình nghiên cứu là:
- Việc phân tích và đánh giá các đối tượng di sản kiến trúc đô thị tại trung tâm hiện hữu TPHCM trong nhiều trường hợp đã chưa được phân tích dưới một góc nhìn hệ thống, thông qua một thang giá trị hoàn chỉnh.
- Các cơ sở khoa học về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị khu vực trung tâm TPHCM phần lớn vẫn đặt trọng tâm vào phương thức bảo vệ và phát huy tính xác thực vật thể của đối tượng di tích kiến trúc riêng lẻ.
- Các cơ sở khoa học về cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới bằng giải pháp kiến trúc
và thiết kế đô thị còn phân tán, thiếu tính hệ thống, thiếu minh chứng từ những bài học kinh nghiệm đãđược thực tiễn soi rọi.
- Cơ sở thực tiễn về nội dung cải tạo, chỉnh trang, mở rộng khu vực trung tâm hiện hữu là một khoảng trống lớn trong các công trình nghiên cứu. Các căn cứ thực tiễn quan trọng như điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025 (phê duyệt năm 2010), quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thủ Thiêm (phê duyệt năm 2005) quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu (phê duyệt năm 2012), đã chưa được cập nhật trong phần lớn các công trình nghiên cứu có liên quan.